1.4. Địa vị pháp lý của Thẩm phán trong pháp luật tố tụng hình
1.4.2. Địa vị pháp lý của Thẩm phán trong Bộ luật tố tụng hình sự
Cộng hòa Pháp
Bộ luật Tố tụng hình sự của nước Cộng hoà Pháp được Nghị viện Pháp ban hành theo Luật số 57-1426 ngày 31/12/1957 và có hiệu lực thi hành vào năm 1958. Đến nay đã được sửa đổi bổ sung nhiều lần (Luật ngày 4/1, Luật ngày 10/8 và Luật 24/8/1993, Luật ngày 2/2/1995). Bộ luật có 803 điều chia thành năm quyển.
Quyển thứ hai của bộ luật quy định về tổ chức, thẩm quyền của các cơ quan xét xử hình sự và các thủ tục xét xử hình sự xét xử trọng tội tại Toà đại hình, xét xử khinh tội tại Toà tiểu hình và xét xử vi cảnh tại Toà vi cảnh và ở đó cũng quy định rõ nét về vị trí, vai trò của Thẩm phán trong tố tụng hình sự. Tại Điều 1 của Bộ luật quy định “Thẩm phán và công chức được pháp luật giao quyền công tố tiến hành khởi tố và thực hiện quyền công tố để áp dụng hình phạt”. Cũng có thể khởi tố theo yêu cầu của người bị hại trong những trường hợp quy định tại Bộ luật này. Thẩm phán theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự Cộng hoà Pháp có quyền: khám xét văn phòng luật sư hoặc nơi cư trú của luật sư với sự có mặt của Chủ nhiệm đoàn luật sư hoặc đại diện Chủ nhiệm đoàn luật sư; có quyền tiến hành khám xét văn phòng của thầy thuốc, công chứng viên, đại tụng hoặc thừa phát lại với sự có mặt của người phụ trách hoặc người đại diện tổ chức nghề nghiệp của đương sự (Điều 56-1); có quyền khám xét trụ sở của cơ quan báo chí hoặc cơ quan phát thanh truyền hình (Điều 56-2).
Thiên I của Bộ luật quy định về xét xử trọng tội của Toà đại hình, Toà đại hình bao gồm các Thẩm phán xét xử chuyên nghiệp và đoàn Bồi thẩm.
Các Thẩm phán xét xử chuyên nghiệp gồm Chủ toạ phiên toà và hai Thẩm phán thành viên Hội đồng xét xử. Nếu phiên toà xét xử quan trọng và thời gian xét xử kéo dài thì có thể bổ sung một hoặc nhiều Thẩm phán. Các Thẩm phán bổ sung được tham gia xét xử và chỉ nghị án khi Thẩm phán chính thức không thể tham gia và được Chủ toạ phiên toà đại hình xác nhận bằng một quyết định có viện dẫn lý do. Chủ toạ phiên toà đại hình là một Chánh án hoặc một Thẩm phán của toà phúc thẩm. Theo quy định tại Điều 253 thì "các Thẩm phán đã thực hiện hành vi truy tố, điều tra hoặc đã tham gia vào quyết định chuyển bị cáo ra Toà đại hình xét xử hay một quyết định về nội dung liên quan đến tội trạng của bị cáo thì không thể tham gia dự phiên toà đại hình với tư cách là Chủ toạ phiên toà hoặc Thẩm phán thành viên của Hội đồng xét xử". Trong các phiên toà đại hình ngoài 3 Thẩm phán, 1 Công tố viên còn có 9 Hội thẩm. Giống như quy định của pháp luật Việt Nam, các Thẩm phán và Hội thẩm trong bộ luật Tố tụng hình sự Pháp bình đẳng khi xử án.
Trong phần thủ tục, Chánh án có thể uỷ quyền cho một Thẩm phán thành viên của Hội đồng xét xử hỏi cung bị cáo. Chủ toạ đọc lời tuyên thệ và đọc tên từng Bồi thẩm để họ tuyên thệ. Trong khi xét xử, Chủ toạ có thể ra lệnh dẫn giải bất cứ người nào đến để lấy lời khai hoặc yêu cầu cung cấp tài liệu cần thiết cho việc xác định sự thật và phù hợp với những nhận định đã được đưa ra tại phiên toà. Trong phần tranh luận tại phiên toà, Chủ toạ giữ trật tự tại phiên toà, điều khiển tranh luận, có quyền bác bỏ những gì xâm hại đến sự trang nghiêm của phiên toà hoặc kéo dài việc xét xử mà không đem lại kết quả gì chắc chắn hơn. Có thể nói, Chủ toạ phiên toà luôn giữ vai trò là người trọng tài. Chủ toạ có toàn quyền áp dụng mọi biện pháp cần thiết để xác định sự thật của vụ án. Khi Chủ toạ cho phép, Thẩm phán là thành viên Hội đồng xét xử có thể tham gia xét hỏi bị cáo, người làm chứng. Đồng thời, Chủ toạ cũng có quyền cách ly người làm chứng; cũng như áp dụng mọi biện pháp
thích hợp để không cho những người làm chứng bàn với nhau trước khi khai; có quyền tạm giữ người làm chứng. Khi Chủ toạ phiên toà hỏi và nghe lời khai của bị cáo, không được biểu lộ ý kiến của mình về tội trạng của bị cáo (Điều 328). Thẩm phán và Bồi thẩm có thẩm quyền nghị án, bằng hình thức bỏ phiếu. Trong phiên toà đại hình Thẩm phán và Hội thẩm phải bỏ hai loại phiếu kín để giải quyết vụ việc, trước khi bỏ phiếu thứ hai được thực hiện, trong nghị án các Thẩm phán có nghĩa vụ giải thích quy định của điều luật liên quan đến tội phạm tương ứng mà bị cáo phạm phải. Sau đó Thẩm phán kiểm tra phiếu và xác nhận kết quả bỏ phiếu Thẩm phán và Bồi thẩm trở lại phòng xử án. Chủ toạ cho dẫn giải bị cáo ra trước toà, đọc các câu trả lời của Thẩm phán và Bồi thẩm, tuyên phạt án... Nếu xuất hiện bằng chứng buộc tội bị cáo về các sự việc khác và Viện công tố đã bảo lưu quyền truy tố thì Chủ toạ có quyền ra lệnh cho lực lượng công quyền dẫn giải bị cáo được xử trắng án đến gặp Viện trưởng Viện công tố để tiến hành điều tra ngay lập tức.
Tại Thiên II quy định về xét xử khinh tội tại Toà tiểu hình. Toà tiểu hình gồm một Chánh án và hai Thẩm phán. Tại phiên toà, Chủ toạ có nhiệm vụ giữ trật tự phiên toà và điều khiển việc xét hỏi và tranh luận. Tại phần xét hỏi, tranh luận Chủ toạ hoặc một trong các Thẩm phán do Chủ toạ chỉ định xác định căn cước của bị cáo, đọc Quyết định đưa vụ án ra xét xử. Ngoài ra, Chủ toạ phiên toà cũng có các quyền và nghĩa vụ tố tụng khác... Người làm chứng mà khai báo gian dối, Chủ toạ có thể yêu cầu người làm chứng đó ở lại để lấy lời khai lần nữa nếu cần (Điều 457).
Tại Thiên III của Bộ luật quy định xét xử tội vi cảnh của Toà vi cảnh. Mọi hành vi phạm tội vi cảnh dù là hành vi tái phạm đều có thể được xét xử theo thủ tục rút ngọn. Thẩm phán có quyền ra quyết định hình sự tha bổng hoặc phạt tiền đối với bị cáo mà không cần tiến hành xét hỏi trước, có quyền trả hồ sơ cho Viện công tố để truy tố theo thủ tục thông thường nếu xét thấy
Quyển thứ ba quy định về thủ tục kháng cáo, kháng nghị. Có thể thấy rằng trong mọi vụ án về trọng tội, khinh tội hoặc tội vi cảnh, Toà phá án có thể giải quyết việc kháng cáo, kháng nghị ngay sau khi hết thời hạn 10 ngày kể từ ngày Toà phá án nhận hồ sơ (Điều 604). Thành phần Hội đồng xét xử gồm có Chủ toạ phiên toà, các Thẩm phán và Thẩm phán báo cáo viên. Khi nghị án, Chủ toạ lấy ý kiến của các Thẩm phán, Thẩm phán báo cáo viên phát biểu đầu tiên và sau cùng là Chủ toạ phiên toà. Toà phá án sau khi xem xét kháng cáo, kháng nghị có quyền đình chỉ xét xử, bác kháng cáo, kháng nghị hoặc huỷ bản án.
