3.1. Hoàn thiện các quy định của Bộ luật tố tụng Hình sự Việt
3.1.2. Hoàn thiện các quy định của Bộ luật tố tụng Hình sự Việt Nam
về địa vị pháp lý của Thẩm phán
Qua việc thực hiện Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 cũng như quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 vẫn còn những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập. Trong đó, có những vấn đề liên quan đến địa vị pháp lý của Thẩm phán cần sửa đổi, bổ sung, đó là:
Thứ nhất, Việc nguyên tắc “tranh tụng trong xét xử” được ghi nhận trong Hiến pháp 2013 và Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 sẽ giúp quá trình
tranh tụng diễn ra dân chủ hơn, các quyền con người của cá nhân người phạm tội được bảo đảm, việc buộc tội, gỡ tội rõ ràng, minh bạch. Nguyên tắc đồng nghĩa với việc thừa nhận sự tồn tại của hai bên đối trọng, bên buộc tội và bên gỡ tội. Bên thứ ba là Tòa án giữ vai trò là trọng tài đứng giữa hai bên. Mỗi nhóm chủ thể này thực hiện một trong ba chức năng tố tụng cơ bản, chức năng buộc tội, chức năng gỡ tội và chức năng xét xử. Nhưng qui định tại Điều 26 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 chưa xác định rõ ràng các bên buộc tội, bên gỡ tội làm cơ sở bảo đảm cho tranh tụng thực chất trong xét xử. Vì vậy, cần hoàn thiện các quy định về địa vị pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn, của các chủ thể trong hình sự, đó cũng là cơ sở, căn cứ xác định vai trò của Thẩm phán trong xét xử.
Cũng cần bãi bỏ quy định quyền khởi tố vụ án hình sự của hội đồng xét xử nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm. Điều 10 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 quy định:
Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác đinh có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo [24, Điều 10]; Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định:
Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Trong phạm vi nhiệm vụ , quyền hạn của mình , cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội [27, Điều 15].
Việc quy định về thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự của hội đồng xét xử hiện nay là không hợp lý vì: Theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, thì Tòa án có hai chức năng là: Chức năng xét xử và chức năng thực hiện quyền tư pháp, trong khi đó, chức năng khởi tố vụ án hình sự không phải là nội dung của một trong hai chức năng này; đó là một nội dung trong chức năng buộc tội. Theo quy định hiện hành, Tòa án không được thực hiện chức năng buộc tội.
Việc pháp luật tố tụng hình sự cho phép Tòa án khởi tố vụ án sau đó cũng chính Tòa án là chủ thể có thẩm quyền xét xử vụ án đó thì yếu tố độc lập khách quan của Tòa án sẽ khó được đảm bảo.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 158 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, người có quyền khởi tố vụ án ra quyết định không khởi tố vụ án, như vậy sau khi hội đồng xét xử đã ra quyết định khởi tố vụ án, sau khi điều tra thấy không có căn cứ khởi tố theo quy định Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, thì ai là người sẽ ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, vì thẩm quyền của hội đồng xét xử vụ án đó đã kết thúc sau khi tuyên án.
Thứ hai, Để đảm bảo thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong xét xử thì nghĩa vụ chứng minh tội phạm phải thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện chức năng buộc tội (cơ quan điều tra, viện kiểm sát). Tuy nhiên, những quy định tại các điều từ Điều 207 đến Điều 215 Bộ luật Tố tụng hình sự hiện nay vẫn chưa phù hợp, điều đó làm cho các chủ thể tham gia tranh tụng không nhận thức đúng và đầy đủ về vai trò của mình trong tranh tụng nên không tích cực, chủ động trong việc thực hiện chức năng của mình mà ỷ lại, phụ thuộc vào tòa án. Mặc dù đã có sự sửa đổi nhưng Điều 307 đến Điều 316 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 vẫn thể hiện trách nhiệm xét hỏi, chứng minh chủ yếu thuộc về hội đồng xét xử. Chủ tọa phiên tòa vẫn là người hỏi trước, tất nhiên với nhiệm vụ xác định đầy đủ từng tình tiết trong vụ án thì có thể hội đồng xét
xử sẽ hỏi hết các câu hỏi cần phải hỏi, Kiểm sát viên khi đó trở thành người chứng kiến. Những quy định này có nhiều điểm chưa hợp lý, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng xét xử của Tòa án. Do vậy, cần sửa đổi các quy định về thủ tục xét hỏi tại phiên tòa trong các quy định hiện hành, theo hướng quy định: Chỉ các bên buộc tội (Viện kiểm sát, người bị hại), bên gỡ tội (Luật sư, bị cáo) tham gia vào thủ tục xét hỏi và tranh tụng. Quy định như vậy sẽ thể hiện rõ bản chất của thủ tục xét hỏi, chính là cách thức chứng minh bằng các chứng cứ sự tồn tại hoặc không tồn tại của những sự kiện, tình tiết cụ thể của vụ án. Tòa án chỉ là nơi phân xử, quyết định của hội đồng xét xử dựa trên kết quả xét hỏi và tranh luận tại phiên tòa. Trong đó vai trò của kiểm sát viên, luật sư phải được phát huy thực tế trên các phiên tòa, kiểm sát viên phải là người bảo vệ quan điểm trong cáo trạng chứ không phải Chủ tọa phiên tòa.
