hòa Armenia
Việc giải quyết TCTD lâm vào tình trạng phá sản ở Armenia được quy định tập trung trong Luật Phá sản các ngân hàng và TCTD, được ban hành năm 2001 (thay thế Luật Phá sản ngân hàng năm 1996). Theo Luật này, ngân hàng và TCTD bị coi là lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán khi thuộc vào một trong các trường hợp sau đây:
- Ngân hàng bị mất từ 50% vốn điều lệ trở lên;
- Ngân hàng không có khả năng thanh toán các yêu cầu đòi nợ hợp pháp của các chủ nợ;
- Chỉ số định giá ngân hàng xuống dưới mức chỉ số định giá do Ủy ban NHTƯ quy định;
- Ngân hàng vi phạm tiêu chuẩn dự trữ bắt buộc do pháp luật quy định. NHTƯ sẽ là cơ quan duy nhất có thẩm quyền xác định một ngân hàng lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán; quyết định của NHTƯ không bị xem xét lại bất kỳ một tòa án nào. Theo quy định của Luật thì NHTƯ, trong thời hạn 2 tuần kể từ khi quyết định xác lập tình trạng mất khả năng thanh toán, có trách nhiệm thành lập ủy ban quản lý tạm thời và phê duyệt chương trình khôi phục tài chính, hoặc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản tới Tòa án [33, Điều 3].
Ủy ban quản lý tạm thời sẽ hoạt động theo chương trình khôi phục tài chính ngân hàng đã được NHTƯ phê duyệt. Thời hạn áp dụng biện pháp quản lý tạm thời được thực hiện theo chương trình khôi phục tài chính nhưng tối đa không quá 3 năm; NHTƯ có thể gia hạn thời hạn này thêm 3 năm [33, Điều 7]. Mục tiêu của việc quản lý tạm thời ngân hàng là nhằm thanh toán yêu cầu của người gửi tiền và chủ tài khoản, ổn định tình trạng tài chính của ngân hàng thông qua các biện pháp bán tài sản của ngân hàng hoặc bán toàn bộ ngân hàng, thu hồi tài sản của ngân hàng một cách nhanh nhất, tăng vốn điều lệ của ngân hàng hoặc thu hút thêm vốn đầu tư thông qua các hợp đồng vay, chuyển giao nghĩa vụ tài chính cho bên thứ ba, thay đổi cơ cấu tài sản của ngân hàng… Ủy ban quản lý tạm thời ngân hàng sẽ có đầy đủ chức năng quản lý ngân hàng; người đứng đầu ủy ban sẽ đương nhiên có quyền đại diện cho ngân hàng trong việc điều hành hoạt động của ngân hàng. Trong giai đoạn quản lý tạm thời, ngân hàng bị cấm thanh toán các yêu cầu cho các cổ đông ngân hàng; việc bù trừ nghĩa vụ phải được sự chấp thận của Ủy ban quản lý tạm thời. Các biện pháp từ chối nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký kết, tuyên bố vô hiệu các giao dịch gây thiệt hại tài sản ngân hàng cũng có thể được xem xét áp dụng. Trong trường hợp không thể khôi phục khả năng tài chính của ngân hàng, Ủy ban quản lý tạm thời sẽ đề nghị NHTƯ thực hiện thu hồi giấy phép hoạt động ngân hàng và nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Trường hợp việc khôi
phục tài chính thành công, Ủy ban quản lý tạm thời sẽ đề nghị NHTƯ cho chấm dứt việc áp dụng biện pháp quản lý tạm thời và chuyển giao việc quản lý ngân hàng cho những cổ đông, người góp vốn của ngân hàng.
Trong quá trình áp dụng biện pháp quản lý tạm thời, NHTƯ có thể nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản TCTD nếu có cơ sở rõ ràng là việc thanh lý ngân hàng sẽ bảo đảm tài sản của TCTD hơn là việc tiếp tục áp dụng biện pháp quản lý tạm thời hoặc không thể duy trì được khả năng thanh toán ổn định của ngân hàng. Ủy ban quản lý tạm thời sẽ có trách nhiệm quản lý ngân hàng cho đến khi Tòa án chỉ định nhân viên thanh lý. Các chủ nợ của ngân hàng có quyền nộp đơn đề nghị NHTƯ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Trong trường hợp NHTƯ từ chối đề nghị nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của các chủ nợ, các chủ nợ có quyền phản đối trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày quyết định có hiệu lực.
Việc Tòa án quyết định mở thủ tục phá sản đồng nghĩa với việc mở thủ tục thanh lý ngân hàng. Đồng thời với việc mở thủ tục phá sản, Tòa án chỉ định nhân viên thanh lý theo giới thiệu của NHTƯ hoặc từ các chủ nợ của ngân hàng. Người quản lý ngân hàng có trách nhiệm bàn giao cho nhân viên thanh lý tất cả con dấu, tài liệu và các tài sản của ngân hàng để thực hiện thanh lý ngân hàng.