Nội dung của hợp đồng theo pháp luật Việt Nam và pháp luật Hoa Kỳ

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) So sánh chế định giao kết hợp động theo pháp luật Việt Nam và pháp luật Hoa Kỳ (Trang 55 - 62)

Hoa Kỳ.

Để đạt mục đích đáp ứng nhu cầu mỗi bên khi giao kết hợp đồng, các bên phải xác định những gì cần thoả thuận qua đó thể hiện được quyền và nghĩa vụ của các bên. Nội dung của hợp đồng là những điều khoản trong hợp đồng. Dưới sự điều chỉnh của pháp luật, các bên được tự do thoả thuận với nhau nhưng không được trái với quy định của pháp luật. Bên cạnh những điều khoản do các bên lựa chọn thoả thuận còn có những điều khoản do pháp luật quy định. Nhìn chung, trong khoa học pháp lý, các điều khoản được phân làm ba loại [8, tr. 228, 229]: (1) điều khoản cơ bản là những điều khoản bắt buộc phải có trong hợp đồng; (2) điều khoản thông thường là những điều khoản mà các bên có thể thoả thuận hoặc không thoả thuận trong quá trình giao kết hợp đồng vì các điều khoản đó đã được quy định trong luật; (3) điều khoản tuỳ nghi là điều khoản nêu ra các phương thức khác nhau để các bên tự lựa chọn hoặc những điều khoản luật không nêu các bên tự thoả thuận trong khi giao kết hợp đồng.

Pháp luật Việt Nam dựa trên nguyên tắc quyền tự do thoả thuận và định đoạt của các bên mà có quy định theo hướng mở đối với các điều khoản trong hợp đồng. Theo hướng đó, luật chỉ định hướng những điều khoản cơ bản của hợp đồng và tuỳ từng loại hợp đồng các bên có thể thoả thuận những nội dung theo quy định tại Điều 402, Bộ luật dân sự:

- Đối tượng của hợp đồng là tài sản phải giao, công việc phải làm hoặc không được làm;

- Số lượng, chất lượng;

- Giá, phương thức thanh toán;

- Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;

- Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;

- Phạt vi phạm hợp đồng

- Các nội dung khác.

Đây là quy định chung mang tính linh hoạt cho các hợp đồng. Tuỳ theo từng lĩnh vực chuyên ngành mà có quy định cụ thể về nội dung của hợp đồng như Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 quy định về nội dung của hợp đồng bảo hiểm (Điều 113), Bộ luật lao động quy định về nội dung của hợp đồng lao động (Điều 29)….

Tương tự như pháp luật Việt Nam, pháp luật Hoa Kỳ cũng không quy định cụ thể nội dung bắt buộc phải có trong hợp đồng, do đó các bên được tự do thoả thuận những cũng phải đảm bảo tính hợp pháp. Thông thường một hợp đồng thường phải đảm bảo những điều khoản sau đây để thể hiện được nội dung của hợp đồng:

- Đối tượng của hợp đồng.

- Điều khoản về số lượng, giá cả, phương thức thanh toán.

- Thời hạn thực hiện hợp đồng.

Tuy nhiên, với Bộ luật thương mại thống nhất Hoa Kỳ, điều khoản về đối tượng hợp đồng được coi là quan trọng nhất, nếu không có thì sẽ không thể xác định được nội dung của hợp đồng. Đối với điều khoản về giá cả, nếu không được quy định trong hợp đồng do các bên không thoả thuận thì sẽ áp dụng mức giá hợp lý tại thời điểm giao hàng [23, §2 - 305]. Ngoài ra, các bên không cần thiết phải xác định về số lượng hàng hoá nhưng phải đảm bảo sự phù hợp với nhu cầu hợp lý của mỗi bên, đó là các dạng hợp đồng theo nhu cầu(requirement contract) và hợp đồng theo sản lượng (output contract) [23, §2 - 306].

Hệ thống luật thông lệ cũng như pháp luật Hoa Kỳ vì ít những điều khoản tuỳ nghi, nên nội dung của hợp đồng phụ thuộc vào sự thoả thuận của các bên khi giao kết hợp đồng. Các bên thường phải tự mình soạn thảo một

cách tỉ mỉ các điều khoản khi giao kết hợp đồng. Trong khi đó, theo pháp luật Việt Nam, nếu các bên không thoả thuận hoặc thoả thuận không rõ ràng thì những điều khoản tương ứng được quy định trong luật thực định được áp dụng. Bộ luật dân sự Việt Nam quy định về các loại hợp đồng thông dụng là cơ sở pháp lý cần thiết cho các bên giao kết hợp đồng. Nếu các bên không thoả thuận thì áp dụng những quy định trong luật.