Trong quá trình xét hỏi Thẩm phán tuyệt đối không được có những câu nói mang tính chất khẳng định hoặc phủ định bất cứ một vấn đề nào liên quan đến vụ án, không được đánh giá, nhận xét đúng hoặc sai tại phiên tòa gây tâm lý không tốt cho bị cáo, ảnh hưởng đến chất lượng tranh tụng. Thẩm phán phải đóng vai trò là trọng tài, là người duy nhất có quyền điều khiển phiên tòa chứ không phải là người buộc tội thay Kiểm sát viên. Tiến tới sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự phải xác định được phạm vi xét hỏi của Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên đến đâu để tránh trường hợp "lấn sân" nhau, làm thay chức năng của nhau.
Thứ ba, Điều 185 Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành và Khoản 1 Điều 254 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định: Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm. Trong trường hợp vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp, thì Hội đồng xét xử sơ thẩm có thể gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm. Điều đó cho thấy số lượng Hội thẩm nhân dân luôn nhiều hơn Thẩm phán. Trong khi đó, đại đa số Hội thẩm là những người không có trình
độ chuyên môn nên khi xét xử họ thường ỷ nại và phụ thuộc vào Thẩm phán - chủ toạ phiên toà. Do đó sự tham gia xét xử của Hội thẩm và nguyên tắc “khi xét xử Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” trong nhiều trường hợp chỉ mang tính hình thức nhưng họ lại chiếm đa số trong Hội đồng xét xử, điều này có thể ảnh hưởng lớn đến các phán quyết cuối cùng của Tòa án, không loại trừ trường hợp dẫn đến việc xét xử oan, sai, xử theo cảm tính, không đảm bảo được tính nghiêm minh của pháp luật. Vì vậy, để phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, cần sửa đổi theo hướng quy định số Thẩm phán chuyên nghiệp chiếm đa số trong Hội đồng xét xử, hoặc ít nhất cần quy định mỗi phiên xét xử cần có số Thẩm phán ngang bằng với số Hội Thẩm để cân bằng lực lượng khi biểu quyết và từ đó, bổ sung cơ chế giải quyết thích hợp trong trường hợp tỉ lệ biểu quyết là ngang nhau (chẳng hạn, trong trường hợp này ưu tiên quyết định của bên có nhiều thẩm phán hơn)
Thứ tư, Cần bỏ quy định trả hồ sơ để điều tra bổ sung quy định tại Điều 179 và 199 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003, Điều 280 Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Thay vào đó, cho phép tại giai đoạn xét xử, viện kiểm sát với tư cách là cơ quan buộc tội, có quyền bổ sung chứng cứ nếu cơ quan này tự thấy việc chứng minh lỗi của bị can, bị cáo chưa đầy đủ. Khi hồ sơ vụ án đã chuyển sang Tòa án mà viện kiểm sán vẫn giữ nguyên quan điểm buộc tội thì cho dù có thấy những thiếu sót về chứng cứ thì vụ án vẫn tiến hành xét xử và tuyên bị cáo không phạm tội với lý do, bị buộc tội không chứng minh được hoặc chứng minh không đủ pháp luật lỗi của bị cáo. Nếu theo đó, viện kiểm sát thấy cần buộc lại thì đó là câu chuyện của vụ án khác. Có như vậy mới đề cao trách nhiệm chứng minh lỗi của người bị buộc tội của viện kiểm sát cũng như trả tòa án về với đúng chức năng của nó là cơ quan xét xử, không phải là cơ quan buộc tội, phán quyết của tòa án mới đảm bảo khách quan không định kiến.
Thứ năm Điều 16 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003, Điều 23 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định “Khi xét xử, thẩm phán, hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Đây là nguyên tắc có nội dung phù hợp với thông lệ quốc tế và là cơ sở pháp lý cho Thẩm phán và Hội thẩm độc lập khi xét xử. Sự độc lập của Toà án cũng như của Thẩm phán được thể hiện ở trong nhiều mối quan hệ mà trong đó sự độc lập của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và cá nhân với tòa án, thẩm phán còn có những hạn chế, bất cập đó là vẫn tồn tại các nhân tố bên ngoài tác động đến việc xét xử độc lập của Tòa án nói chung và Thẩm phán và Hội thẩm nói riêng, đó là: Theo quy định của pháp luật hiện hành nhân sự, kinh phí hoạt động của hệ thống Tòa án ở nước ta còn phụ thuộc chặt chẽ vào các cơ quan Nhà nước khác, đồng thời phụ thuộc vào Tòa án cấp trên. Tình trạng này là một trong những nguyên nhân khiến cho các Hội đồng xét xử không khách quan ra bản án không phù hợp với quy định của pháp luật, tác động xấu đến xã hôi. Như vậy có thể thấy, nguyên nhân của sự vi phạm nằm ở cơ chế đảm bảo thực thi. Do vậy, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước đối với các tòa án nhân dân địa phương, đồng thời tăng cường việc kiểm tra của Tòa án nhân dân tối cao, giám sát của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, của các tổ chức chính trị - xã hội.
3.2. Một số giải pháp nhằm nâng cao địa vị pháp lý của thẩm phán trong Tố tụng hình sự