Hướng dẫn áp dụng pháp luật là một trong những nội dung quan trọng trong quá trình đưa pháp luật thực định vào thực tiễn thi hành. Việc các quy định của pháp luật khi triển khai trên thực tế có thống nhất, hiệu quả hay
không phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động hướng dẫn pháp luật. Hơn nữa, các quy phạm pháp luật thường có mức độ phức tạp nhất định, đặc biệt là khi triển khai các quy phạm này trên thực tế thông qua quá trình định tội danh, nó đòi hỏi sự thống nhất về mặt nhận thức cũng như lý luận. Nếu như không có sự thống nhất về mặt nhận thức, việc áp dụng pháp luật sẽ gây ảnh hưởng lớn đến đời sống chính trị - xã hội của đất nước, gây mất ổn định trong xã hội, giảm sự tin tưởng của người dân vào các cơ quan tư pháp. Hiện nay, chỉ có duy nhất Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANHTC-VKSNDTC-BCA- BTP ngày 25/12/2001 của Tòa án nhândân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV “Các tội xâm phạm sở hữu” của Bộ luật hình sự năm 1999, trong khi đó một số vấn đề lý luận về định tội danh đối với tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản chưa được các nhà làm luật hướng dẫn cụ thể, ví dụ như: “Khái niệm bắt cóc”, Khái niệm “nhằm chiếm đoạt tài sản”...
Chúng tôi cho rằng, hành vi chiếm đoạt tài sản cần được hiểu một cách thống nhất, chiếm đoạt tài sản là hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu (nằm trong nhóm tội xâm phạm sở hữu - xâm phạm quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đối với tài sản), có nghĩa là hành vi bắt cóc cấu thành Điều 134 BLHS về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, phải có mục đích nhằm buộc người bị hại chuyển giao tài sản của mình cho người phạm tội. Nếu việc tước đoạt tài sản của người bị hại không nhằm mục đích chuyển giao tài sản của người bị hại sang người phạm tội, thì không cấu thành tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, do đó các nhà làm luật cần có hướng dẫn cụ thể nhằm mở rộng phạm vi bảo vệ của điều luật, tránh việc bỏ lọt tội phạm, cũng như để giải quyết các vụ án thống nhất, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Sau khi BLHS 1985 ra đời,pháp luật hình sự Việt Nam đã có nhiều lần sửa đổi, bổ sung,tuy nhiên, số lượng các văn bản hướng dẫn còn hạn chế, do
đó cần tiếp tục đẩy mạnh công tác hướng dẫn áp dụng pháp luật. Các cơ quan thực thi pháp luật trong phạm vi trách nhiệm của mình cần thường xuyên rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tạo ra sự thống nhất, cũng như thuận lợi cho công tác phổ biến và hoạt động áp dụng pháp luật.
Ngoài ra, Bộ Công an cần hoàn thiện, ban hành hướng dẫn cụ thể về quy trình điều tra vụ án bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, về khám nghiệm hiện trường; tiếp tục triển khai có hiệu quả các biện pháp chống bức cung, dùng nhục hình.
3.3.2. Chú trọng tổng kết thực tiễn áp dụng các quy định của Bộ luật hình sự về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản