Xem xét, thông qua phương án phục hồ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) những quy định pháp luật về thủ tục phục hồi doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, thực trạng và giải pháp hoàn thiện (Trang 54 - 55)

Thẩm phán phụ trách vụ việc phá sản phải xem xét phương án phục hồi hoạt động kinh doanh để quyết định có đưa phương án đó ra Hội nghị chủ nợ hay không. Thẩm phán không có trách nhiệm xem xét phương án phục hồi hoạt động kinh doanh về mặt nội dung mà chỉ xem xét về mặt hình thức, tức là chỉ nghiên cứu xem xét phương án này đã thỏa mãn đầy đủ hay chưa các yêu cầu về mặt cơ cấu, phạm vi các vấn đề khác mà luật phá sản đã quy định một phương án phục hồi cần phải có. Như vậy, kết quả xem xét của Thẩm phán sẽ cho rằng phương án phục hồi đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đặt ra và trình hội nghị chủ nợ hay đề nghị doanh nghiệp bổ sung nếu phương án phục hồi hoạt động kinh doanh chưa bảo đảm các yêu cầu về mặt hình thức do pháp luật quy định.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày quyết định đưa phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản ra Hội nghị chủ nợ, thẩm phán phải triệu tập hội nghị chủ nợ để xem xét, thông qua phương án phục hồi. Nghị quyết về phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của nghiệp thông qua khi có quá nửa số chủ nợ không có bảo đảm có mặt đại diện cho từ 2/3 tổng số nợ không có bảo đảm trở lên biểu quyết tán thành [37, Điều 71]. Với quy định này đã loại trừ được vai trò của chủ nợ có bảo đảm và chủ nợ có bảo đảm một phần trong trong việc xem xét, thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Việc thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, xét cho cùng chủ yếu có ý nghĩa sống còn đối với doanh nghiệp và các chủ nợ không có bảo đảm. Nếu phương án phục hồi của doanh nghiệp có tính khả thi mà Hội nghị chủ nợ vẫn không thông qua thì cơ hội cứu vớt doanh nghiệp không còn và các chủ nợ không có bảo đảm khó có khả năng thu hồi các khoản nợ của mình. Ngược lại nếu khả năng cứu vớt doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản không cao mà Hội nghị chủ nợ vẫn thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thì khả năng thu hồi nợ của các chủ nợ không có bảo đảm càng thấp. Vì vậy, việc thông qua hay không thông qua phương án phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản cần phải được các chủ nợ có bảo đảm xem xét, đánh giá và quyết định cho hợp lý, phù hợp vì có áp dụng hay không áp dụng thủ tục phục hồi doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản thì quyền đòi nợ của các chủ nợ có bảo đảm vẫn luôn được đảm bảo.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) những quy định pháp luật về thủ tục phục hồi doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, thực trạng và giải pháp hoàn thiện (Trang 54 - 55)