1.4.3. Địa vị pháp lý của Thẩm phán trong Luật Tố tụng hình sự của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa
Thủ tục tố tụng hình sự được áp dụng tại Tòa án nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa theo Luật tố tụng hình sự năm 1979 và Luật sửa đổi Luật tố tụng hình sự năm 1996. Luật tố tụng hình sự gồm bốn phần, 221 điều. Hệ thống Tòa án Cộng hòa nhân dân Trung Hoa gồm có: Toà án nhân dân sơ cấp có thẩm quyền xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự thông thường, trừ những vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp trên; Toà án nhân dân trung cấp xử sơ thẩm những vụ án phản cách mạng, xâm phạm an ninh quốc gia; các vụ án hình sự thông thường có hình phạt là tù chung thân hoặc tử hình; và những vụ án hình sự có người nước ngoài phạm tội. Toà án nhân dân cấp cao xử sơ thẩm những vụ án hình sự lớn trên phạm vi toàn tỉnh (thành phố, khu tự trị trực thuộc Chính quyền Trung ương). Toà án nhân dân tối cao xử sơ thẩm những vụ án lớn trên phạm vi toàn quốc. Khi cần thiết, Toà án nhân dân cấp trên có thể xét xử những vụ án hình sự thuộc thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Toà án nhân dân cấp dưới; nếu Toà án nhân dân cấp dưới nhận thấy vụ án hình sự ở cấp sơ thẩm có tình tiết nghiêm trọng, phức tạp cần phải được xét xử ở Toà án nhân dân cấp cao hơn thì có thể yêu cầu chuyển vụ án lên xét xử tại Toà án nhân dân cấp trên.
Toà án nhân dân sơ cấp và trung cấp xét xử sơ thẩm dưới sự điều hành của Hội đồng xét xử gồm ba thẩm phán hoặc các thẩm phán và các hội thẩm nhân dân tối đa là ba. Tuy nhiên, các vụ án được áp dụng thủ tục rút gọn tại Toà án nhân dân sơ cấp có thể được xét xử bởi một thẩm phán.
Toà án nhân dân cấp cao và Toà án nhân dân tối cao xét xử sơ thẩm dưới sự điều hành của Hội đồng xét xử gồm từ ba đến bảy thẩm phán hoặc các thẩm phán và các hội thẩm nhân dân tối đa là từ ba đến bảy. Khi thực hiện chức năng của mình tại Toà án nhân dân, hội thẩm nhân dân có quyền hạn như thẩm phán. Đối với những vụ án có kháng cáo và kháng nghị, Toà án nhân dân xét xử bởi Hội đồng gồm từ ba đến năm thẩm phán. Thành viên của hội đồng xét xử phải có số lẻ. Chánh án Toà án nhân dân hoặc Chánh toà chỉ định một thẩm phán làm chủ toạ phiên toà. Chánh án Toà án hoặc Chánh toà chủ toạ phiên toà nếu trực tiếp tham gia xét xử.
Những quy định về xét xử của luật tố tụng hình sự Trung Hoa phần nào giống quy định của luật tố tụng hình sự Việt Nam về địa vị pháp lý của Thẩm phán. Xét xử sơ thẩm đối với những vụ án thuộc án tư tố hay công tố thì tại phiên tòa, Thẩm phán là người điều khiển suốt quá trình diễn ra phiên tòa nhưng không phải là người đầu tiên tham gia thẩm vấn, không thẩm vấn liên tục. Kiểm sát viên là người tham gia xét hỏi đầu tiên với sự cho phép của thẩm phán chủ tọa. Khi bắt đầu phiên toà, thẩm phán chủ toạ phiên toà khẳng định chắc chắn sự có mặt của các bên đương sự tại toà và công bố nội dung vụ án; công bố danh sách, họ tên các thành viên trong Hội đồng xét xử, thư ký phiên toà, kiểm sát viên, người bào chữa, người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người giám định và người phiên dịch; thông báo cho các bên đương sự quyền yêu cầu không tham gia tố tụng của các thành viên trong Hội đồng xét xử, thư ký phiên toà, kiểm sát viên, người giám định và người phiên dịch và quyền bào chữa của bị cáo (Điều 154). Đối với việc
