2.1. Quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi
2.2.1. Quan hệ giữa con nuôi với cha đẻ, mẹ đẻ của cha mẹ nuôi
Trong mối quan hệ với cha đẻ, mẹ đẻ của cha mẹ nuôi, con nuôi có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ như con đẻ của người nhận nuôi hay không chưa được pháp luật quy định rõ ràng và cụ thể.
Theo khoản 1 Điều 24 Luật Nuôi con nuôi, mối quan hệ giữa con nuôi và cha mẹ đẻ của người nhận nuôi có các quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của Luật HN&GĐ, BLDS, còn quyền và nghĩa vụ đến đâu thì luật không quy định cụ thể. Mối quan hệ giữa con nuôi và cha mẹ đẻ của người nhận nuôi có tồn tại quyền thừa kế tài sản của nhau hay không hoặc giữa họ có phát sinh quyền và nghĩa cụ cấp dưỡng đối với nhau theo quy định tại Điều 59 Luật HN&GĐ năm 2000 hay không, đó là điều mà pháp luật không quy định cụ thể.
Khoản 1 Điều 24 Luật Nuôi con nuôi quy định: “giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật” [31]. Mục đích của việc nuôi con nuôi
nhằm bảo đảm cho con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình và con nuôi được sống trong gia đình trọn vẹn, không chỉ có quan hệ với cha mẹ nuôi mà còn với cả các thành viên khác trong gia đình cha mẹ nuôi. Do đó, quy định này có thể hiểu giữa người con nuôi với các thành viên khác trong gia đình cha mẹ nuôi có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ giữa các thành viên trong gia đình với nhau theo quy định của Luật HN&GĐ năm 2000. Theo đó, quan hệ giữa người con nuôi với cha mẹ đẻ của cha mẹ nuôi được xác định như sau: Cha mẹ đẻ của cha nuôi, mẹ nuôi với người con nuôi có quan hệ ông bà và cháu với nhau theo quy định của Luật HN&GĐ, tức là giữa họ không chỉ có quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 49 Luật HN&GĐ năm 2000 mà còn có các quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo quy định tại Điều 47 Luật HN&GĐ năm 2000. Khi đã có các quyền và nghĩa vụ tại các điều trên thì giữa người con nuôi với cha đẻ, mẹ đẻ của người nhận nuôi cũng xuất hiện quyền và nghĩa vụ cấp dưỡng cho nhau theo quy định tại Điều 59 Luật HN&GĐ năm 2000. Đồng thời, cháu có bổn phận kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà nội, ông bà ngoại [30, Điều 47, khoản 2]. Như vậy, người con nuôi và cha mẹ đẻ của cha mẹ nuôi được coi là cháu của cha mẹ đẻ của cha mẹ nuôi, đó là quan hệ ông bà nội, ông bà ngoài và cháu.
Tuy nhiên, quy định tại khoản 1 Điều 24 Luật Nuôi con nuôi về quan hệ giữa con nuôi với các thành viên khác trong gia đình cha mẹ nuôi cũng có quan điểm cho rằng: giữa con nuôi với cha đẻ, mẹ đẻ của người nhận nuôi chỉ tồn tại mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình với nhau, được điều chỉnh bởi quy định tại Điều 49 Luật HN&GĐ năm 2000. Con nuôi chỉ có quan hệ với cha đẻ, mẹ đẻ của người nhận nuôi khi con nuôi sống chung trong gia đình với những người này, do đó giữa con nuôi và cha mẹ đẻ của người nhận nuôi chỉ có nghĩa vụ “quan tâm, giúp đỡ nhau, cùng nhau chăm lo đời sống chung của gia đình, đóng góp công sức, tiền và tài sản khác để duy trì
đời sống chung phù hợp với thu nhập, khả năng thực tế của mình” [30]. Khi con nuôi không sống chung với cha đẻ, mẹ đẻ của người nhận nuôi thì giữa họ sẽ không tồn tại quyền và nghĩa vụ đó. Do đó, quy định tại Điều 47 và Điều 59 Luật HN&GĐ năm 2000 cũng không được áp dụng để điều chỉnh mối quan hệ giữa hai chủ thể này với nhau. Như vậy, giữa con nuôi của người nhận nuôi với cha đẻ, mẹ đẻ của người nhận nuôi cũng không có quan hệ giữa ông bà nội, ông bà ngoại với cháu nên giữa họ cũng không có các quyền và nghĩa vụ theo Luật HN&GĐ đối với nhau.
Đối với vấn đề quan hệ thừa kế giữa con nuôi với cha mẹ đẻ của cha mẹ nuôi, như đã phân tích ở trên, con nuôi với cha mẹ đẻ của cha mẹ nuôi có đầy đủ quyền và nghĩa vụ giữa ông bà và cháu theo Luật HN&GĐ và các quy định khác của pháp luật có liên quan nên giữa con nuôi với cha đẻ, mẹ đẻ của người nhận nuôi có quan hệ thừa kế với nhau. Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 676 BLDS năm 2005 về hàng thừa kế thứ hai, gồm có: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại. Với quy định này thì con nuôi và cha mẹ đẻ của cha mẹ nuôi thuộc hàng thừa kế thứ hai của nhau. Tương tự, con nuôi sẽ được hưởng thừa kế thế vị theo quy định tại Điều 677 BLDS năm 2005 đối với tài sản của cha đẻ, mẹ đẻ của cha mẹ nuôi nếu cha mẹ nuôi chết trước con nuôi.
Tuy nhiên, vì không có quy định rõ ràng về vấn đề này nên cũng có quan điểm cho rằng luật không quy định cụ thể về con nuôi có quyền thừa kế đối với tài sản của cha mẹ đẻ của cha mẹ nuôi nên giữa con nuôi và cha mẹ đẻ của cha mẹ nuôi cũng sẽ không được hưởng thừa kế theo luật của nhau ở hàng thừa kế thứ hai theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 676 BLDS năm 2005. Và con nuôi cũng không được hưởng thừa kế thế vị theo quy định tại Điều 677 BLDS năm 2005 đối với di sản của cha đẻ, mẹ đẻ của cha mẹ nuôi nếu
cha mẹ nuôi chết trước con nuôi. Quy định tại khoản 1 Điều 24 Luật Nuôi con nuôi chưa cụ thể, chưa xác định được quyền và nghĩa vụ giữa người con nuôi với cha, mẹ đẻ của người nhận nuôi. Vì vậy, quy định pháp luật về quan hệ giữa con nuôi và cha mẹ đẻ của cha mẹ nuôi chưa cụ thể và thống nhất giữa các văn bản pháp luật dẫn đến vướng mắc khi áp dụng trong thực tế. Đây là điều mà pháp luật cần có quy định rõ, cụ thể hơn để có cơ sở giải quyết thống nhất khi có tranh chấp.