2.1. Quy định của pháp luật Tố tụng Hình sự Việt Nam về địa vị
2.1.1. Giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1988
Sau khi cách mạng tháng Tám thành công, chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký một loạt sắc lệnh thành lập Tòa án cách mạng, thay thế cho các Tòa án của chế độ cũ: Tòa án quân sự (Sắc lệnh số 33 ngày 13/9/1945), Tòa án đặc biệt (Sắc lệnh số 64 ngày 23/11/1945), Tòa án binh và Tòa án thường (Sắc lệnh số 13 ngày 24/01/1946) .
Sắc lệnh 13 là sắc lệnh đầu tiên quy định một cách đầy đủ tổ chức giải quyết các tranh chấp, xử phạt các việc vi cảnh ở cơ sở cũng như tổ chức các Toà án và quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn của các ngạch Thẩm phán. Hệ thống Tòa án gồm có: Tòa án sơ cấp (ở cấp quận, huyện, châu), Tòa án đệ nhị cấp (ở cấp tỉnh) và Tòa án thượng thẩm (ở ba miền Bắc - Trung - Nam). Các Tòa án tư pháp này đều trực thuộc Bộ Tư pháp quản lý và thẩm quyền của các Tòa án thường là xét xử những vụ án hình sự thường và dân sự.
Về tổ chức các ngạch Thẩm phán gồm có hai ngạch Thẩm phán: ngạch sơ cấp và ngạch đệ nhị cấp. Thẩm phán sơ cấp làm việc ở Toà sơ cấp, Thẩm phán đệ nhị cấp làm việc ở các Toà đệ nhị cấp và Toà thượng thẩm. Các Thẩm phán đệ nhị cấp chia ra làm hai chức vị: các Thẩm phán xử án do ông Chánh nhất Toà thượng thẩm đứng đầu và các Thẩm phán của công tố viện (Thẩm phán buộc tội) do ông chưởng lý đứng đầu. Khi xét xử, Thẩm phán quyết định theo pháp luật và lương tâm của mình. Không quyền lực nào được can thiệp
trực tiếp hay gián tiếp vào công việc xử án. Ngoài ra, Sắc lệnh 13 cũng quy định một cách rất cụ thể về tiêu chuẩn của Thẩm phán, cách tuyển chọn và đối tượng được tuyển chọn, quyền và nghĩa vụ của Thẩm phán, kỷ luật đối với Thẩm phán và y phục của Thẩm phán. Mặc dù giai đoạn này, văn bản pháp luật vẫn bị ảnh hưởng bởi pháp luật của thực dân Pháp nhưng Sắc lệnh số 13 được coi là văn bản đầu tiên quy định khá cụ thể, đầy đủ và rất tiến bộ về tổ chức Tòa án cũng như tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các ngạch Thẩm phán. Sắc lệnh này đánh dấu bước đầu quá trình hoàn thiện hệ thống cơ quan xét xử ở Việt Nam [38, tr.80-81].
Sắc lệnh 51/SL ngày 17 tháng 4 năm 1946 cũng quy định về quyền và nghĩa vụ của Thẩm phán như: "Ông Chánh án chủ toạ phiên toà có nhiệm vụ điều khiển cuộc thẩm vấn và bảo vệ trật tự phiên toà", "mỗi khi tuyên án tử hình, Chánh án bắt buộc phải bảo cho tội nhân biết rằng hắn có quyền xin ân giảm và hỏi hắn có muốn đệ đơn xin không"[9].
Ngày 9-11-1946, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta. Tại Chương VI bản Hiến pháp này quy định về Cơ quan tư pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà gồm có: Toà án tối cao; các Toà án phúc thẩm; các Toà án đệ nhị cấp và sơ cấp. Các viên Thẩm phán đều do Chính phủ bổ nhiệm. Về các nguyên tắc xét xử gồm có:
Trong khi xử việc hình thì phải có phụ thẩm nhân dân để hoặc tham gia ý kiến nếu là việc đại hình; Quốc dân thiểu số có quyền dùng tiếng nói của mình trước Toà án; các phiên Toà án đều phải công khai, trừ những trường hợp đặc biệt. Người bị cáo được quyền tự bào chữa lấy hoặc mượn Luật sư; trong khi xét xử, các viên Thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật, các cơ quan khác không được can thiệp [19].
