CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ VỀ THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ VÀ KIỂM SÁT ĐIỀU TRA CÁC VỤ ÁN HÌNH SỰ CỦA VIỆN

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự của Viện kiểm sát nhân dân (Trang 29 - 33)

QUYỀN CÔNG TỐ VÀ KIỂM SÁT ĐIỀU TRA CÁC VỤ ÁN HÌNH SỰ CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TRƢỚC KHI CÓ BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ 2003

Điều 137 Hiến pháp 1992, Điều 1 Luật Tổ chức VKSND năm 1992 quy định: "Viện kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố theo quy định của Hiến pháp và pháp luật" [32]. Để thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật, THQCT theo quy định của Hiến pháp và pháp luật đòi hỏi VKSND phải thực hiện đầy đủ, có hiệu quả những nhiệm vụ mà pháp luật đã quy định.

Chức năng quy định tại Điều 1 Luật Tổ chức VKSND 1992 được thực hiện thông qua việc thực hiện nhiệm vụ cụ thể của từng công tác kiểm sát. Trong mỗi công tác kiểm sát thực hiện chức năng đều được xác định bởi nhiệm vụ cụ thể nhằm bảo đảm tính thống nhất pháp chế trong từng lĩnh vực hoạt động nhất định. Nhiệm vụ chung của VKSND được cụ thể hóa thành nhiệm vụ của VKS thông qua các khâu công tác trong đó có công tác kiểm sát điều tra. Điều 3 Luật Tổ chức VKSND 1992 quy định:

Viện kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố bằng những công tác, trong đó có công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra của các cơ quan điều tra và các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra [32].

Căn cứ vào Điều 12 Luật Tổ chức VKSND năm 1992, Điều 141 BLTTHS 1988 khi tiến hành công tác kiểm sát điều tra VKSND có nhiệm vụ cụ thể:

- Áp dụng mọi biện pháp do BLTTHS quy định để mọi hành vi phạm tội đều phải được phát hiện, điều tra và xử lý kịp thời, không để lọt người phạm tội, không làm oan người vô tội.

- Bảo đảm không để một người nào bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị hạn chế các quyền công dân, bị xâm phạm tính mạng, tài sản, danh dự và nhân phẩm một cách trái pháp luật.

- Bảo đảm hoạt động điều tra phải được tiến hành theo đúng quy định của Luật TTHS. Trong việc điều tra phải thu thập cả chứng cứ có tội và chứng cứ xác định vô tội, làm rõ những tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm của bị can, xác định nguyên nhân và điều kiện dẫn đến tội phạm. Những vi phạm pháp luật trong quá trình điều tra phải được phát hiện, khắc phục kịp thời và xử lý nghiêm minh.

- Bảo đảm việc truy cứu TNHS đối với bị can là có căn cứ và hợp pháp. Khi tiến hành công tác này VKSND có một hệ thống những quyền năng pháp lý khác nhau. Các quyền đó đa dạng, phong phú, với tính chất, mục đích khác nhau, tạo thành từng loại, từng nhóm quyền trong công tác kiểm sát điều tra. Quyền của VKS trong công tác kiểm sát điều tra thể hiện đầy đủ các tính chất: tính hướng dẫn, tính mệnh lệnh và bắt buộc đối với các chủ thể thuộc đối tượng bị kiểm sát.

Căn cứ các Điều 141, Điều 142 BLTTHS 1988, Điều 13 Luật tổ chức VKSND 1992, khi tiến hành công tác kiểm sát điều tra VKS có các quyền:

- Kiểm sát việc khởi tố, tự mình khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và chuyển đến cơ quan điều tra để yêu cầu tiến hành điều tra, kiểm sát các hoạt động điều tra của cơ quan điều tra

Các quyền trên tập trung chủ yếu vào giai đoạn khởi tố và các hoạt động điều tra cụ thể của CQĐT, VKS phải chủ động bám sát các hoạt động điều tra để xem xét nhằm bảo đảm tính có căn cứ, tính hợp pháp của các hoạt

động đó. VKS phải sử dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định để mọi hành vi phạm tội đều được phát hiện, điều tra và xử lý kịp thời, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Trong những trường hợp tự mình phát hiện được tội phạm hoặc xác định được dấu hiệu của tội phạm, nhưng vì lí do nào đó CQĐT chưa hoặc không khởi tố thì VKS phải yêu cầu cơ quan đó khởi tố hoặc tự mình khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can để tiến hành điều tra trên cơ sở đó kiểm sát chặt chẽ mọi hoạt động điều tra của CQĐT.

