- Quyết định tạm đình chỉ vụ án
1.4.2. Về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi kiểm sát tuân theo pháp luật trong giai đoạn điều tra các vụ án hình sự
tuân theo pháp luật trong giai đoạn điều tra các vụ án hình sự
Theo quy định tại Điều 113 BLTTHS 2003, khi kiểm sát tuân theo pháp luật trong giai đoạn điều tra các vụ án hình sự VKS có quyền:
- Kiểm sát việc khởi tố, kiểm sát các hoạt động điều tra và việc lập hồ sơ vụ án của Cơ quan điều tra;
- Giải quyết các tranh chấp về thẩm quyền điều tra;
- Yêu cầu Cơ quan điều tra khắc phục các vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra; yêu cầu Cơ quan điều tra cung cấp tài liệu cần thiết về vi phạm pháp luật của Điều tra viên; yêu cầu Thủ trưởng Cơ quan điều tra xử lý nghiêm minh Điều tra viên đã vi phạm pháp luật trong khi tiến hành điều tra;
- Kiến nghị với cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.
* Kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án
Kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án của CQĐT nhằm đảm bảo từng trang tài liệu trong hồ sơ bắt khẩn cấp, hồ sơ khởi tố vụ án, hồ sơ khởi tố bị can và các hồ sơ khác trong quá trình điều tra phải được đóng dấu bút lục của CQĐT và kèm theo bản kê đầy đủ tên tài liệu, số trang từng tài liệu và lưu trong hồ sơ vụ án.
Trong quá trình khởi tố, điều tra, tài liệu của CQĐT đều phải được đưa vào hồ sơ vụ án theo đúng trình tự tố tụng khởi tố, điều tra vụ án. Đảm bảo sau khi kết thúc điều tra, các tài liệu trong hồ sơ vụ án do CQĐT thống nhất đánh số thứ tự một lần và lập bảng thống kê đầy đủ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án từ 01 cho đến hết theo đúng quy định tại mục 20, mục 21 Thông tư liên tịch 05/2005/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP về quan hệ phối hợp giữa CQĐT và VKS trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS 2003. Đối với những tài liệu do VKS thu thập được ở giai đoạn truy tố phải được đưa vào hồ sơ vụ án và đánh số thứ tự tiếp theo số tài liệu trong hồ sơ vụ án do CQĐT chuyển sang, không được thay đổi thứ tự bút lục trong hồ sơ vụ án.
* Kiểm sát các hoạt động điều tra của CQĐT
Sau khi khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can CQĐT tiếp tục tiến hành các hoạt động điều tra để thu thập tài liệu, chứng cứ nhằm chứng minh tội phạm, người phạm tội. Khi CQĐT áp dụng các biện pháp để điều tra, VKS có
trách nhiệm bảo đảm cho mọi biện pháp điều tra phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
- Kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường
Điều 150 BLTTHS 2003 quy định: "Trong mọi trường hợp, trước khi tiến hành khám nghiệm, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường" [36]. Kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường là một quyền năng pháp lý của VKS, thông qua hoạt động này VKS có trách nhiệm đảm bảo cho toàn bộ hoạt động khám nghiệm hiện trường của CQĐT được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật. Khám nghiệm hiện trường thuộc trách nhiệm của CQĐT, có thể được tiến hành trước hoặc sau khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự. Kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường có thể được tiến hành dưới hình thức như: VKS trực tiếp tham gia vào hoạt động khám nghiệm hiện trường; VKS tiến hành kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường thông qua biên bản, tài liệu, kết quả khám nghiệm hiện trường của CQĐT.
- Kiểm sát việc khám nghiệm tử thi
Kiểm sát việc khám nghiệm tử thi cũng là một quyền năng pháp lý của VKS trong công tác kiểm sát điều tra. Thông qua hoạt động này, VKS có trách nhiệm bảo đảm để hoạt động khám nghiệm tử thi được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật nhằm xác định có hay không có hành vi phạm tội để tiến hành điều tra. Điều 151 BLTTHS 2003 quy định: "Trong mọi trường hợp việc khám nghiệm tử thi phải thông báo trước cho Viện kiểm sát cùng cấp biết. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc tiến hành kiểm sát việc khám nghiệm tử thi" [36]. Điều này cũng có nghĩa là trong mọi trường hợp khi CQĐT khám nghiệm tử thi, VKS phải trực tiếp tham gia để thực hiện hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật. KSV phải đảm bảo, trong mọi trường hợp việc khám nghiệm tử thi, kết quả khám nghiệm phải được thể hiện đầy đủ, cụ thể trong biên bản khám nghiệm. Biên bản khám nghiệm phải đảm bảo
đầy đủ tính có căn cứ, tính hợp pháp để làm tài liệu, chứng cứ giải quyết vụ án được chính xác.
