Chƣơng 4 : ĐIỀU KIỆN CÓ HIỆU LỰC CỦA HỢP ĐỒNG
4.3. Nhận xét điều kiện hiệu lực của hợp đồng theo pháp luật Việt Nam và pháp
4.3.5. Điều kiện về nghĩa vụ đối ứng, đề nghị và chấp nhận đề nghị theo pháp
theo pháp luật Hoa Kỳ.
Theo pháp luật Hoa Kỳ, nghĩa vụ đối ứng là điều kiện đặc trưng để có hiệu lực của hợp đồng trong khi pháp luật Việt Nam cũng như các nước theo hệ thống dân luật không tồn tại khái niệm này. Điều này xuất phát từ quan điểm, tư tưởng rất khác nhau giữa hai hệ thống pháp luật.
Xuất phát từ luật thông lệ, theo thuyết mặc cả, hai bên đều phải nhận được một giá trị lợi ích sau quá trình mặc cả, tức hai bên đều bình đẳng và có lợi trong giao kết hợp đồng. Nếu chỉ một bên nhận không có cho thì quan hệ không mang tính chất trao đổi, mặc cả nên pháp luật Hoa Kỳ không thừa nhận đó là quan hệ hợp đồng. Trong khi đó, theo pháp luật Việt Nam chỉ cần hai bên có sự thoả thuận phát sinh quyền và nghĩa vụ là có hợp đồng mà không cần thiết phải có sự đền bù. Cũng chính vì vậy mà trong nhiều trường hợp theo pháp luật Việt Nam được ghi nhận là hợp đồng nhưng theo pháp luật Hoa Kỳ thì không, cụ thể như sau:
- Hợp đồng tặng cho theo quy định tại Điều 465, Bộ luật dân sự “là
sự thoả thuận giữa các bên theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận.”
Như vậy, hợp đồng tặng cho là đặc trưng của quan hệ không trao đổi giữa các bên, chỉ có một bên cho và một bên nhận mà không hề có sự mặc cả vì bên tặng cho không yêu cầu đền bù từ phía bên được tặng cho, nhưng theo pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật nhiều nước theo hệ thống dân luật đều thừa nhận là hợp đồng. Với pháp luật Hoa Kỳ, quan hệ tặng cho được coi là
minh hoạ rõ nét nhất cho thoả thuận không có đối ứng nên không có hợp đồng. Tuy nhiên, pháp luật Hoa Kỳ phân biệt hai trường hợp là hứa tặng cho và thực hiện việc tặng cho. Với lời hứa tặng cho, bên đưa ra lời hứa không buộc phải có nghĩa vụ thi hành lời hứa vì giữa các bên không tồn tại hợp đồng. Với việc đã thực hiện hành vi tặng cho, tức tài sản đã được chuyển giao từ người tặng cho sang người được tặng cho thì vấn đề giải quyết đòi lại tài sản đã tặng cho lại không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật hợp đồng mà thuộc phạm vi điều chỉnh của luật tài sản.
So sánh và liên tưởng sự phân biệt trên trong điều kiện pháp luật Việt Nam cho thấy, nếu hợp đồng tặng cho chưa hình thành mà chỉ ở giai đoạn giao kết thì lời hứa thực hiện việc tặng cho không có tính khả thi và hậu quả pháp lý không khác gì với quy định của pháp luật Hoa Kỳ. Theo pháp luật Việt Nam, hợp đồng tặng cho chỉ có hiệu lực khi bên tặng cho chuyển giao tài sản cho bên được tặng cho hoặc từ thời điểm đăng ký nếu tài sản tặng đó phải đăng ký theo quy định của pháp luật. Như vậy, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng tặng cho khác với các hợp đồng nói chung ở chỗ các hợp đồng đó có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết theo quy định tại Điều 405, Bộ luật dân sự, tức là từ thời điểm bên đề nghị nhận được đề nghị. Chính vì vậy, hiệu lực của đề nghị giao kết hợp đồng tặng cho cũng khác với hiệu lực của đề nghị giao kết hợp đồng khác. Ở Việt Nam, sẽ khó khăn trong việc buộc một người thực hiện lời hứa tặng ai đó một cái gì nếu như người đó muốn rút lại lời hứa, thậm chí ngay cả khi người được hứa tặng đã có những hành vi thực hiện để sẵn sàng đón nhận tài sản, quyền lợi có được từ lời hứa. Với pháp luật Hoa Kỳ, trường hợp trên được giải quyết để bù đắp thiệt hại cho bên được hứa kể cả khi không có nghĩa vụ đối ứng, theo đó bên hứa tặng cho buộc phải thực hiện lời hứa của mình.
