Cơ chế bảo vệ bên trong theo Luật doanh nghiệp 1999

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự phát triển của pháp luật về bảo vệ cổ đông thiểu số trong công ty cổ phần ở việt nam (Trang 47 - 53)

2.2. Sự phát triển quy định của cơ chế bảo vệ bên trong về bảo vệ

2.2.2. Cơ chế bảo vệ bên trong theo Luật doanh nghiệp 1999

Theo Điều 69 LDN 1999, Cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần phải có Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc/Tổng giám đốc; đối với công ty cổ phần có trên mười một cổ đông phải có Ban kiểm soát. Ở đây có sự thay đổi khi Luật công ty 1990 yêu cầu công ty cổ phần phải có ít nhất 02 Kiểm soát viên, không phụ thuộc số lượng cổ đông trong công ty.

2.2.2.1. Đại hội đồng cổ đông

Theo Điều 70 LDN 1999, Đại hội đồng cổ đông gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết, là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần. Do vậy, các cổ đông có quyền biểu quyết còn có thể thông qua Đại hội đồng cổ đông để thực hiện các quyền của ĐHĐCĐ như sau:

- Quyết định loại cổ phần và tổng số cổ phần được quyền chào bán của từng loại; quyết định mức cổ tức hàng năm của từng loại cổ phần;

- Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát;

- Xem xét và xử lý các vi phạm của Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát gây thiệt hại cho công ty và cổ đông của công ty;

- Quyết định tổ chức lại và giải thể công ty;

- Quyết định sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty, trừ trường hợp điều chỉnh vốn điều lệ do bán thêm cổ phần mới trong phạm vi số lượng cổ phần được quyền chào bán quy định tại Điều lệ công ty;

- Thông qua báo cáo tài chính hàng năm;

- Thông qua định hướng phát triển của công ty, quyết định bán số tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong sổ kế toán của công ty;

- Quyết định mua lại hơn 10% tổng số cổ phần đã bán của mỗi loại [18, Điều 70];

Như vậy so với luật Công ty 1990, Đại hội đồng cổ đông đã được bổ sung thêm các quyền:

- Quyết định loại cổ phần và tổng số cổ phần được quyền chào bán của từng loại; quyết định mức cổ tức hàng năm của từng loại cổ phần;

- Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát;

- Quyết định tổ chức lại và giải thể công ty;

- Quyết định sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty, trừ trường hợp điều chỉnh vốn điều lệ do bán thêm cổ phần mới trong phạm vi số lượng cổ phần được quyền chào bán quy định tại Điều lệ công ty;

- Thông qua định hướng phát triển của công ty, quyết định bán số tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong sổ kế toán của công ty;

Ngoài việc bổ sung thêm nhiều thầm quyền cho ĐHĐCĐ, LDN 1999 còn quy định thêm nhiều nội dung cụ thể liên quan đến tổ chức, hoạt động của ĐHĐCĐ mà Luật công ty 1990 không có như: Thẩm quyền triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông (Điều 71); Danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông (Điều 72); Chương trình và nội dung họp Đại hội đồng cổ đông (Điều 73); Mời họp Đại hội đồng cổ đông (Điều 74); Điều kiện, thể thức tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông (Điều 76); Thông qua quyết định của Đại hội đồng cổ đông (Điều 77); Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông (Điều 78)

Như vậy, có thể thấy thông qua việc quy định thêm quyền cho các ĐHĐCĐ. Theo LDN 1999, các cổ đông cũng đã được tăng thêm rất nhiều quyền. Điều này đã giúp rất nhiều cho CĐTS trong quá trình bảo vệ chính mình.

2.2.2.2. Hội đồng quản trị

Theo Điều 80 LDN 1999,Hội đồng quản trị là cơ quan quản lý công ty, có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định mọi vấn đề liên quan đến mục đích, quyền lợi của công ty, trừ những vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông. Hội đồng quản trị gồm không quá 11 thành viên, thông qua quyết định bằng biểu quyết tại cuộc họp, lấy ý kiến bằng văn bản hoặc hình thức khác do Điều lệ công ty quy định. Mỗi thành viên Hội đồng quản trị có một phiếu biểu quyết.

