Ỏ Hoa Kỳ, phần lớn các vấn đề liên quan đến mất khả năng thanh toán và phá sản chịu sự điều chỉnh của Đạo luật số 95-598 về mất khả năng thanh toán và phá sản được Nghị viện Hoa Kỳ thông qua ngày 6/10/1978 có hiệu lực từ ngày 1/10/1979. Ngoài ra, Tòa tối cao Hoa Kỳ công bố các tập án lệ và các hướng dẫn về các vấn đề liên quan đến phá sản. Tuy nhiên, điểm đặc thù trong pháp luật về phá sản của Hoa Kỳ là các văn bản pháp luật kể trên không điều chỉnh quan hệ mất khả năng thanh toán và phá sản của các loại hình doanh nghiệp đặc biệt như: ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty tài chính, công ty chứng khoán, các tập đoàn đường sắt, các tổ hợp xây dựng... mà được qui định trong các đạo luật riêng biệt [31].
Việc giải quyết ngân hàng lâm vào tình trạng phá sản không thuộc sự điều chỉnh của pháp luật phá sản chung mà được điều chỉnh bởi Luật BHTG. Nguyên tắc trực thuộc kép của ngân hàng, tức là các chính phủ liên bang và chính quyền địa phương nắm quyền lực nhất định trong việc điều tiết và giám sát hoạt động ngân hàng đã được đưa ra nhằm làm cho Nhà nước có thể quản lý một cách hữu hiệu các thể thức sáp nhập và phá sản. Các cơ quan chính của
Chính phủ liên bang là Hệ thống dự trữ liên bang (FRS) và Công ty BHTG liên bang (FIDIC: Phederal Deposit Insurance Corporation), Bộ Tài chính thông qua Thanh tra lưu thông tiền tệ (Controler of the Currency). Bộ Tư pháp và Ủy ban Giao dịch chứng khoán cũng có vai trò vai trò điều tiết nhất định nhưng không mạnh bằng các cơ quan trên. Ở cấp bang có các Hội đồng ngân hàng bang phụ trách hoạt động ngân hàng. Không một ngân hàng mới nào có thể bắt đầu hoạt động tại Mỹ khi chưa được Chính phủ cho phép. Để sử dụng các dạng tín dụng khác nhau và các công cụ tài chính khác, ngân hàng phải xin phép các cơ quan điều hành và giám sát. Chất lượng các nguồn tín dụng và đầu tư ngân hàng và cả khối lượng vốn ngân hàng được nhiều cơ quan khác nhau kiểm tra một cách thận trọng. Nếu ngân hàng muốn sáp nhập với ngân hàng khác, lập chi nhánh mới, thành lập doanh nghiệp ngoài lĩnh vực ngân hàng thì trước hết nó phải được sự chấp nhận của các cơ quan tương ứng. Và cuối cùng, các chủ ngân hàng thậm chí không có quyền đóng cửa ngân hàng của mình và từ bỏ công việc một khi chưa được sự chấp nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Các cơ quan chính phủ thường cố gắng không để các ngân hàng lớn phá sản. Ví dụ, khi Continental Illinois National Bank of Chicago (CINB) bị mất vốn nặng nề năm 1984, Hội đồng quản lý Hệ thống dự trữ Liên bang đã nhanh chóng cứu trợ bằng việc cung ứng nguồn vốn cho vay tạm thời, và Công ty bảo hiểm tín dụng Liên bang đã cấp hàng tỷ USD để không cho phép ngân hàng này phá sản. Tuy nhiên, có những trường hợp ngân hàng lớn vẫn không thoát khỏi phá sản. Năm 1991, cơ quan kiểm tra tiền tệ đã tuyên bố phá sản đối với ngân hàng Bank of New England và 2 chi nhánh của nó [27].
Trong trường hợp ngân hàng bị phá sản, FIDIC có thể thành lập "ngân hàng cầu nối" (bridge bank) để sáp nhập các tài sản có và tài sản nợ khác của, mua các tài sản có của ngân hàng đã bị phá sản và cung cấp các dịch vụ ngân hàng. "Ngân hàng cầu nối" thường được thành lập với điều kiện:
- Các chi phí cho việc tổ chức và hoạt động của "ngân hàng cầu nối" không vượt quá chi phí chi việc xóa ngân hàng hoặc các ngân hàng đã bị đóng cửa.
- Việc tiếp tục các hoạt động ngân hàng được bảo hộ là cần thiết cho khu vực nơi có ngân hàng đó.
- Việc tiếp tục các hoạt động của ngân hàng được bảo hộ là cần thiết cho những người gửi tiền tại ngân hàng đã bị đóng cửa và những tổ chức, cá nhân có liên quan.
Thời hạn hoạt động bình thường của "ngân hàng cầu nối" là 2 năm. Trong thời gian này, FIDIC vừa cải thiện tình hình tài chính của ngân hàng được bảo trợ, vừa bắc cầu nối từ ngân hàng bị phá sản tới người mua thích hợp. Các bên quan tâm đến việc mua các tài sản có và các tài sản nợ của "ngân hàng cầu nối" có thể thông qua FIDIC để tìm hiểu tình hình sự vụ và gửi đến FIDIC các đơn xin tham gia vào các cuộc mua bán. FIDIC bảo đảm các chi phí tác nghiệp cho "ngân hàng cầu nối". Theo pháp luật, "ngân hàng cầu nối" có thể được thành lập không cần vốn nhưng vẫn có tất cả các quyền hạn của ngân hàng quốc gia hay ngân ngân hàng của bang. Theo Luật BHTG thì "ngân hàng cầu nối" có thể nhận các khoản tiền gửi, nhận các tài sản nợ khác (kể cả tài sản nợ liên quan đến giao dịch ủy thác), mua các tài sản có (kể cả tài sản có liên quan đến giao dịch ủy thác) của ngân hàng được bảo hiểm mất khả năng thanh toán hoặc có nguy cơ mất khả năng thanh toán nếu thấy hợp lý; thực hiện bất kỳ chức năng tạm thời nào khác.
Đối với ngân hàng bị tuyên bố phá sản, các tài sản có khả năng thanh toán cao và các món nợ có triển vọng sẽ thuộc cơ cấu mới, còn các tài sản không có khả năng thanh toán sẽ được bán lại cho một công ty đặc biệt được thành lập trong khuôn khổ Công ty bảo hiểm tín dụng Liên bang. Theo Luật BHTG của Hoa Kỳ, khi một ngân hàng được bảo hiểm với giá trị tổng tài sản có từ 500.000.000 USD trở lên (theo báo cáo gần nhất của ngân hàng) bị lâm
vào tình trạng phá sản thì với tư cách là người tiếp nhận, FIDIC sẽ xem xét và dựa trên những điều kiện tự đặt ra để dàn xếp bán tài sản có và nhận các khoản nợ của ngân hàng bị phá sản, kể cả trường hợp tài sản được bán cho hoặc khoản nợ được nhận bởi một tổ chức nhận tiền gửi được bảo hiểm có trụ sở đặt tại cùng tiểu bang với ngân hàng bị phá sản, nhưng lại được thành lập bởi một ngân hàng hay công ty sở hữu nằm ngoài tiểu bang. Những giao dịch này phải được cơ quan giám sát ngân hàng liên bang hoặc tiểu ban của các bên tham gia chấp thuận.