Bên cạnh đó, quy định về điều kiện nghĩa vụ đối ứng cũng tạo ra một số hợp đồng mà ở Việt Nam không thừa nhận là hợp đồng, ví dụ như hợp
đồng tiền hôn nhân. Đó là thoả thuận trước khi hai bên nam nữ kết hôn về những nghĩa vụ đền bù trong thời kỳ hôn nhân mà luật về hôn nhân không quy định. Ví dụ như thoả thuận dự phòng về việc chia tài sản khi ly hôn. Theo pháp luật Việt Nam hiện hành chưa thấy nói đến những thoả thuận như vậy là hợp đồng.
Thêm một đặc trưng khác trong khoa học pháp lý của Hoa Kỳ coi điều kiện có hiệu lực của hợp đồng đó là sự thoả thuận của các bên, bao gồm đề nghị và chấp nhận đề nghị giao kết. Đây yếu tố không thể thiếu của hợp đồng và không bao giờ có ngoại lệ cho một quan hệ hợp đồng. Cũng như pháp luật Việt Nam, sự thoả thuận bản thân nó đã thể hiện bản chất của hợp đồng, vì vậy nếu không có sự thoả thuận giữa các bên thì đương nhiên không hình thành hợp đồng. Sự thoả thuận còn thể hiện quyền tự do, tự nguyện giao kết giữa các bên cũng như ý chí của các bên trong xác lập quan hệ hợp đồng.
Tuy nhiên, khoa học pháp lý về hợp đồng của Việt Nam không đặt ra vấn đề điều kiện về đề nghị và chấp nhận đề nghị để hợp đồng có hiệu lực mà vấn đề này được nhìn nhận dưới góc độ của quá trình giao kết hợp đồng hình thành sự thoả thuận giữa các bên.
KẾT LUẬN CHƢƠNG 4
Như vậy, đặc trưng khác biệt cơ bản của pháp luật Hoa Kỳ về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng so với pháp luật Việt Nam đó là điều kiện về nghĩa vụ đối ứng. Các điều kiện khác như điều kiện về chủ thể, điều kiện về hình thức và nội dung của hợp đồng, điều kiện sự tự nguyện nhất trí giữa các bên trong hợp đồng pháp luật Việt Nam và pháp luật Hoa Kỳ đều có quy định nhưng ở một vài khía cạnh có sự khác nhau, cụ thể là:
1. Pháp luật Hoa Kỳ quy định về độ tuổi của người tham gia hợp đồng
trong một số lĩnh vực chuyên biệt khác với pháp luật Việt Nam để bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích xã hội.
2. Pháp luật Hoa Kỳ có một số quy định khác với pháp luật Việt Nam
về sự tự nguyện trong giao kết hợp đồng. Theo đó, một số trường hợp bị coi là nhầm lẫn không nhất thiết dẫn đến hợp đồng vô hiệu và có những trường hợp do lạm dụng sự ảnh hưởng của người này đối với người khác để giao kết hợp đồng thì có thể dẫn tới hợp đồng vô hiệu.
3. Pháp luật Việt Nam và pháp luật Hoa Kỳ đều yêu cầu mục đích và
nội dung của hợp đồng phải hợp pháp, không trái với đạo đức xã hội nhưng tiêu chí về tính hợp pháp và tính đạo đức xã hội của hai nước không hoàn toàn giống nhau.
4. Hợp đồng vi phạm về hình thức theo pháp luật Hoa Kỳ không dẫn
tới hậu quả vô hiệu giống như với quy định của pháp luật Việt Nam. Theo đó, các bên vẫn có thể tự thoả thuận thực hiện hợp đồng nhưng điểm khó khăn là một trong các bên sẽ không thể yêu cầu toà án buộc bên kia thực hiện hợp đồng được vì không có bằng chứng cho việc ký kết hợp đồng giữa hai bên. Như vậy, pháp luật Hoa Kỳ coi giá trị pháp lý của hình thức hợp đồng là chứng cứ còn pháp luật Việt Nam coi giá trị pháp lý của hình thức hợp đồng là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng trong một số trường hợp.