Năm 1950, Nhà nước ta thực hiện cuộc cải cách tư pháp đầu tiên bằng Sắc lệnh số 85/SL ngày 22/5/1950. Sắc lệnh đã đổi tên Toà án sơ cấp thành Toà án nhân dân huyện, Toà án đệ nhị cấp thành Toà án nhân dân tỉnh, Hội đồng phúc án thành Toà phúc thẩm, Phúc thẩm nhân dân thành Hội thẩm nhân dân (Điều 1) [19]. Để xét xử cả việc hình và việc hộ, Tòa án nhân dân huyện và Tòa án nhân dân tỉnh gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm nhân dân, Tòa án nhân dân phúc thẩm khu hoặc thành phố gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm nhân dân quyền xem hồ sơ và biểu quyết khi xét xử, Hội thẩm nhân dân được ngang quyền với Thẩm phán. Có thể nói cuộc cải cách tư pháp này có giá trị lịch sử rất lớn nhằm “mục tiêu dân chủ hóa bộ máy tư pháp và hoạt động xét xử như thành phần nhân dân (Hội thẩm nhân dân) trong xét xử chiếm đa số; thành lập Hội đồng hòa giải ở mỗi huyện, ngoài luật sư bào chữa còn có bào chữa viên nhân dân” [29, tr.79].
Sắc lệnh số 158 ngày 17/11/1950 quy định về việc bổ dụng cán bộ công nông vào ngạch Thẩm phán và thăng bổ các Thẩm phán huyện. Theo đó những cán bộ công nông có thành tích, kinh nghiệm có thể được bổ dụng vào một ngạch Thẩm phán thích đáng theo đề nghị của Hội đồng tuyển trạch (Điều 1); các Thẩm phán Tòa án nhân dân huyện nếu có năng lực và tinh thần phục vụ có thể được thăng bổ lên ngạch Thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh theo đề nghị của Hội đồng tuyển trạch (Điều 2) [19].
Hiến pháp 1959 và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 1960 ra đời đã có sự thay đổi đáng kể về cơ cấu tổ chức, hoạt động của hệ thống Tòa án cũng như các quy định liên quan đến đội ngũ Thẩm phán. Hoạt động công tố trước đây được giao cho Tòa án nay được tách ra và giao cho Viện kiểm sát nhân dân [20]. Tòa án thực hiện chế độ hai cấp xét xử: Sơ thẩm và phúc thẩm. Nhằm phục vụ kịp thời yêu cầu cấp thiết của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trọng tâm xét xử của Tòa án vẫn là án hình sự, còn trong việc xét xử án
Giai đoạn này chưa có văn bản nào quy định riêng về quyền và nghĩa vụ của Thẩm phán. Nhưng dựa trên những nguyên tắc tố tụng chúng ta có thể được địa vị của Thẩm phán như: Sự độc lập và chỉ tuân theo pháp luật của Toà án; Hội thẩm khi tham gia xét xử ngang quyền với Thẩm phán; Toà án xét xử tập thể và quyết định theo đa số; Thẩm phán theo chế độ bầu.
Sau khi đất nước thống nhất, Quốc hội thông qua bản Hiến pháp 1980. Theo đó Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua một loạt văn bản luật về hệ thống tư pháp dưới dạng Luật, Pháp lệnh như: Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 1981, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1981, Pháp lệnh Tổ chức Tòa án Quân sự năm 1985.
Về nhiệm kỳ của Chánh án, Phó Chánh án và Thẩm phán Tòa án nhân dân các cấp khác với Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 1960 là quy định thời hạn nhất định, thì Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 1981 quy định theo nhiệm kỳ của cơ quan bầu ra mình.