Ban quản lý khu du lịch

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch ở Việt Nam (Trang 77 - 81)

2.2. Tình hình thực hiện pháp luật môi trƣờng có liên quan đến hoạt động du lịch

2.2.2.4. Ban quản lý khu du lịch

76

Luật Du lịch đã quy định “Khu du lịch phải thành lập Ban quản lý khu du lịch”. Các ban quản lý này có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, tôn tạo các danh lam, thắng cảnh thuộc quyền được giao.

Hiện nay, Việt Nam có nhiều khu vực có các tài nguyên du lịch với các quy mô và giá trị khác nhau. Trên thực tế, đã hình thành rất nhiều các Ban quản lý ở các khu vực có tài nguyên du lịch. Các Ban quản lý này có quy mô hoạt động, địa vị pháp lý, chức năng hoạt động rất khác nhau. Có những Ban quản lý chỉ mang tính chất thời điểm (ví dụ Ban quản lý lễ hội do các địa phương, ngành du lịch, hoặc ngành văn hoá lập ra khi cần thiết), có những Ban quản lý được thành lập ra để quản lý thuần tuý một khu du lịch (Ban quản lý Khu an dưỡng) nhưng cũng có những Ban quản lý thành lập với chức năng nhiệm vụ rõ ràng, quản lý một khu vực lớn như Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, Ban quản lý Vịnh Hạ Long… Có những Ban quản lý chỉ thuần tuý quản lý nhà nước, có những Ban quản lý vừa quản lý vừa kinh doanh và cũng có những Ban quản lý chỉ đơn thuần là kinh doanh. Tóm lại, mô hình của các Ban quản lý hiện nay rất đa dạng. Các Ban quản lý này chịu trách nhiệm quản lý mọi hoạt động trong khu du lịch hoặc lễ hội; trong đó có hoạt động bảo vệ môi trường. Trên thực tế, các Ban quản lý này đang đóng vai trò khá tích cực trong việc bảo vệ môi trường tại các khu du lịch. Ban quản lý các khu du lịch và các doanh nghiệp du lịch là những chủ thể trực tiếp khai thác các tài nguyên du lịch để cung cấp dịch vụ cho khách du lịch. Mặc dù chưa có những quy trình bảo vệ môi trường có hệ thống và đầy đủ nhưng với mục đích thu hút khách du lịch, các chủ thể này đã có những biện pháp nhất định để bảo vệ môi trường tại khu vực kinh doanh của mình. Ở một số Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên, khu vực phát triển du lịch là khu vực mà tài nguyên môi trường được bảo vệ tốt. Ban quản lý đã có những biện pháp nhắc nhở du khách có ý thức bảo vệ môi trường, thực hiện thu gom rác thải, khoanh vùng để bảo vệ các khu vực có tài nguyên khỏi những tác động xấu từ hoạt động của dân cư và các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác. Theo điều tra, 56% số dân cư sống tại các khu, điểm du lịch cho biết họ đã được phổ biến các quy định về bảo vệ môi trường, 77% du khách được hỏi cho biết họ

có thấy niêm yết công khai nội quy, quy chế bảo vệ môi trường tại khu, điểm du lịch.

Gần đây, một số khu du lịch biển đã áp dụng mô hình giao khoán bãi biển cho một số công ty du lịch hoặc cơ sở lưu trú du lịch quản lý. Theo đó, các đơn vị này đảm nhận việc bảo vệ môi trường trong khu vực được giao khoán. Với cách làm này, vệ sinh môi trường tại nhiều bãi biển được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, từ đó cũng nảy sinh vấn đề là khu vực nằm ngoài những nơi được giao cho các cơ sở quản lý lại không có ai phụ trách, vì vậy rác thải bị đổ dồn không được thu gom, xử lý.

Nhìn chung, công tác bảo vệ môi trường của các chủ thể này chưa được thực hiện có hệ thống và thành một quy trình liên tục, toàn diện. Các Ban quản lý chưa xác định giới hạn phát triển du lịch tại mỗi khu vực trong khả năng tự phục hồi, tự tái tạo của môi trường, việc thu gom rác cũng chưa thực hiện được triệt để. Ban quản lý cũng chưa có các biện pháp hữu hiệu để quản lý hoạt động của du khách khi khách đi sâu vào các khu vực bảo tồn. Những hoạt động chặt cây, bẻ cành, vứt rác bừa bãi vẫn tồn tại. Việc xâm phạm đến đời sống tự nhiên của các loài sinh vật, làm thay đổi tập tính sinh hoạt của chúng hiện nay vẫn chưa có những biện pháp ngăn ngừa. Các hoạt động bảo vệ môi trường đã triển khai vẫn nặng về nghiên cứu, hô hào hoặc mang tính học thuật, thiếu những biện pháp triển khai cụ thể, những đề xuất thực tế để có thể thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch thuộc phạm vi quản lý hoặc nếu có tiến hành thì cũng chỉ là những biện pháp hết sức nhỏ lẻ như thu gom rác, song lại không có biện pháp xử lý.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tính kém hiệu quả trong việc triển khai hoạt động bảo vệ môi trường của các Ban quản lý khu, điểm du lịch hiện nay, trong đó phải kể tới các nguyên nhân sau:

+ Do sự thiếu hụt các quy định về địa vị pháp lý, vai trò, chức năng của hệ thống cơ quan này trong việc quản lý môi trường du lịch. Cơ chế hoạt động, cách thức quản lý và khai thác các khu, điểm du lịch chưa thống nhất. Nhiều

78

Ban quản lý chỉ quan tâm tới các nguồn thu từ hoạt động du lịch mà không chú ý tới hoạt động bảo vệ môi trường.