Hội đồng quản trị có quyền quyết định và kiến nghị các vấn đề sau: - Quyết định chiến lược phát triển của công ty;

- Kiến nghị loại cổ phần và tổng số cổ phần được quyền chào bán của từng loại;

- Quyết định chào bán cổ phần mới trong phạm vi số cổ phần được quyền chào bán của từng loại; quyết định huy động thêm vốn theo hình thức khác;

- Quyết định giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và công nghệ; thông qua hợp đồng mua, bán, vay, cho vay và hợp đồng khác có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong sổ kế toán của công ty hoặc tỷ lệ khác nhỏ hơn được quy định tại Điều lệ công ty;

- Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Giám đốc (Tổng giám đốc) và cán bộ quản lý quan trọng khác của công ty; quyết định mức lương và lợi ích khác của các cán bộ quản lý đó;

- Quyết định cơ cấu tổ chức, quy chế quản lý nội bộ công ty, quyết định thành lập công ty con, lập chi nhánh, văn phòng đại diện và việc góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp khác;

- Trình báo cáo quyết toán tài chính hàng năm lên Đại hội đồng cổ đông; - Kiến nghị mức cổ tức được trả, quyết định thời hạn và thủ tục trả cổ tức hoặc xử lý các khoản lỗ phát sinh trong quá trình kinh doanh;

- Quyết định giá chào bán cổ phần và trái phiếu của công ty; định giá tài sản góp vốn không phải là tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng;

- Duyệt chương trình, nội dung tài liệu phục vụ họp Đại hội đồng cổ đông, triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông hoặc thực hiện các thủ tục hỏi ý kiến để Đại hội đồng cổ đông thông qua quyết định;

- Quyết định mua lại không quá 10% số cổ phần đã bán của từng loại; - Kiến nghị việc tổ chức lại hoặc giải thể công ty;

So với Luật công ty 1990, ngoài việc bổ sung thêm nhiều thầm quyền cho HĐQT, LDN 1999 còn quy định thêm nhiều nội dung liên quan đến tổ chức, hoạt động của HĐQT mà Luật công ty 1990 không có như: Quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch hội đồng quản trị; Cuộc họp hội đồng quản trị; Quyền được cung cấp thông tin của thành viên Hội đồng quản trị và Quy định về miễn nhiệm, bãi nhiệm và bổ sung thành viên Hội đồng quản trị. Mặc dù vậy, trên thực tế trong quan hệ pháp luật về bảo vệ CĐTS, HĐQT phần lớn bảo vệ

quyền lợi và phục vụ vì lợi ích của các cổ đông đa số. Hầu hết công việc quản lý và kinh doanh của công ty đều được quyết định bởi HĐQT hay chính là các cổ đông lớn hoặc đại diện của họ trong cơ quan này

2.2.2.3. Giám đốc/Tổng giám đốc

Theo Điều 85 LDN 1999, Hội đồng quản trị bổ nhiệm một người trong số họ hoặc người khác làm Giám đốc/Tổng giám đốc. Chủ tịch Hội đồng quản trị có thể kiêm Giám đốc/Tổng giám đốc công ty. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật, thì Giám đốc/Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty. Giám đốc/Tổng giám đốc là người điều hành hoạt động hàng ngày của công ty và chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị về việc thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao. Giám đốc/Tổng giám đốc có các quyền và nhiệm vụ sau:

- Quyết định về tất cả các vấn đề liên quan đến hoạt động hàng ngày của công ty;

- Tổ chức thực hiện các quyết định của Hội đồng quản trị; - Tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư của công ty;

- Kiến nghị phương án bố trí cơ cấu tổ chức, quy chế quản lý nội bộ công ty;

- Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh quản lý trong công ty, trừ các chức danh do Hội đồng quản trị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức;

- Quyết định lương và phụ cấp (nếu có) đối với người lao động trong công ty, kể cả cán bộ quản lý thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của Giám đốc /Tổng giám đốc;

Mặc dù LDN 1999 đã quy định rất nhiều về quyền và nghĩa vụ của HĐQT cũng như GĐ/TGĐ, nhưng về các nội dung khác liên quan đến người

quản lý như: Các nghĩa vụ của người quản lý (gồm nghĩa vụ cẩn trọng, trung thành và trung thực); Hay các tiêu chuẩn của người quản lý và nguyên tắc xác định mức thù lao của họ gắn với hiệu quả hoạt động của công ty chưa được quy định.

Trong quan hệ pháp luật về bảo vệ CĐTS, GĐ/TGĐ là một chủ thể quan trọng vì khi họ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình cũng đồng nghĩa với việc các quyền của CĐTS được đảm bảo. LDN 1999 trao cho GĐ/TGĐ những quyền riêng biệt với HĐQT, nhằm giúp cho GĐ/TGĐ không phải phụ thuộc quá nhiều vào HĐQT. Nhưng trên thực tế, GĐ/TGĐ do chính HĐQT bổ nhiệm, do vậy GĐ/TGĐ vẫn thường có xu hướng đứng về phía HĐQT, chủ yếu phục vụ vì lợi ích của các cổ đông đa số và bỏ qua lợi ích của CĐTS.

2.2.2.4. Ban kiểm soát

Ban kiểm soát là chế định quản lý bắt buộc trong công ty cổ phần có trên 11 cổ đông. Ban kiểm soát có từ ba đến năm thành viên, trong đó ít nhất phải có một thành viên có chuyên môn về kế toán. Ban kiểm soát phải bầu một thành viên, là cổ đông làm Trưởng ban; Ban kiểm soát có các quyền và nhiệm vụ sau:

- Kiểm tra tính hợp lý, hợp pháp trong quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh, trong ghi chép sổ kế toán và báo cáo tài chính;

- Thẩm định báo cáo tài chính hàng năm của công ty; kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết hoặc theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông, theo yêu cầu của cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu trên 10% số cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục ít nhất sáu tháng hoặc tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty; - Thường xuyên thông báo với Hội đồng quản trị về kết quả hoạt động; tham khảo ý kiến của Hội đồng quản trị trước khi trình các báo cáo, kết luận và kiến nghị lên Đại hội đồng cổ đông;

- Báo cáo Đại hội đồng cổ đông về tính chính xác, trung thực, hợp pháp của việc ghi chép, lưu giữ chứng từ và lập sổ kế toán, báo cáo tài chính, các báo cáo khác của công ty; tính trung thực, hợp pháp trong quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của công ty;

- Kiến nghị biện pháp bổ sung, sửa đổi, cải tiến cơ cấu tổ chức quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của công ty;

So với Luật công ty 1990, ngoài việc bổ sung thêm nhiều thầm quyền cho Ban kiểm soát, LDN 1999 còn quy định thêm nhiều nội dung liên quan đến tổ chức, hoạt động của Ban kiểm soát mà Luật công ty 1990 không có như: Quyền được cung cấp thông tin của Ban kiểm soát (Điều 89); Những người không được làm thành viên Ban kiểm soát (Điều 90) và Những vấn đề khác liên quan đến Ban kiểm soát (Điều 91). Mặc dù vậy trên thực tế trong quan hệ pháp luật về bảo vệ CĐTS thời kỳ này, vai trò của BKS là “không đáng kể”. BKS được Luật tin tưởng, trao quyền nhưng trên thực tế chưa thể hiện được vai trò bảo vệ cổ đông. Lí do chủ yếu có lẽ là do BKS phụ thuộc phần lớn vào HĐQT. Mặc dù BKS trên danh nghĩa do ĐHĐCĐ bầu ra, nhưng thực chất là do chỉ định của các cổ đông lớn; mặt khác, thành viên BKS cũng chỉ là một người lao động bình thường trong công ty, chịu sự quản lý và nhận lương do các cổ đông lớn quyết định, do đó BKS không thể chống đối HĐQT

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự phát triển của pháp luật về bảo vệ cổ đông thiểu số trong công ty cổ phần ở việt nam (Trang 47 - 53)