Chƣơng 5 - NHỮNG KIẾN NGHỊ RÚT RA TỪ NGHIÊN CỨU SO SÁNH CHẾ ĐỊNH GIAO KẾT HỢP ĐỒNG THEO PHÁP LUẬT
VIỆT NAM VÀ PHÁP LUẬT HOA KỲ.
Trên cơ sở nghiên cứu so sánh chế định giao kết hợp đồng theo pháp luật Việt Nam và pháp luật Hoa Kỳ, trên cơ sở phân tích và nhận định những quy định phù hợp và chưa phù hợp, tác giả có một vài kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam về giao kết hợp đồng, cụ thể như sau:
5.1. Kiến nghị về khái niệm “hợp đồng dân sự” trong Bộ luật dân sự năm 2005.
Luật dân sự điều chỉnh các quan hệ nhân thân và tài sản trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động giữa các chủ thể bình đẳng với nhau. Nếu như trước khi ban hành Bộ luật dân sự 2005, pháp luật Việt Nam có sự phân biệt giữa hợp đồng dân sự với hợp đồng kinh tế thì kể từ sau khi Bộ luật dân sự năm 2005 được ban hành, khái niệm hợp đồng kinh tế không còn tồn tại nữa mà thay vào đó là khái niệm hợp đồng dân sự bao trùm tất cả các lĩnh vực dân sự, trong đó có lĩnh vực kinh tế (kinh doanh – thương mại). Vì vậy, khái niệm “hợp đồng dân sự” quy định tại Điều 388 là khái niệm về hợp đồng nói chung, bao gồm hợp đồng trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại và lao động. Thuật ngữ “hợp đồng dân sự” để chỉ cho mọi hợp đồng nói chung là xuất phát từ tính chất “dân sự” của các quan hệ xã hội mà ngành luật dân sự của Việt Nam điều chỉnh. Theo đó, các lĩnh vực đời sống sinh hoạt, kinh tế đều mang tính chất “dân sự”.
Tuy nhiên, tác giả đồng ý với quan điểm đề xuất của một số chuyên gia khác về việc sửa đổi thuật ngữ “hợp đồng dân sự” thành “hợp đồng” trong lần sửa đổi, bổ sung Bộ luật dân sự đợt tới [7, tr. 40, 41]. Bản chất pháp lý của thuật ngữ “hợp đồng dân sự” theo Điều 388, Bộ luật dân sự năm 2005 là hợp
đồng bao quát các loại hợp đồng mang tính chất “dân sự” nhưng thực tế, do quan niệm truyền thống về sự phân biệt hợp đồng dân sự và hợp đồng kinh tế, nên trong tư duy nhận thức của nhiều người vẫn chưa thể hình dung hết được ý nghĩa thực sự của một khái niệm “hợp đồng” nói chung trong dân sự nếu nó được diễn đạt bằng thuật ngữ “hợp đồng dân sự”. Chúng ta đã bắt gặp ở đâu đó cụm từ hợp đồng kinh tế để phân biệt với hợp đồng dân sự hoặc có sự lúng túng xác định đâu là hợp đồng kinh tế, đâu là hợp đồng dân sự khi các bên kí kết hợp đồng mặc dù theo pháp luật hiện hành không còn tồn tại cái gọi là “hợp đồng kinh tế”. Thêm vào đó, kham thảo luật hợp đồng các nước trên thế giới, trong đó có pháp luật Hoa Kỳ cho thấy pháp luật nước họ chỉ dùng đến thuật ngữ “hợp đồng” để ám chỉ hợp đồng trong các lĩnh vực dân sự. Chính vì vậy, việc dùng cụm từ “dân sự” đi kèm theo hợp đồng để nói tới hợp đồng nói chung là không cần thiết, thậm chí tạo ra nhận thức sai cho nhiều người tham gia vào quan hệ hợp đồng.
5.2. Kiến nghị về hình thức của hợp đồng theo quy định của Bộ luật dân sự Việt Nam và hiệu lực của hợp đồng dân sự do có vi phạm về hình thức.
