1.2 .Quyền biểu tình
1.2.2 .Giới hạn của quyền biểu tình
Cũng như các quyền con người khác, quyền biểu tình cũng có những giới hạn của nó, cũng giống như các giới hạn của hội họp hòa bình và quyền tự do ngôn luận. Giới hạn áp dụng là quy định cho phép quốc gia áp đặt một số điều kiện để việc thực hiện, hưởng thụ một số quyền con người nhất định. Theo như quy định tại Điều 21, ICCPR 1966: “Quyền hội họp hòa bình phải được công nhận. Việc thực hiện quyền này không bị hạn chế,trừ những hạn chế do pháp luật quy định và là cần thiết trong một xã hội dân chủ, vì lợi ích quốc gia, an toàn và trật tự công cộng, và để bảo vệ sức khỏe và đạo đức xã hội hoặc bảo vệ quyền và tự do của những người khác”. Như vậy, theo Điều 21, ICCPR, quyền biểu tình sẽ bị giới hạn vì lý do:
- Lợi ích quốc gia;
- An toàn và trật tự công cộng,
- Bảo vệ sức khỏe và đạo đức xã hội;
- Bảo vệ quyền tự do của những người khác.
Theo hướng dẫn tại các nguyên tắc SIRACUSA về giới hạn và đình chỉ các điều khoản trong công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, 1984 có giải thích [27]:
Khái niệm “trật tự công cộng” (hay “trật tự công”) được sửa dụng trong công ước có thể định nghĩa là tổng thể các quy tắc đảm bảo chức năng hoạt động của xã hội hoặc các bộ nguyên tắc cơ bản mà xã hội được thành lập dựa vào đó. Tôn trọng quyền con người cũng là một phần của trật tự công cộng.
Sức khỏe của công chúng có thể được coi là là căn cứ cho việc giới hạn một số quyền để cho phép một nhà nước có biện pháp đối phó với một mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân hoặc các thành viên của cộng đồng. Những biện pháp này phải được nhằm cụ thể đến việc ngăn ngừa bệnh tật hoặc chấn thương hoặc cung cấp sự chăm sóc
Vì đạo đức cộng đồng khác nhau theo thời gian và giữa các nền văn hóa, một nhà nước, trong khi hưởng một mức thẩm quyền chủ động nhất định khi viện dẫn đạo đức cộng đồng như là căn cứ để hạn chế các quyền con người, phải chứng tỏ các giới hạn liên quan là cần thiết để duy trì sự tôn trọng giá trị cơ bản của cộng đồng.
An ninh quốc gia có thể được viện dẫn để biện minh cho các biện pháp giới hạn một số quyền chỉ khi chúng được thực hiện để bảo vệ sự tồn tại của quốc gia hay toàn vẹn lãnh thổ của nó hoặc độc lập chính trị chống lại việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa vũ lực.
An toàn công cộng có nghĩa là bảo vệ chống lại sự nguy hiểm đối với sự an toàn của con người, đối với cuộc sống của họ hoặc toàn vẹn về thể chất, hoặc thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của họ.
Nguyên tắc SIRACUSA cũng chỉ rõ phạm vi quyền và tự do của người khác mà có thể trở thành giới hạn đối với các quyền trong Công ước vượt quá các quyền và tự do được công nhận trong công ước. Điều này có nghĩa là nếu quốc gia viện dẫn giới hạn của quyền biểu tình là ảnh hưởng đến quyền và tự do của người thì viện dẫn này không được vượt quá các quyền và tự do được công nhận trong Công ước vì Công ước bảo vệ các quyền và tự do cơ bản nhất của con người.
Ngoài nhưng giới hạn nêu trên đối với quyền biểu tình, quyền biểu tình có thể bị tạm đình chỉ trong bối cảnh đe dọa sự sống còn của đất nước (Điều 4, ICCPR, 1966). Việc quốc gia áp dụng tạm đình chỉ quyền biểu tình được thực hiện thông qua một số biện pháp sau: thiết quân luật, cấm biểu tình hội họp đông người, cấm đi lại, ra vào một số khu vực nhất định. Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp để đình chỉ quyền biểu tình cũng phải tuân thủ một số nguyên tắc nhất định, tránh việc áp dụng không có căn cứ từ các quốc gia để hạn chế quyền biểu tình của công chúng.