Quy định về hợp đồng mẫu, pháp luật hai nước có một số điểm quy định tương đối giống nhau. Theo pháp luật Hoa Kỳ, quy định nhằm hạn chế quyền của bên chủ động đưa ra điều khoản giao kết bất lợi cho bên kia do vị thế bất bình đẳng giữa các bên. Cụ thể như theo quy định của Luật về các bảo đảm và thẩm quyền của Ban thương mại liên bang (Luật Magnjewsson Moss) không cho phép đưa vào hợp đồng đối với người tiêu dùng các điều khoản bảo lưu gây bất lợi cho người tiêu dùng. Pháp luật bán buôn và dịch vụ hiện hành của Hoa Kỳ không cho phép đưa vào hợp đồng mẫu các điều khoản về miễn trách nhiệm của thương gia đối với việc bán hàng hoá kém phẩm chất, hoặc quy định về trách nhiệm nhẹ hơn so với quy định luật pháp [16, tr. 127].

Theo pháp luật Việt Nam, nếu hợp đồng mẫu có điều khoản không rõ ràng thì khi giải thích điều khoản đó bên đưa ra hợp đồng mẫu phải chịu bất lợi về điều khoản đó. Trường hợp bên đưa ra điều khoản trong hợp đồng mẫu về miễn trừ trách nhiệm của mình, tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên kia thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thoả thuận khác [1, Điều 407]

Mặc dù tại thời điểm giao kết, các nội dung của hợp đồng đã được hai bên nhất trí. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng, có thể có nhiều vấn đề phát sinh liên quan đến việc hiểu và giải thích về nội dung của những hợp đồng đó. Do vậy, pháp luật Việt Nam và Hoa Kỳ đều có những nguyên tắc cơ bản trong việc giải thích, xác định nội dung các điều khoản của hợp đồng. Về nguyên tắc chung, pháp luật hai nước dựa vào ý chí chung của hai

bên để giải thích hợp đồng. Ngoài ra, theo pháp luật Hoa Kỳ, việc giải thích hợp đồng còn dựa trên các nguyên tắc đặc trưng là “Parol Evidence”. Nội dung của nguyên tắc này là nếu như việc tuyên bố bằng miệng được làm trước khi xác lập thoả thuận bằng văn bản thì sẽ không được chấp nhận ở tòa án để làm thay đổi hay phủ nhận những điều khoản của văn bản thoả thuận vì toà án cho rằng các bên đã thoả thuận đầy đủ tất cả mọi thứ ở văn bản thoả thuận [24, § 212, comments].

Tuy nhiên, nguyên tắc này cũng có ngoại lệ của nó, cụ thể như sau: [20, p – p 189 - 191].

- Nguyên tắc “Parol Evidence” không được áp dụng trong các trường hợp áp dụng các quyết định bất công bằng và bất hợp lý.

- Trong những trường hợp mà hợp đồng bằng văn bản chưa được hoàn thành, hoặc đã hoàn thành nhưng có những điều khoản tối nghĩa, không rõ ràng thì chứng cứ bằng miệng có thể được áp dụng để bổ sung, làm rõ những điều khoản còn thiếu trong hợp đồng bằng văn bản đó.

- Nếu hợp đồng bằng văn bản có những lỗi do kỹ thuật in hoặc do lỗi ghi chép thì toà án sẽ cho phép những bằng chứng miệng là ý định thực sự của các bên.

- Nếu thoả thuận bằng văn bản phụ thuộc vào những sự kiện trước khi nó có hiệu lực thì chứng cứ miệng có thể được đưa ra liên quan đến những tiền đề điều kiện. Toà án chấp nhận những chứng cứ này vì cũng như chứng cứ miệng liên quan đến sự đồng ý và năng lực chủ thể, thì nó không có sự ảnh hưởng gì đến những điều khoản thoả thuận mà làm cho toàn bộ hợp đồng có hiệu lực.

- Chứng cứ miệng có thể được sử dụng để chứng minh rằng các bên đồng ý bằng miệng để huỷ bỏ hoặc giảm bớt các điều khoản của hợp đồng bằng văn bản sau khi giao kết. Thoả thuận sau thay đổi hay huỷ bỏ thoả thuận được cho phép và chứng cứ đó không làm suy yếu tinh thần của nguyên tắc “Parol

Evidence”. Tuy nhiên, nếu sự thay đổi trong hợp đồng liên quan đến sự thoả thuận mà nó được ghi lại theo luật chống lừa đảo thì bản hợp đồng đó sẽ được yêu cầu. Tương tự như vậy, nếu văn bản hợp đồng gốc yêu cầu sự thay đổi sau này phải được thể hiện bằng văn bản thì yêu cầu đó phải được thực hiện.