Theo quy định tại khoản 2, Điều 122, Bộ luật dân sự, “hình thức giao
dịch là điều kiện có hiệu lực của giao dịch trong trường hợp pháp luật có quy định”. Đoạn đầu của khoản 2, Điều 401 quy định “trong trường hợp pháp luật quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định đó”. Nhưng, tại đoạn cuối, khoản 2, Điều 401, Bộ luật dân sự lại quy định
“Hợp đồng không bị vô hiệu trong trường hợp có vi phạm về hình thức, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
Các quy định trên về hình thức hợp đồng đã làm „rối tung” và gây nhiều tranh cãi về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng do vi phạm về hình
thức. Nếu suy ra từ đoạn cuối của khoản 2, Điều 401 thì có thể hiểu sự vi phạm về hình thức phân biệt hai trường hợp là vi phạm hình thức hợp đồng không dẫn đến hợp đồng vô hiệu và vi phạm hình thức hợp đồng dẫn đến hợp đồng vô hiệu theo quy định của pháp luật. Như vậy, nếu pháp luật chỉ quy định một hình thức nào đó mà các bên phải tuân theo khi giao kết hợp đồng mà không nêu rõ đó là điều kiện hiệu lực của hợp đồng thì sự vi phạm của các bên về hình thức không làm cho hợp đồng giữa các bên vị vô hiệu. Ngược lại, nếu luật quy định rõ hình thức là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng thì sự vi phạm hình thức đối với hợp đồng đó sẽ làm cho hợp đồng vô hiệu. Tuy nhiên, như tại chương 4 đã trình bày, nhiều quan điểm cũng như thực tiễn áp dụng đều cho rằng “những trường hợp pháp luật có quy định khác” bao gồm trường hợp quy định tại đoạn đầu của khoản 2 Điều 401 và khoản 2, Điều 124 Bộ luật dân sự, tức là trường hợp pháp luật quy định phải lập thành văn bản, phải có công chứng, chứng thực, có đăng ký hoặc xin phép mặc dù các quy định này chỉ yêu cầu là “ phải tuân theo” chứ không nêu rõ là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng. Nếu xác định như vậy thì những trường hợp vi phạm hình thức hợp đồng còn lại để không bị coi là vô hiệu là những trường hợp
nào? Vậy phải chăng quy định “hợp đồng không bị vô hiệu trong trường hợp
có vi phạm về hình thức” là thừa?
Hiện tại có hai quan điểm kiến nghị giải quyết bất cập trên: Thứ nhất, quan điểm cho rằng cần bỏ quy định tại đoạn cuối của khoản 2, Điều 401 [5]; quan điểm này xuất phát từ việc thừa nhận những trường hợp pháp luật quy định hợp đồng phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực, đăng ký hoặc xin phép là trường hợp mà hình thức của hợp đồng là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng. Vì vậy, quy định tại đoạn cuối của khoản 2, Điều 401 trở nên vô nghĩa. Quan điểm thứ hai, thừa nhận quy định mới tại đoạn cuối của khoản 2, Điều 401 và xuất phát từ nhận định cho rằng đây là quy định mở rộng tự do hình thức hợp đồng mà chỉ có ngoại lệ đó là “trừ trường hợp pháp
luật có quy định khác” [4, tr. 235] và kiến nghị cần quy định rõ “trừ trường hợp pháp luật có quy định khác” là những trường hợp cụ thể nào để đảm bảo tính khả thi của điều luật cũng như phát huy tốt tác dụng của quy tắc này [8, tr. 227]. “Những trường hợp pháp luật có quy định khác” tức là quy định phải nêu rõ điều kiện có hiệu lực của hợp đồng chứ không thể suy đoán như quan điểm áp dụng phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, trong Bộ luật dân sự cũng như luật thương mại hiện hành chưa thấy một quy định nào nói rõ trường hợp không tuân thủ hình thức dẫn đến hợp đồng vô hiệu.
Việc bổ sung quy định mới tại đoạn cuối của khoản 2 Điều 401 năm 2005 so với Bộ luật dân sự năm 1995 là một bước tiến mới trong việc thừa nhận quyền tự do giao kết hợp đồng nói chung, tự do lựa chọn hình thức hợp đồng nói riêng của Bộ luật dân sự năm 2005. Điều này thể hiện sự tiến gần đến quan điểm về giá trị chứng cứ về hình thức của hợp đồng và quyền tự do của các bên trong hợp đồng theo quan điểm của pháp luật Hoa Kỳ, theo đó, hình thức hợp đồng có giá trị về mặt chứng cứ hơn là tính hiệu lực của hợp đồng. Tuy nhiên, việc tiếp nhận hoàn toàn quan điểm của pháp luật Hoa Kỳ về hình thức hợp đồng vào pháp luật Việt Nam hiện tại là chưa phù hợp, bởi lẽ, điều kiện chính trị, kinh tế -xã hội giữa hai nước khác nhau rất nhiều.