1.7. Thẩm quyền của Tòa án cấp phúc thẩm
1.7.2. Sửa bản án sơ thẩm
Đó là việc Tòa án cấp phúc thẩm sau khi xem xét làm rõ các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ kiện, qua thẩm vấn tranh luận tại phiên tòa thì thấy cần phải ra quyết định khác với quyết định của Tòa án sơ thẩm đã giải
quyết. Quan điểm về sửa bản án, quyết định sơ thẩm rất phong phú. Có quan điểm cho rằng chỉ nên hiểu việc sửa bản án, quyết định sơ thẩm khi nó có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của các bên đương sự hoặc quyền, lợi ích của Nhà nước hay của người thứ ba. Còn nếu nó không liên quan đến ai thì không nên coi là sửa bản án, quyết định sơ thẩm. Chẳng hạn như việc Tòa án cấp phúc thẩm thấy rằng Tòa án sơ thẩm xem xét giải quyết vụ kiện về "Tranh chấp quyền sử dụng đất" giữa ông A và ông B. Tòa án nhân dân huyện T tuyên buộc B phải trả A quyền sử dụng mảnh đất 100m2 có trị giá là: 500.000.000đ là đúng nhưng cấp phúc thẩm thấy rằng Tòa án cấp sơ thẩm trong quá trình giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất mà không áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự, phần quy định về "chuyển nhượng quyền sử dụng đất" hoặc "Luật đất đai" để giải quyết vụ kiện là thiếu sót nên cấp phúc thẩm cần phải áp dụng thêm các quy định của pháp luật về vấn đề này thì mới đúng, mới có cơ sở. Như vậy là Tòa án cấp phúc thẩm vẫn cải, sửa bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm trong việc áp dụng pháp luật. Do đó bản án này vẫn bị coi là có bị cải sửa.
Quyền sửa bản án quyết định sơ thẩm là quyền riêng biệt chỉ có ở Tòa án cấp phúc thẩm. Quyền này xuất phát từ tính chất của việc xét xử phúc thẩm là xem xét lại bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật. Điều này khác hẳn với thẩm quyền của thủ tục xét xử giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Tại thủ tục xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm hoặc tái thẩm chỉ có quyền bác kháng nghị giữ nguyên bản án, quyết định sơ thẩm hoặc chấp nhận kháng nghị hủy bản án quyết định sơ thẩm. Việc huỷ bản án, quyết định sơ thẩm, có thể để yêu cầu Tòa án cấp có thẩm quyền giải quyết lại vụ kiện theo thủ tục chung hoặc có thể hủy bản án quyết định sơ thẩm và đình chỉ việc giải quyết vụ án, khi có các điều kiện về đình chỉ vụ án xảy ra.