Chƣơng 4 : ĐIỀU KIỆN CÓ HIỆU LỰC CỦA HỢP ĐỒNG
4.1. Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng theo pháp luật Việt Nam
4.1.4. Điều kiện về hình thức
Về nguyên tắc, hợp đồng chỉ cần đáp ứng ba điều kiện về chủ thể, mục đích và nội dung của hợp đồng và sự tự nguyện là có hiệu lực. Hình thức của hợp đồng chỉ được coi là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng trong trường hợp pháp luật có quy định [1, khoản 2, Điều 122].
Theo quy định tại khoản 2, Điều 401, Bộ luật dân sự quy định trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định đó. Theo một chuyên gia pháp lý, quy định này được coi là sự cụ thể hoá của khoản 2, Điều 122 như trên [4, tr. 219]. Điều đó có nghĩa là trường hợp pháp luật có quy định hình thức hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép là quy định hình thức hợp đồng là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng đó.
Tuy nhiên, đoạn cuối của khoản 2, Điều 401 lại quy định hợp đồng không bị vô hiệu do có vi phạm về hình thức, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Quy định này thể hiện sự mở rộng tự do về hình thức của hợp đồng
được quy định mới tại Bộ luật dân sự năm 2005 so với Bộ luật dân sự năm 1995. Với quy định này, nhiều quan điểm trong thực tiễn áp dụng cho rằng sự vi phạm về hình thức không đương nhiên làm cho hợp đồng vô hiệu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Những trường hợp pháp luật có quy định khác ở đây tạm thời xác định là trường hợp quy định tại đoạn đầu của khoản 2, Điều 401, Bộ luật dân sự.
Theo một số quan điểm về quy định tại đoạn cuối khoản 2, Điều 401, hợp đồng vi phạm về hình thức mà hình thức đó là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng sẽ chưa có giá trị pháp lý nhưng không thể bị coi vô hiệu ngay, việc hợp đồng chưa có giá trị pháp lý không có nghĩa là hợp đồng vô hiệu [4, tr. 221]. Hợp đồng vi phạm về hình thức chỉ vô hiệu nếu sau đó khi một hoặc các bên không thực hiện đúng quy định về hình thức của hợp đồng trong một thời hạn theo quyết định của toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền [1, Điều 134]. Như vậy, các bên có thể khắc phục lỗi hình thức của hợp đồng để làm cho hợp đồng có giá trị pháp lý nếu yêu cầu toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền can thiệp.
Tuy nhiên, theo một quan điểm khác khi lý giải về khoản 2, Điều 410 đó là việc một hợp đồng khi vi phạm quy định về hình thức mà pháp luật quy định, hợp đồng này không bị vô hiệu, nó vẫn có giá trị đối với các bên trong hợp đồng, trừ trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng này vô hiệu. [8, tr 226, 227]. Nhưng, vấn đề để ngỏ là chưa xác định những trường hợp pháp luật có quy định khác là những trường hợp nào.