+ Các Ban quản lý này thuộc những Bộ, Ngành, cấp chính quyền khác nhau, với sự nhận thức khác nhau về các yêu cầu bảo vệ môi trường, thuộc các ngành chuyên môn và lĩnh vực hoạt động khác nhau khiến họ khó có khả năng áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường một cách đồng bộ.

+ Các Ban quản lý danh lam, thắng cảnh không thuộc hệ thống tổ chức của ngành du lịch. Đó chỉ là các cơ quan mà ngành du lịch cần phối hợp, do có lĩnh vực quản lý liên quan. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa ngành du lịch với các Ban quản lý này hiện nay chưa được xác định rõ ràng, làm hạn chế vai trò tác động của ngành du lịch. Trên thực tế, ngành du lịch cũng chưa chủ động xây dựng hệ thống đồng bộ, có chức năng rạch ròi cho các Ban quản lý khu, điểm, tuyến du lịch. Một số Ban quản lý khu du lịch đã có là do nhu cầu quản lý Nhà nước của các địa phương, ngành, lĩnh vực khác nhau. Hoạt động du lịch diễn ra tại các danh lam, thắng cảnh có gây ô nhiễm, nhưng ngành du lịch chưa có cơ chế bồi thiệt hại về môi trường từ đóng góp của người gây ô nhiễm.

+ Sự phối hợp giữa ngành du lịch và các Ban quản lý danh lam, thắng cảnh, lễ hội diễn ra không đồng bộ, và thiếu cơ chế.

Với tư cách là những đơn vị trực tiếp quản lý các khu vực có tài nguyên du lịch và trực tiếp kiểm soát các hoạt động du lịch diễn ra tại khu, điểm du lịch, các Ban quản lý đã đề cập có khả năng và cần phải đóng một vai trò tích cực trong việc bảo vệ môi trường ngành du lịch. Vai trò này có thể thể hiện qua các hoạt động: kiểm soát các hành vi có thể gây ô nhiễm, suy thoái môi trường của các cơ sở kinh doanh dịch vụ và khách du lịch tại các khu, điểm du lịch do mình quản lý, kiểm soát các hành vi có thể làm ảnh hưởng đến tài nguyên và hệ sinh thái tại các Khu, điểm du lịch, đề ra các yêu cầu bảo vệ môi trường phù hợp với đặc trưng của Khu, điểm du lịch do mình quản lý, theo dõi các diễn biến môi trường tại khu vực của mình và phát hiện kịp thời các hiện tượng ô nhiễm và suy thoái hoặc các nguy cơ có thể xảy ra ô nhiễm và suy thoái môi trường để đề xuất, phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý kịp thời. Chuẩn bị các phương

tiện và các kế hoạch ứng cứu để đề phòng các sự cố môi trường, chủ động ứng cứu trong trường hợp xảy ra sự cố.

Tuy nhiên, để có thể phát huy vai trò của các Ban quản lý khu, điểm du lịch trong việc bảo vệ môi trường du lịch cần có một cơ chế pháp lý thống nhất cho hoạt động của các cơ quan này, xác định vai trò của các cơ quan này trong việc bảo vệ môi trường, mối quan hệ với cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, với cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, với cơ quan chủ quản các khu vực có tài nguyên du lịch và với chính quyền địa phương, mối quan hệ với các cơ sở kinh doanh du lịch, với khách du lịch. Chỉ khi đã phân định rõ ràng các mối quan hệ này bằng các quy định pháp luật cụ thể thì các Ban quản lý trên mới có thể thực sự phát huy vai trò của mình. Hơn thế nữa, cần phải có sự đào tạo, nâng cao nhận thức và trình độ chuyên môn của các Ban quản lý này trong quản lý du lịch gắn với các yêu cầu về bảo vệ môi trường để có thể thực hiện hiệu quả chức năng của mình. Bên cạnh đó, cũng cần trao cho các Ban quản lý khu, điểm du lịch những quyền năng nhất định để có thể xử lý ở một mức độ hợp lý các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch thuộc phạm vi quản lý, khả năng kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền để xử lý các hành vi gây ảnh hưởng xấu tới môi trường tại khu, điểm du lịch của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi liên quan.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch ở Việt Nam (Trang 77 - 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)