1.3. Một số nguyên tắc cơ bản về địa vị của Thẩm phán trong Tố
1.3.3. Nguyên tắc “tòa án xét xử tập thể và quyết định theo đa số”
Đây là nguyên tắc hiến định, bản chất của nguyên tắc này thể hiện ở việc bảo đảm tính toàn diện, đầy đủ, khách quan của việc nghiên cứu, thẩm vấn, giải quyết các vụ án hình sự và bảo đảm tính đúng đắn, công bằng, khách quan của các bản án và quyết định của Toà án, tránh được tính chủ quan, độc đoán và tùy tiện trong hoạt động xét xử.
Theo nguyên tắc này thì việc xét xử bất cứ một vụ án nào theo trình tự nào cũng do một Hội đồng thực hiện. Thành phần Hội đồng xét xử ở mỗi cấp xét xử đối với từng loại vụ án được quy định tại các điều tương ứng trong pháp luật tố tụng hình sự như sau:
- Thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm: Gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm. Trong trường hợp vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp, thì Hội đồng xét xử có thể gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm.(Điều 185 Bộ luật tố tụng hình sự 2003).
- Thành phần Hội đồng xét xử phúc thẩm: Gồm ba Thẩm phán và trong trường hợp cần thiết có thể có thêm hai Hội thẩm (Điều 244 Bộ luật tố tụng hình sự 2003).
- Thành phần giám đốc thẩm, tái thẩm: Hội đồng giám đốc thẩm Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao hoặc Tòa án quân sự trung ương gồm ba Thẩm phán. Nếu Uỷ ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Uỷ ban Thẩm phán Tòa án quân sự cấp quân khu hoặc Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm thì phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên của Uỷ ban Thẩm phán hoặc Hội đồng Thẩm phán tham gia xét xử (Điều 281 Bộ luật tố tụng hình sự 2003).
Điều này cũng có nghĩa rằng pháp luật tố tụng hình sự nước ta chỉ thừa nhận việc xét xử do Hội đồng xét xử thực hiện, mà không thừa nhận việc xét xử do một cá nhân thực hiện. Tuyên án theo đa số là cơ chế đương nhiên của việc xét xử tập thể, quyết định được đưa ra là căn cứ trên kết quả thảo luận của tập thể Hội đồng xét xử. Các thành viên Hội đồng xét xử xem xét đánh giá về từng vấn đề, rồi biểu quyết lấy ý kiến đa số về quyết định hình phạt, về trách nhiệm dân sự…. Tuy việc xét xử là tập thể, nhưng vai trò của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa là quan trọng nhất. Thẩm phán có thể phân tích, giải thích pháp luật, phân tích, đánh giá về chứng cứ để cho các Hội thẩm tham khảo rồi biểu quyết theo đa số. Nguyên tắc này thể hiện tính dân chủ, công bằng trong xét xử. Mặc dù Thẩm phán có vị trí và vai trò quan trọng, nhưng mọi quyết định của Thẩm phán cần phải được kiểm tra, chế ước bởi nguyên tắc xét xử tập thể. Khi thực hiện xét xử mọi vấn đề đều được xem xét và quyết định bởi tập thể Hội đồng xét xử. Tuy nguyên tắc này có chế ước quyền của Thẩm phán, nhưng không vì thế mà hạ thấp vai trò của Thẩm phán mà còn nâng cao vị thế của Thẩm phán, bởi lẽ thông quan nguyên tắc xét xử tập thể thì những phán quyết sẽ được đảm bảo tính đúng đắn cao hơn, và thông qua đó tạo được niềm tin lớn hơn ở xã hội, góp phần nâng cao vị thế của Thẩm phán.