Về việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với tổ chức tín dụng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) những quy định đặc thù trong việc giải quyết phá sản tổ chức tín dụng (Trang 79 - 81)

tín dụng

Bên cạnh quy định việc nộp đơn của chủ nợ, con nợ và người lao động như Luật Phá sản doanh nghiệp năm 1993, Luật Phá sản năm 2004 đã quy định mở rộng quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản cho một số đối tượng khác. Tuy nhiên, theo Luật Phá sản năm 2004 thì hai cơ quan NHNN, BHTG không có tư cách nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với TCTD và điều này cũng chưa được Luật Ngân hàng và Luật Các TCTD ghi nhận. Nghiên cứu quy định về phá sản trong lĩnh vực ngân hàng, tín dụng, một thông lệ được nhiều nước quy định là hạn chế quyền nộp đơn của chủ nợ đối với các TCTD nhằm mục đích hạn chế tối đa việc phá sản đối với các tổ chức này. Lĩnh vực hoạt động ngân hàng - tín dụng có tính chất nhạy cảm cao, dễ gây ảnh hưởng dây chuyền trong hệ thống tiền tệ và nền kinh tế nên một yêu cầu đặt ra là cần có quy định hạn chế tình trạng tùy tiện nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản gây ảnh hưởng xấu đến hệ thống này. Để bảo vệ quyền lợi của chủ nợ, pháp luật quy định giao cho NHNN và cơ quan BHTG có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Hai cơ quan này là cơ quan giám sát hoạt động của các TCTD, thực hiện áp dụng biện pháp kiểm soát đặc biệt đối với TCTD có nguy cơ mất khả năng thanh toán. Trong trường hợp TCTD đã áp dụng biện pháp kiểm soát đặc biệt mà TCTD vẫn mất khả năng thanh toán thì hai cơ quan này sẽ có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản để bảo vệ lợi ích của các chủ nợ.

Ở Việt Nam, việc cho phép các chủ thể này có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là phù hợp với chức năng quản lý đối với TCTD mà các cơ quan này đang thực hiện. NHNN Việt Nam là cơ quan quản lý hoạt động của các TCTD. NHNN Việt Nam ban hành các tiêu chuẩn an toàn tài chính và chế độ tài chính cho các TCTD, đồng thời thực hiện việc giám sát tất cả mọi diễn biến tình hình tài chính của TCTD chịu trách nhiệm về việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, tiến hành các biện pháp phục hồi khi TCTD lâm

vào tình trạng mất khả năng thanh toán, vì vậy, NHNN Việt Nam phải là một trong những chủ thể có nghĩa vụ yêu cầu Tòa án tuyên bố phá sản TCTD.

Với đặc thù của các TCTD thì kinh nghiệm của các nước về quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của NHNN và cơ quan BHTG cần được nghiên cứu và cụ thể hóa trong pháp luật phá sản Việt Nam. NHNN có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản sau khi đã áp dụng các biện pháp phục hồi năng lực thanh toán theo trình tự kiểm soát đặc biệt mà không mang lại hiệu quả.

Đối với con nợ, việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được coi là một nghĩa vụ của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản. Điều này phù hợp với thông lệ chung của nhiều nước trên thế giới bởi vì hơn ai hết, con nợ phải là người đầu tiên hiểu rõ nhất về tình trạng tài chính của bản thân và việc yêu cầu con nợ phải nộp đơn khi thấy mình lâm vào tình trạng phá sản là cần thiết để kịp thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các chủ nợ. Theo quy định tại Điều 15 của Luật Phá sản năm 2004, trong trường hợp nhận thấy doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản thì chủ doanh nghiệp (đối với doanh nghiệp tư nhân) hoặc đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã (Tổng giám đốc, Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị…) có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Tuy nhiên, đối với TCTD thì cần quy định rõ nghĩa vụ này chỉ nên áp dụng sau khi đã có quyết định của NHNN về việc chấm dứt hoặc không áp dụng biện pháp kiểm soát đặc biệt đối với TCTD.

Đối với chủ nợ của TCTD (kể cả các cá nhân có quyền yêu cầu trả nợ theo hợp đồng tài khoản tiền gửi và (hoặc) hợp đồng tài khoản thanh toán...) chỉ có thể nộp đơn đến Tòa án yêu cầu tuyên bố phá sản sau khi thỏa mãn các điều kiện sau: a) đã có yêu cầu bằng văn bản cho NHNN để áp dụng các biện pháp phục hồi hoặc thu hồi giấy phép hoạt động ngân hàng của TCTD mắc nợ và b) khoản nợ phải lớn hơn một mức nhất định nào đó chứ không phải tất cả

các chủ nợ lớn nhỏ đều có quyền này (ví dụ, Luật Phá sản của Cộng hòa Liên bang Nga qui định khoản nợ phải lớn hơn 1000 lần mức lương tối thiểu).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) những quy định đặc thù trong việc giải quyết phá sản tổ chức tín dụng (Trang 79 - 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)