- Kiểm sát việc thực nghiệm điều tra
Thông qua hoạt động này VKS có trách nhiệm đảm bảo việc thực nghiệm điều tra, dựng lại hiện trường của vụ án hình sự được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật trên cơ sở đó để kiểm tra lại, đánh giá lại tính có thực của những tình tiết có liên quan tới vụ án hình sự. Điều 153 BLTTHS 2003 quy định: "Để kiểm tra và xác minh những tài liệu, những tình tiết có ý nghĩa đối với vụ án cơ quan điều tra có quyền thực nghiệm điều tra bằng cách cho dựng lại hiện trường, diễn lại hành vi, tình huống hoặc mọi tình tiết khác của một sự việc nhất định và tiến hành các hoạt động thực nghiệm cần thiết " [36].
- Kiểm sát việc đối chất, nhận dạng
Đối chất, nhận dạng là một trong các hoạt động điều tra của CQĐT được áp dụng trong trường hợp có sự mâu thuẫn trong lời khai của hai hay nhiều người hoặc trường hợp cần thiết để nhận dạng người, đồ vật, vật chứng, tài liệu nhằm mục đích xác định tính đúng đắn, tính có thực của sự kiện, sự vật hoặc tình tiết có liên quan tới vụ án hình sự. Kiểm sát việc đối chất, nhận dạng nhằm đảm bảo để CQĐT khi tiến hành các biện pháp này phải thực hiện đầy đủ các nội dung được quy định tại Điều 138, Điều 139 BLTTHS 2003. Mặc dù thực tế khi giải quyết án hình sự, đối chất, nhận dạng ít được áp dụng do tính phức tạp của nó nên khi CQĐT thực hiện các hoạt động điều tra này đòi hỏi phải được kiểm sát chặt chẽ và cụ thể, đảm bảo các nguyên tắc, trình tự, thủ tục được thực hiện nghiêm chỉnh theo quy định của pháp luật.
- Kiểm sát việc hỏi cung bị can
Thông qua hoạt động này VKS có trách nhiệm bảo đảm cho hoạt động hỏi cung bị can của CQĐT được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật, qua đó làm sáng tỏ sự thật của vụ án hình sự. Kiểm sát việc hỏi cung bị can có ý nghĩa rất lớn trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, đảm bảo nguyên tắc
pháp chế trong khi tiến hành TTHS, quyền và lợi ích hợp pháp của bị can được tôn trọng, được thực hiện đầy đủ. Đảm bảo lời khai của bị can trở thành chứng cứ có giá trị chứng minh trong vụ án. Trên cơ sở đó để VKS nắm được những tình tiết, tài liệu của vụ án thông qua lời khai của bị can.
Trong mọi trường hợp khi tiến hành kiểm sát việc hỏi cung bị can, VKS có trách nhiệm đảm bảo các yêu cầu, nguyên tắc trong quá trình hỏi cung bị can theo đúng quy định tại Điều 131, Điều 132 BLTTHS 2003. Nếu cần thiết KSV có thể chủ động trao đổi, thống nhất với Điều tra viên về kế hoạch, nội dung, mục đích của việc hỏi cung bị can, chuẩn bị chứng cứ, tang tài vật để nếu cần đưa ra đấu tranh với bị can. Sau khi xét hỏi KSV phải phân tích đánh giá kết quả của hoạt động hỏi cung bị can, xác định những mâu thuẫn trong nội dung khai báo, những tình tiết cần phải xác minh, điều tra tiếp để có phương hướng yêu cầu CQĐT tiếp tục điều tra.
Trường hợp không thể trực tiếp tham gia vào hoạt động hỏi cung bị can của Điều tra viên. KSV tiến hành kiểm sát các biên bản, tài liệu hỏi cung bị can của CQĐT. Đây là hình thức phổ biến, chủ yếu trong hoạt động kiểm sát việc hỏi cung bị can. KSV phải trực tiếp đọc, nghiên cứu, xem xét, kiểm tra, trích cứu từng tài liệu, từng biên bản hỏi cung bị can. Xác định tính hợp pháp của từng tài liệu, từng biên bản để sử dụng chúng là chứng cứ nhằm chứng minh cho vụ án hình sự, cũng như làm căn cứ để yêu cầu CQĐT tiếp tục điều tra.
