So sánh thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ với việc thi hành một

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ (Trang 27 - 31)

6. Kết cấu của luận văn:

1.1. Thi hành hình phạt và thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ:

1.1.4. So sánh thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ với việc thi hành một

hành một số chế định tương tự:

Hình phạt cải tạo không giam giữ nằm trong hệ thống hình phạt chính, so với các chế định khác bao gồm: hình phạt tù có thời hạn, hình phạt tù chung thân và tử hình thì cải tạo không giam giữ là hình phạt không tước đi tự do của người phạm tội. Chính vì vậy, cần xem xét thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ với những chế định tương tự với nó như: hình phạt tù cho hưởng án treo, biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục để từ đó làm rõ hơn đặc điểm, vai trò và hiệu quả của công tác thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ.

• So sánh thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ với thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo:

- Chủ thể của thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ và thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo đều bao gồm nhiều chủ thể nhưng cơ quan trực tiếp chịu trách nhiệm giám sát, quản lý, theo dõi người chấp hành án là UBND nơi người đó cư trú và các tổ chức xã hội, gia đình của người chấp hành án.

- Cơ sở thi hành: Sau khi bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật thì người phạm tội mới phải chấp hành hình phạt. Việc thi hành cả hai hình phạt cải tạo không giam giữ và hình phạt tù cho hưởng án treo đều phải dựa trên căn cứ là bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

- Đối tượng áp dụng: Đối tượng áp dụng thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ là người bị tòa án kết án phải chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ. Trong khi đó, đối tượng áp dụng thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo là người phạm tội bị kết án phải chấp hành hình phạt tù không quá 3 năm nhưng căn cứ vào nhân thân và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm. Từ đây có thể thấy rằng thi hành hình cải tạo hình phạt không giam giữ là thi hành một hình phạt nằm trong hệ thống hình phạt chính của pháp luật hình sự hiện hành. Còn thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo về thực chất là người chấp hành án được miễn chấp hành hình phạt tù có các điều kiện.

- Nội dung thi hành: Thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo và thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ đều yêu cầu người chấp hành án phải chịu sự quản lý, giáo dục tại địa phương nơi cư trú theo bản án đã có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, việc thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ yêu cầu người bị kết án phải nộp một phần thu nhập của bản thân vào ngân sách nhà nước. Còn thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo thì không phải chấp hành điều kiện này.

• So sánh thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ với thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội:

- Chủ thể của thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ và thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội đều là các cơ quan nhà nước, cá nhân, tổ chức xã hội được quy định trong Luật THAHS.

- Cơ sở thi hành: Việc thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ dựa trên cơ sở là bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Cơ sở để thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên

phạm tội là bản án hoặc quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên do Tòa án ban hành.

- Đối tượng áp dụng: Thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ áp dụng đối với người bị tòa án ra quyết định phải chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ. Còn thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội thì đối tượng áp dụng là người chưa thành niên phạm tội, đã có bản án hoặc quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật buộc họ phải chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

- Nội dung thi hành: Thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ và thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đều có tính chất chung là bắt buộc người chấp hành hình phạt, biện pháp tư pháp phải chịu sự quản lý, giám sát của UBND, tổ chức xã hội và gia đình. Tuy nhiên, thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn yêu cầu cả sự giám sát của nhà trường do đối tượng áp dụng biện pháp này là người chưa thành niên phạm tội, vẫn còn đang đi học. Vì vậy cần phải có sự vào cuộc của cả nhà trường để đảm bảo hiệu quả công tác thi hành biện pháp này.

• So sánh thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ với thi hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với người chưa thành niên phạm tội:

- Chủ thể thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ và chủ thể thi hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với người chưa thành niên phạm tội có sự khác biệt rõ ràng. Chủ thể của thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ bao gồm: UBND xã nơi người đó cư trú, các cá nhân, tổ chức xã hội chịu trách nhiệm giám sát người chấp hành án. Còn chủ thể của thi hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng lại là trường giáo dưỡng, cơ quan thi hành án. Người chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng phải nghiêm chỉnh chấp hành nội quy của trường.

- Cơ sở thi hành: Việc thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ và thi hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với người chưa thành niên phạm tội đều dựa trên bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

- Đối tượng áp dụng: Thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ áp dụng với đối tượng bị tòa án tuyên phải chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ. Đối tượng áp dụng của thi hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng là người chưa thành niên phạm tội và bị tòa án ra bản án, quyết định buộc đưa vào trường giáo dưỡng.

- Nội dung thi hành: Thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ đòi hỏi sự quản lý, giám sát của UBND xã nơi người chấp hành án cư trú, phối hợp với các cá nhân, tổ chức xã hội và gia đình người bị kết án để giáo dục, quản lý người chấp hành án. Nhưng thi hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng lại yêu cầu người chấp hành biện pháp này phải tuân thủ theo các quy định, nội quy của nhà trường. Thi hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng chỉ áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội nhưng thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ không hạn chế đối tượng.

Từ những so sánh trên có thể thấy rằng điểm đầu tiên cần nhắc tới là thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ là việc thi hành một hình phạt chính nằm trong hệ thống hình phạt của BLHS. Thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo về bản chất là một hình thức miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện. Thi hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng và giáo dục tại xã, phường, thị trấn là thi hành các biện pháp tư pháp hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội.

Thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ không hạn chế sự tự do của người chấp hành án nhưng bản thân họ luôn nhận thức rằng mình luôn bị kiểm soát, quản lý. Điều này góp phần nâng cao ý thức của tự bản thân người chấp hành án mà không cần sự can thiệp, tác động sâu của chính quyền hay

cơ quan tư pháp, giảm gánh nặng chi phí của công tác thi hành án. Thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo và thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội về nội dung thi hành là giống nhau, đều giao người chấp hành án cho UBND xã, tổ chức xã hội và gia đình người bị kết án chịu trách nhiệm giám sát nhưng thi hành hai chế định này đều có hạn chế về đối tượng áp dụng. Còn đối với thi hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng thì người chấp hành án tuy không bị hạn chế tự do nhưng cũng bị tách ra khỏi cuộc sống xã hội mà người đó sinh sống.

Thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ thể hiện sự nhân đạo, khoan hồng trong chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước hiện nay, góp phần giảm bớt chi phí thi hành án hình sự và giúp người chấp hành án nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng. So với thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo, thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng thì thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ thể hiện ưu điểm là không hạn chế đối tượng áp dụng, nội dung thi hành được quy định cụ thể, chặt chẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cả cơ quan giám sát, gia đình người chấp hành án và bản thân người chấp hành án dễ dàng, thuận lợi hoàn thành quyền và nghĩa vụ quy định.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ (Trang 27 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)