6. Kết cấu của luận văn:
1.1. Thi hành hình phạt và thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ:
1.1.3. Đặc điểm thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ:
Thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ là một bộ phận của THAHS. Chính vì vậy nên thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ cũng mang các đặc điểm chung của THAHS. Bên cạnh đó, thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ có các đặc điểm cơ bản:
Thứ nhất: Thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ là một bộ phận cấu thành của công tác THAHS, là hoạt động hành chính – tư pháp của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền tiến hành theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định để đưa bản án, quyết định của Tòa án ra thực hiện trên thực tế, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, tổ chức và công dân, bảo vệ trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.
Thứ hai: Thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ là một trong các hoạt động thi hành án không tước tự do của người phạm tội, có tính nhân đạo sâu sắc, xuất phát từ bản chất của hình phạt cải tạo không giam giữ, kết hợp giữa trừng trị và giáo dục. Người chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ không bị cách ly hoàn toàn khỏi đời sống xã hội, quyền tự do thân thể của người phạm tội vẫn được đảm bảo, họ chỉ bị hạn chế một số quyền nhất định do pháp luật quy định và nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện tối đa để làm ăn, sinh sống và chứng tỏ sự hối cải, hoàn lương của mình ngay trong môi trường xã hội bình thường, dưới sự giám sát, giáo dục của gia đình, UBND cấp xã và các cơ quan, tổ chức, đoàn thể xã hội nơi người bị kết án công tác, cư trú. Tính nhân đạo trong thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ còn thể hiện ở phương pháp thi hành án là lấy giáo dục thuyết phục, cảm hóa, động viên, khuyến khích là chính, hạn chế việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế hoặc mệnh lệnh hành chính, giúp người bị kết án nhận ra lỗi lầm, tự nguyện sửa chữa, cải tạo thành người có ích cho xã hội và được thể hiện rõ ràng trong Luật THAHS.
Thứ ba: Thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ là quá trình thi hành hình phạt chính nên đồng thời còn bao gồm cả việc cơ quan có thẩm quyền sẽ thực hiện khấu trừ một phần thu nhập của người chấp hành án (từ 5% đến 20% thu nhập) mà Tòa án đã ấn định để sung quỹ nhà nước, bên cạnh đó còn có thể diễn ra quá trình thi hành hình phạt bổ sung kèm theo bản án, quyết định của Tòa án có thẩm quyền nếu có.
Thứ tư: Việc thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ không giao cho một cơ quan chuyên trách thực hiện như đối với việc thi hành hình phạt tù. Điều này thể hiện rõ chính sách xã hội hóa công tác thi hành án của Đảng và Nhà nước ta trong những năm gần đây. Trong đó, UBND cấp xã hoặc cơ quan, đơn vị nơi người phạm tội cư trú giữ vai trò quan trọng, là cơ quan trực tiếp được giao nhiệm vụ giám sát, giáo dục người chấp hành án. Sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan, đơn vị, tổ chức xã hội, Mặt trận Tổ quốc ở cơ sở và gia đình người bị kết án là điều cần thiết để nâng cao hiệu quả của việc thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ.
Thứ năm: So với các hình phạt chính khác như hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân thì quá trình thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ đã góp phần giảm bớt chi phí cho xã hội nhưng vẫn đạt được hiệu quả xã hội cao. So với các hình phạt khác thì cải tạo không giam giữ không tước đi tự do và cơ hội tìm kiếm việc làm của người chấp hành án. Chính vì vậy nên dù bị kết án nhưng người phạm tội vẫn có cơ hội lao động, tạo ra của cải vật chất cho bản thân, gia đình và xã hội. Điều này cũng làm cho quá trình tái hòa nhập xã hội của người phạm tội giảm bớt những gánh nặng, hạn chế những rủi ro không đáng có và cũng giảm bớt nguy cơ tái phạm của người bị kết án.
Từ những đặc điểm trên có thể dễ dàng nhận thấy rằng thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ là một bộ phận của THAHS, có tính nhân đạo sâu sắc, do các cơ quan không chuyên trách, tổ chức xã hội, người có thẩm quyền
thực hiện theo trình tự, thủ tục luật định, kết hợp chặt chẽ giữa trừng trị và giáo dục, khuyến khích, tạo điều kiện để người chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ tự lao động, học tập, cải tạo và nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng trong môi trường cuộc sống bình thường, nhằm đưa bản án, quyết định của Tòa án ra thực hiện trên thực tế và đạt được hiệu quả xã hội cao, bảo đảm được lợi ích của Nhà nước, tổ chức và công dân, bảo vệ trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.