- Phê chuẩn, không phê chuẩn các quyết định của cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật; quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn; hủy bỏ các quyết định trái pháp luật của cơ quan điều tra

Các quyền trên được thể hiện trong suốt quá trình điều tra, giải quyết vụ án hình sự. Các quyền đó thể hiện tính mệnh lệnh, bắt buộc đối với CQĐT. Thực chất đó chính là hình thức thể hiện mối quan hệ chế ước của VKS đối với hoạt động điều tra nhằm bảo đảm sự tuân thủ pháp luật một cách nghiêm ngặt. Do vậy, khi CQĐT áp dụng các biện pháp đó, VKS phải nghiên cứu, xem xét khách quan, toàn diện, xác định tính có căn cứ, tính hợp pháp để phê chuẩn hoặc không phê chuẩn các quyết định của CQĐT theo quy định của pháp luật, để kịp thời áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn, các quyết định trái pháp luật của CQĐT.

- Kiểm sát việc khám xét, khám nghiệm, việc hỏi cung bị can và các hoạt động điều tra khác của cơ quan điều tra; trực tiếp hỏi cung bị can khi thấy cần thiết; Yêu cầu cơ quan điều tra khắc phục các vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra; yêu cầu thủ trưởng cơ quan điều tra thay đổi, xử lý nghiêm minh điều tra viên đã vi phạm pháp luật trong khi tiến hành điều tra; nếu hành vi của điều tra viên có dấu hiệu tội phạm thì khởi tố về hình sự

Các quyền trên tập trung chủ yếu vào hoạt động điều tra cụ thể của CQĐT để phát hiện vi phạm. Thực tế các vi phạm trong quá trình điều tra vụ án được thể hiện dưới nhiều dạng khác nhau, với nhiều tính chất khác nhau

như: các quyết định khởi tố, quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn, quyết định khám xét, thu giữ, tạm giữ... có căn cứ, hợp pháp, cần thiết hay không, các biện pháp điều tra khác như: hỏi cung bị can, lấy lời khai nhân chứng, lấy lời khai người bị hại, nhận dạng, đối chất… có đảm bảo các nguyên tắc, các quy định của pháp luật không. Việc thu thập, bảo quản, đánh giá vật chứng có khách quan không. Việc xem xét đánh giá các tình tiết có liên quan tới vụ án hình sự, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm của bị can cũng như nguyên nhân điều kiện dẫn tới tội phạm có được Điều tra viên tiến hành khách quan, đầy đủ không. Trong mọi trường hợp vi phạm phải được phát hiện kịp thời và tùy theo tính chất, mức độ của vi phạm để VKS kiến nghị CQĐT khắc phục như: yêu cầu thay đổi Điều tra viên, yêu cầu xử lý kỷ luật đối với Điều tra viên, trường hợp có dấu hiệu phạm tội thì khởi tố hình sự để tiến hành điều tra.

- Quyết định truy tố bị can, Quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra; Quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án

Các quyền này thực chất là các quyền xử lý đối với người thực hiện hành vi phạm tội, được thực hiện trong quá trình điều tra và sau khi kết thúc điều tra. Trong quá trình điều tra nếu VKS xác định có căn cứ, lí do để đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra thì VKS có thể yêu cầu CQĐT hoặc tự mình ra quyết định đình chỉ điều tra. Trường hợp CQĐT kết thúc điều tra, bản kết luận điều tra đề nghị truy tố cùng hồ sơ gửi sang VKS, trách nhiệm của VKS phải nghiên cứu đầy đủ mọi vấn đề liên quan đến vụ án hình sự để: Nếu có đủ căn cứ, cơ sở chứng minh tội phạm, người phạm tội thì quyết định truy tố bị can trước Tòa án bằng bản cáo trạng; nếu có căn cứ, lí do để đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án thì VKS ra quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án; nếu xác định việc điều tra còn thiếu những chứng cứ quan trọng đối với vụ án, có căn cứ để khởi tố bị can về tội khác hoặc có đồng phạm khác cũng như xác định có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng thì VKS ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

- Kiến nghị với cơ quan, tổ chức và đơn vị hữu quan áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm

Thực hiện tốt quyền này chính là nhằm vào mục tiêu phòng ngừa tội phạm, từng bước hạn chế tội phạm thông qua hoạt động kiểm sát điều tra các vụ án hình sự của VKS. Trên cơ sở điều tra, kiểm sát điều tra vụ án, trường hợp phát hiện các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị hữu quan có những sơ hở, thiếu sót… làm nguyên nhân, điều kiện dẫn tới vi phạm, tội phạm thì VKS phải kiến nghị để tiến hành phòng ngừa tội phạm.

Như vậy, quyền hạn của VKS trong công tác kiểm sát điều tra thực chất là những phương tiện pháp lý được pháp luật quy định, VKS có trách nhiệm sử dụng để tiến hành hoạt động kiểm sát nhằm bảo đảm mọi hành vi phạm tội đều phải được phát hiện, điều tra, đảm bảo tính thống nhất trong mọi hoạt động điều tra tội phạm.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự của Viện kiểm sát nhân dân (Trang 29 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)