Thủ tục và đường lối giải quyết chấm dứt việc nuôi con nuôi

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Quan hệ cha mẹ nuôi - con nuôi theo pháp luật Việt Nam hiện nay (Trang 64 - 66)

2.4. Chấm dứt quan hệ cha mẹ nuôi con nuôi

2.4.2. Thủ tục và đường lối giải quyết chấm dứt việc nuôi con nuôi

Yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi là yêu cầu về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án và đây là loại việc dân sự được quy định tại khoản 5 Điều 28 BLTTDS. Theo quy định tại Điều 28 BLDS vì là loại việc dân sự nên không có tranh chấp giữa các chủ thể mà chỉ là yêu cầu công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý. Do đó, thủ tục giải quyết chấm dứt việc nuôi con nuôi được áp dụng theo các quy định tại chương XX BLTTDS về thủ tục giải quyết việc dân sự và các quy định khác của Bộ luật không trái với quy định của chương này.

- Thẩm quyền yêu cầu chấm dứt nuôi con nuôi:

Theo quy định tại Điều 26 Luật Nuôi con nuôi, cha mẹ nuôi, con nuôi đã thành niên, cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ của con nuôi có quyền yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi trong trường hợp quy định tại Điều 25 Luật Nuôi con nuôi; cơ quan lao động, thương binh và xã hội, Hội liên hiệp phụ nữ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền yêu cầu Toà án chấm dứt việc nuôi con nuôi trong các trường hợp quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều 25

Luật Nuôi con nuôi

- Thủ tục giải quyết:

Toà án nhân dân có thẩm quyền giải quyết yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự [31, Điều 10]. Giải quyết chấm dứt việc nuôi con nuôi được giải quyết theo thủ tục giải quyết việc dân sự và yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi được coi là việc dân sự không có tranh chấp giữa các bên nên không tiến hành hoà giải. Tuy nhiên có thể thấy, việc nuôi con nuôi vẫn xảy ra mâu thuẫn và tranh chấp nên khi có yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi nếu có tranh chấp giữa các bên thì nên giải quyết theo thủ tục giải quyết vụ án dân sự; trong đó tiến hành hoà giải đóng vai trò quan trọng. Việc hoà giải nhằm làm cho các bên suy nghĩ lại và tìm cách giải quyết khác có hiệu quả hơn, đảm bảo duy trì quan hệ cha mẹ nuôi – con nuôi, duy trì cuộc sống gia đình hoà thuận. Vì vậy, luật nên quy định linh hoạt trong vấn đề này, trong những trường hợp có thể duy trì quan hệ nuôi con nuôi thì nên tiến hành hoà giải theo thủ tục giải quyết vụ án dân sự.

Đường lối giải quyết chấm dứt việc nuôi con nuôi.

Đường lối giải quyết chấm dứt việc nuôi con nuôi có thể phân biệt hai trường hợp:

- Việc chấm dứt việc nuôi con nuôi đối với con nuôi chưa thành niên thì cần quan tâm bảo vệ lợi ích của con nuôi chưa thành niên. Do đó, nếu việc tiếp tục duy trì quan hệ cha mẹ nuôi – con nuôi gây ảnh hưởng xấu đến trẻ em thì cần giải quyết chấm dứt việc nuôi con nuôi. (Ví dụ, cha mẹ nuôi bóc lột sức lao động của con nuôi, đánh đập, hành hạ con nuôi, lạm dụng tình dục đối với con nuôi…). Nếu con nuôi chưa thành niên hỗn hào, không nghe lời cha mẹ nuôi nhưng cha mẹ nuôi vẫn yêu thương, đối xử tốt với con nuôi thì không giải quyết theo hướng chấm dứt việc nuôi con nuôi.

tuổi bị con nuôi đã thành niên đối xử không tốt, cha mẹ nuôi có yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi thì trong trường hợp này cần bảo vệ lợi ích của cha mẹ nuôi và giải quyết cho chấm dứt việc nuôi con nuôi.

Tuy nhiên, về đường lối giải quyết chấm dứt việc nuôi con nuôi pháp luật không có quy định cụ thể. Do đó, để thống nhất trong việc xét xử, Toà án nhân dân tối cao nên có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Đường lối giải quyết chấm dứt việc nuôi con nuôi có thể hướng dẫn như Nghị quyết 01/1988/NQ- HĐTP trước đây, trong đó quy định khi giải quyết chấm dứt việc nuôi con nuôi có sự phân biệt giữa con nuôi chưa thành niên và con nuôi đã thành niên để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ nuôi con nuôi và việc chấm dứt việc nuôi con nuôi thấu tình đạt lý.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Quan hệ cha mẹ nuôi - con nuôi theo pháp luật Việt Nam hiện nay (Trang 64 - 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(87 trang)