- Bộ luật thương mại chuẩn thống nhất Hoa Kỳ cho phép những chứng cứ bằng miệng liên quan đến vấn đề các bên đã hoạt động kinh doanh với nhau như thế nào trong một giai đoạn dài. Xuất phát từ quan điểm thực tế, các bên thường quen với việc giải quyết với nhau bằng cách riêng mà bỏ quên đi các một số điều khoản trong thoả thuận của họ. Tương tự như vậy, một vài tập quán quá chung chung đối với các quan hệ thương mại cụ thể, Bộ luật thương mại chuẩn thống nhất Hoa Kỳ cho phép dùng các chứng cứ miệng để bổ sung vào các văn bản như đối với các tập quán.

Việc giải thích hợp đồng theo pháp luật Việt Nam ngoài việc dựa trên ý chí chung của các bên còn phải phù hợp với tính chất và nội dung của hợp đồng, một số trường hợp có thể áp dụng theo tập quán địa phương nơi giao kết hợp đồng, trường hợp bên mạnh thế đưa vào hợp đồng nội dung bất lợi cho bên yếu thế thì khi giải thích phải theo hướng có lợi cho bên yếu thế.

KẾT LUẬN CHƢƠNG 3

Những vấn đề chính có thể rút ra được qua nghiên cứu, so sánh pháp luật Việt Nam và pháp luật Hoa Kỳ về hình thức và nội dung của hợp đồng bao gồm:

1.Sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam và pháp luật Hoa Kỳ về hình thức của hợp đồng dựa trên nguyên tắc chung là các bên được tự do giao kết hợp đồng dưới bất kỳ hình thức nào trừ những trường hợp pháp luật có quy định thì các bên phải tuân theo hình thức đó. Hình thức của hợp đồng có thể là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng trong một số trường hợp theo pháp luật hai nước, tuy nhiên hậu quả pháp lý cho sự vô hiệu về hình thức có sự khác nhau.

2. Hình thức hợp đồng mà pháp luật Việt Nam và pháp luật Hoa Kỳ quy định bao gồm hình thức bằng văn bản, có công chứng, chứng thực hoặc đăng ký. Mỗi nước có tiêu chí khác nhau để quy định về hình thức hợp đồng, nhưng nhìn chung, đối với hợp đồng liên quan đến bất động sản pháp luật hai nước đều quy định phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực.

3. Việc ký kết giữa các bên trong hợp đồng được thể hiện bằng chữ kỹ của mỗi bên trong văn bản được yêu cầu ở mức độ khác nhau theo pháp luật hai nước. Nếu như pháp luật Việt Nam thừa nhận chỉ những văn bản có chữ ký của hai bên mới được coi là hợp đồng đã được ký kết thì pháp luật Hoa Kỳ không nhất thiết phải đòi hỏi như vậy. Nhưng việc chỉ có chữ ký của một bên trong hợp đồng sẽ khác với trường hợp cả hai bên đã ký vào hợp đồng vì chữ ký của một bên sẽ chỉ xác định được nghĩa vụ với bên đã ký.

4. Pháp luật Việt Nam và Hoa Kỳ đều đảm bảo tính linh hoạt cho các bên khi xác định nội dung của hợp đồng, nhưng pháp luật Hoa Kỳ thì ít những điều khoản tuỳ nghi hơn nên việc soạn thảo nội dung hợp đồng phụ thuộc phần lớn vào ý chí của các bên trong khi đó pháp luật Việt Nam lại

có khá nhiều điều khoản tuỳ nghi nên các bên không nhất thiết phải soạn thảo đầy đủ các điều khoản của hợp đồng, thậm chí các bên cũng không biết mình có được đầy đủ những quyền và nghĩa vụ gì mà vẫn có thể giao kết hợp đồng với nhau.

5. Hợp đồng mẫu theo pháp luật hai nước có nhiều điểm tương đồng với quy định nhằm hạn sự lạm quyền của bên đưa ra điều khoản mẫu, bảo vệ quyền lợi cho một bên ở vị thế bị động hơn bằng việc không thừa nhận hiệu lực của những điều khoản loại trừ trách nhiệm của bên đưa ra điều khoản mẫu, tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên chấp nhận điều khoản mẫu.

6. Việc giải thích nội dung hợp đồng đều dựa trên ý chí chung của hai bên. Tuy nhiên, pháp luật Hoa Kỳ còn quy định việc giải thích nội dung hợp đồng dựa trên các nguyên tắc khác trong đó tiêu biểu là nguyên tắc “parol evidence” trong khi pháp luật Việt Nam giải thích hợp đồng phải phù hợp với tính chất và nội dung của hợp đồng, một số trường hợp có thể áp dụng theo tập quán địa phương nơi giao kết hợp đồng, trường hợp bên mạnh thế đưa vào hợp đồng nội dung bất lợi cho bên yếu thế thì khi giải thích phải theo hướng có lợi cho bên yếu thế.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) So sánh chế định giao kết hợp động theo pháp luật Việt Nam và pháp luật Hoa Kỳ (Trang 55 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)