Thẩm quyền của Tòa án cấp phúc thẩm khi có các tình tiết phát sinh tạ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thủ tục giải quyết vụ án dân sự tại tòa án cấp phúc thẩm theo pháp luật việt nam (Trang 70 - 73)

2.6. Thẩm quyền của Toà án cấp phúc thẩm

2.6.2. Thẩm quyền của Tòa án cấp phúc thẩm khi có các tình tiết phát sinh tạ

phát sinh tại phiên tòa phúc thẩm

Xét xử tại phiên toà là một giai đoạn quan trọng nhất của hoạt động tố tụng, thể hiện quyền lực nhà nước cao nhất của cơ quan Toà án. Hội đồng xét xử xem xét toàn bộ nội dung vụ án, thông qua hoạt động xét hỏi, tranh luận

công khai tại phiên toà, nhân danh nhà nước ra các phán quyết mang tính chất bắt buộc thực hiện đối với các chủ thể có liên quan. Bản án, quyết định của Hội đồng xét xử là pháp luật, đòi hỏi mọi người phải tôn trọng. Do tính chất quan trọng của các quyết định phát sinh tại phiên tòa nói chung và tại phiên tòa phúc thẩm nói riêng, nên pháp luật tố tụng Việt nam đã quy định rất chặt chẽ về thủ tục, về hình thức, về căn cứ cũng như về thẩm quyền để ra các quyết định của Hội đồng xét xử phúc thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, trước khi đi vào phần xét hỏi, Hội đồng xét xử phải kiểm tra, xem xét xem có các tình tiết, có các điều kiện để làm căn cứ ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án, hay có sự thay đổi, bổ sung hoặc thậm trí rút yêu cầu kháng cáo, kháng nghị không ? nếu có việc rút yêu cầu kháng cáo của người có kháng cáo hoặc rút kháng nghị của người kháng nghị thì Hội đồng xét xử xem xét và ra quyết định đình chỉ việc xét xử phúc thẩm theo quy định của Điều 256 BLTTDS cho phù hợp.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nếu các đương sự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án và thoả thuận của họ là tự nguyện, không trái pháp luật hoặc đạo đức xã hội thì Hội đồng xét xử phúc thẩm ra bản án phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, công nhận sự thoả thuận của các đương sự.[6, tr 176]

Một trường hợp khác mới được Bộ luật tố tụng dân sự quy định rõ trong Điều 269 đó là: “Nguyên đơn rút đơn khởi kiện trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm :

1. Trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì Hội đồng xét xử phúc thẩm phải hỏi bị đơn có đồng ý hay không và tùy từng trường hợp mà giải quyết như sau:

a. Bị đơn không đồng ý thì không chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn.

b. Bị đơn đồng ý thì chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn. Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án...”

Trước khi Bộ luật tố tụng dân sự có hiệu lực thì vấn đề nguyên đơn rút đơn khởi kiện trước hoặc tại phiên tòa phúc thẩm là những quy định gây nhiều tranh cãi, thực tiễn mỗi Tòa án áp dụng một khác. Theo hướng dẫn tại phần IX Nghị quyết số 03/NQ-HĐTP ngày 19 tháng 10 năm 1990 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của PLTTGQCVADS thì Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án. Nếu trước khi mở phiên tòa thì do thẩm phán được phân công làm chủ tọa quyết định. Nếu tại phiên tòa thì do Hội đồng xét xử quyết định. Hướng dẫn tại Nghị quyết số 03 này dẫn đến một tình trạng bất cập đó là: nếu Tòa án cấp phúc thẩm chỉ đình chỉ giải quyết phúc thẩm vụ án thì còn bản án quyết định của Tòa án sơ thẩm không được đề cập xử lý triệt để. Mà nếu Tòa án cấp phúc thẩm đình chỉ việc giải quyết vụ án mang tính chất là coi như chưa có sự kiện khởi kiện xảy ra (đình chỉ cả xét xử sơ thẩm) thì vô hình chung, Tòa án cấp phúc thẩm chỉ bằng một quyết định của mình mà xử lý thay toàn bộ quyết định của bản án sơ thẩm. Điều đó là không thể có và hoàn toàn bất cập bởi tại cấp sơ thẩm, Tòa án cấp sơ thẩm ra phán quyết bằng một bản án nhân danh Nhà nước, với đầy đủ các thành phần người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng đầy đủ mà đến cấp phúc thẩm, chỉ với một thẩm phán thụ lý ra quyết định phủ nhận hoàn toàn bản án là điều không phù hợp.

Việc quy định hỏi ý kiến của bị đơn trước khi xét xử phúc thẩm trong trường hợp có sự rút đơn khởi kiện của nguyên đơn cũng là cần thiết bởi mọi vấn đề phát sinh, thay đổi chấm dứt quá trình tố tụng về thực chất đều dựa trên yêu cầu của các đương sự, tránh việc đi lại, kéo dài thời gian giải quyết vụ án. Pháp luật tố tụng dân sự quy định chặt chẽ vấn đề này để tránh sự lợi dụng của nguyên đơn gây khó khăn cho bị đơn, khi thấy căn cứ của mình đưa

ra là thiếu cơ sở và đã được Tòa án cấp sơ thẩm xem xét thấu đáo. Việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn tại cấp phúc thẩm chỉ được chấp nhận khi có sự chấp nhận của bị đơn. Tòa án cấp phúc thẩm ra bằng một bản án phúc thẩm để hủy án sơ thẩm và đình chỉ việc giải quyết vụ án. Quy định như vậy là hoàn toàn phù hợp với lý luận của TTDS cũng như phù hợp thực tiễn giải quyết tranh chấp các vụ án dân sự tại Toà án cấp phúc thẩm.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thủ tục giải quyết vụ án dân sự tại tòa án cấp phúc thẩm theo pháp luật việt nam (Trang 70 - 73)