thẩm vấn bị cáo thì kiểm sát viên thẩm vấn trước. Người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án có thể đặt câu hỏi đối với bị cáo nếu thẩm phán chủ tọa phiên tòa cho phép. Thẩm phán có thể thẩm vấn đối với bị cáo. Đối với việc thẩm vấn người làm chứng trước tòa, trước khi người làm chứng khai báo, thẩm phán hướng dẫn người này khai báo đúng sự thật và giải thích cho người này biết nếu cố ý khai báo gian dối hoặc che giấu chứng cứ phạm tội thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Kiểm sát viên, các bên đương sự, người bào chữa và người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, với sự đồng ý của thẩm phán chủ toạ phiên toà, có thể hỏi người làm chứng và người giám định. Nếu thẩm phán chủ toạ phiên toà thấy câu hỏi không liên quan đến vụ án thì phải yêu cầu dừng lại (Điều 156). Thẩm phán phải lấy ý kiến của Kiểm sát viên, các bên đương sự, người bào chữa, người có nghĩa vụ liên quan đến vụ án (Điều 157). Thẩm phán xét xử vụ án sau khi “thẩm tra vụ án đề nghị truy tố, Tòa án quyết định mở phiên tòa xét xử nếu cáo trạng đã bao gồm các tình tiết, chứng cứ phạm tội rõ ràng, ngoài ra còn có danh sách chứng cứ và nhân chứng cũng như bản sao hoặc bản ảnh các chứng cứ quan trọng đi kèm" (Điều 150). Mặc dù vậy, trong quá trình xét xử tại tòa, nếu Hội đồng xét xử có nghi ngờ về chứng cứ thì vẫn có thể tuyên bố hoãn phiên tòa để tiến hành điều tra để kiểm tra chứng cứ bằng cách thẩm tra, kiểm tra, bắt giữ, giám định, cũng như thẩm vấn và phong tỏa (Điều 158). Trong phần tranh luận tại phiên tòa Chủ tọa phiên tòa cũng là người điều khiển để cho các bên tham gia tranh luận. Sau khi bị cáo nói lời sau cùng, Chủ tọa phiên tòa tuyên bố giải lao, Hội đồng xét xử nghị án. Bản án phải được tuyên bố công khai tại tòa và phải có chữ ký của các thành viên Hội đồng xét xử. Toàn bộ diễn biến phiên tòa phải được thư ký phiên tòa ghi chép lại dưới dạng biên bản phiên tòa được Chủ tọa phiên tòa thẩm tra và cùng ký tên.
Đối với xét xử phúc thẩm: Tòa án nhân dân cấp phúc thẩm phải thành lập một Hội đồng xét xử và mở phiên tòa xét xử vụ án có kháng cáo. Tuy nhiên, nếu sau khi xem xét hồ sơ, thẩm vấn bị cáo và hỏi ý kiến các bên, bị cáo và người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án thấy tình tiết phạm tội rõ ràng thì không cần mở phiên tòa (Điều 187). Cấp phúc thẩm không bị giới hạn bởi phạm vi kháng cáo, kháng nghị mà phải tiến hành xem xét toàn diện các tình tiết và áp dụng pháp luật trong bản án sơ thẩm; trong vụ án đồng phạm nếu chỉ có một số bị cáo kháng cáo thì vẫn xem xét giải quyết toàn bộ.
Tại phiên tòa phúc thẩm địa vị pháp lý của thẩm phán cũng như tại phiên tòa sơ thẩm. Bản án phúc thẩm có hiệu lực chung thẩm
Kết luận chương 1
Thẩm phán là một chức danh tư pháp có vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết vụ án hình sự. Lao động của thẩm phán là lao động trí não, đầy khó khăn, phức tạp đặt dưới sự giám sát nghiêm ngặt của xã hội, của công dân. [14, tr.16]. Thẩm phán hoạt động trên cơ sở pháp luật và những nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự. Pháp luật tố tụng bao gồm một tổng thể các quy định về thẩm quyền, chức năng, nghĩa vụ của từng cơ quan tố tụng, các quy định về địa vị, tư cách pháp lý của từng cá nhân, chủ thể tiến hành tố tụng và chủ thể tham gia tố tụng. Thẩm phán là một trong các chủ thể tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án. Địa vị pháp lý của Thẩm phán là tổng thể các quy định của pháp luật về vị trí, vai trò, quyền và trách nhiệm pháp lý của Thẩm phán khi tiến hành các hành vi tố tụng được pháp luật quy định.
Luật tố tụng hình sự của nhiều nước trên thế giới đều quy định khá cụ thể về địa vị pháp lý của Thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ án và cũng có nhiều quy định giống với một số quyền và nghĩa vụ tố tụng của Thẩm phán Việt Nam. Mặc dù vậy, chế độ chính trị, điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội … của mỗi nước khác nhau do đó mỗi nước lại có thủ tục tố tụng hình sự khác