- Kiểm sát việc lấy lời khai người làm chứng
Hoạt động lấy lời khai người làm chứng là một trong những biện pháp điều tra của CQĐT được quy định tại Điều 135 BLTTHS 2003. Lời khai người làm chứng là một trong những nguồn chứng cứ để CQĐT, VKS xác định có hành vi phạm tội, người phạm tội, đánh giá tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, những tình tiết có liên quan đến vụ án hình sự… Khi CQĐT tiến hành lấy lời khai người làm chứng, VKS có trách nhiệm kiểm sát tuân
theo pháp luật trong hoạt động điều tra này và được tiến hành bằng hai phương thức chủ yếu là: trực tiếp tham gia vào việc lấy lời khai người làm chứng của Điều tra viên hoặc kiểm sát các biên bản, tài liệu lấy lời khai người làm chứng.
- Kiểm sát việc lấy lời khai người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án
Khi tiến hành kiểm sát việc lấy lời khai của những người trên, VKS cần xác định đúng vị trí, quyền và nghĩa vụ, thái độ, tâm lý của họ trong quá trình giải quyết vụ án, đảm bảo các yêu cầu, nguyên tắc trong quá trình lấy lời khai người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự… được thực hiện theo đúng quy định tại Điều 137 BLTTHS 2003. Trường hợp phát hiện có vi phạm, thiếu sót hoặc mâu thuẫn trong lời khai KSV phải yêu cầu CQĐT khắc phục, xử lý kịp thời.
* Giải quyết các tranh chấp về thẩm quyền điều tra
Điều 110 BLTTHS 2003 về thẩm quyền điều tra quy định:
Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân điều tra tất cả các tội phạm, trừ những tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân và Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao…; Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trong trường hợp không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt [36].
Trên thực tế vẫn xảy ra những tranh chấp về thẩm quyền điều tra giữa các CQĐT ở các ngành khác nhau, hoặc trong cùng một ngành; tranh chấp về thẩm quyền điều tra giữa các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra với nhau. Trong những trường hợp như vậy nếu không có cơ quan nào đứng ra để làm trọng tài phân xử cho các bên sẽ dẫn đến hậu quả là sai về thẩm quyền điều tra, đùn đẩy trách nhiệm giải quyết đối với những
vụ án khó, phức tạp, làm chậm tiến trình điều tra vụ án... Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004 đã quy định trách nhiệm của VKS trong việc giải quyết các tranh chấp về thẩm quyền điều tra. Cùng với công tác kiểm sát các hoạt động điều tra, đây cũng là một trong những quyền năng pháp lý của VKS ở giai đoạn điều tra. Điều 28 Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự 2004 quy định:
Khi có tranh chấp về thẩm quyền điều tra giữa các Cơ quan điều tra thuộc các ngành khác nhau thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp nơi tội phạm xảy ra hoặc nơi phát hiện tội phạm có thẩm quyền quyết định; Khi có tranh chấp về thẩm quyền điều tra giữa các Cơ quan điều tra cùng ngành ở cấp nào thì Viện trưởng Viện kiểm sát cấp đó yêu cầu Thủ trưởng quản lý cùng cấp giải quyết; Khi có tranh chấp về thẩm quyền điều tra giữa Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm Lâm, lực lượng Cảnh sát biển thì Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền nơi xảy ra vụ án quyết định… [47].
* Kiểm sát trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng
Thực hiện quyền năng này KSV chủ động yêu cầu Điều tra viên giải thích và bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can và những người tham gia tố tụng khác trong hoạt động điều tra theo quy định tại Điều 62 BLTTHS 2003. Việc giải thích quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng phải được ghi vào biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án theo quy định BLTTHS. Mọi vi phạm pháp luật liên quan đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng phải được phát hiện và khắc phục kịp thời.
* Kiến nghị với cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật
Điều 27 BLTTHS 2003 quy định, trong quá trình tiến hành tố tụng, cùng với CQĐT, Tòa án, VKS có nhiệm vụ tìm ra những nguyên nhân và điều
kiện phạm tội, yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp khắc phục, ngăn ngừa. Vì vậy, trong quá trình kiểm sát điều tra, nếu phát hiện thấy các cơ quan, tổ chức có thiếu sót, sơ hở là nguyên nhân, điều kiện dẫn tới phát sinh vi phạm, tội phạm thì VKS phải có kiến nghị cụ thể để các cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.
* Yêu cầu CQĐT khắc phục các vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra
Yêu cầu CQĐT cung cấp tài liệu cần thiết về vi phạm pháp luật của Điều tra viên; yêu cầu Thủ trưởng CQĐT xử lý nghiêm minh Điều tra viên đã vi phạm pháp luật trong khi tiến hành điều tra. Đây là nhóm quyền có ý nghĩa khắc phục các vi phạm pháp luật của CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và của Điều tra viên trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự.