Các nước trên thế giới đặc biệt là những nước có nền kinh tế phát triển như Mỹ, Anh, Nhật Bản… đã hình thành những quy định pháp luật điều chỉnh về quan hệ hợp đồng mua bán doanh nghiệp từ khá sớm. Tuy nhiên, với Việt Nam hoạt động mua bán doanh nghiệp là một hình thức đầu tư khá mới mẻ, do đó, nguồn pháp luật điều chỉnh quan hệ hợp đồng này vẫn chưa được hoàn thiện.
Hiện nay, các vấn đề liên quan đến nội dung của hợp đồng mua bán doanh nghiệp đang được điều chỉnh trong nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành khác nhau. Tuy nhiên, bộ phận pháp luật quan trọng nhất để điều chỉnh quan hệ hợp đồng này vẫn là các quy định pháp lý liên quan đến hợp đồng. Bởi vì hợp đồng mua bán doanh nghiệp cũng là hợp đồng và do vậy nó vẫn chịu sự điều chỉnh chung của pháp luật về hợp đồng. Cụ thể, mô hình pháp luật về hợp đồng này được thể hiện trong từng thời điểm như sau:
Trước ngày 01/01/2006, đối với những quan hệ hợp đồng mua bán doanh nghiệp mang tính chất của hợp đồng kinh tế sẽ áp dụng Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế. Đối với hợp đồng mua bán doanh nghiệp mang tính chất của hợp đồng dân sự sẽ chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự 1995.
Kể từ ngày 01/01/2006, những vấn đề pháp lý liên quan đến hợp đồng nói chung được quy định tại Bộ luật Dân sự 2005, theo đó hợp đồng mua bán doanh nghiệp cũng không nằm ngoài sự điều chỉnh của văn bản này về những vấn đề cơ bản nhất của hợp đồng như điều kiện có hiệu lực của hợp đồng, hệ quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu, các quy định cơ bản về việc sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng,...
Bên cạnh các quy định pháp luật về hợp đồng nói chung trong Bộ luật Dân sự, còn có thể tìm thấy nhiều quy định liên quan đến mua bán doanh nghiệp trong pháp luật về mua bán doanh nghiệp. Văn bản pháp luật đầu tiên có quy định về mua bán doanh nghiệp là Luật Doanh nghiệp tư nhân được ban hành từ năm 1990, trong đó quy định các vấn đề liên quan đến việc mua bán doanh nghiệp tư nhân. Sau đó, đến Luật Doanh nghiệp 1999 ngày 12/09/1999 tiếp tục quy định về việc bán doanh nghiệp tư nhân tại Điều 103.
Tiếp theo đó, một nghị định riêng quy định về việc giao, bán, khoán doanh nghiệp nhà nước được ban hành đó là Nghị định 103/1999/NĐ-CP ngày 10/9/1999 về giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê doanh nghiệp nhà
nước. Nghị định này sau đó được tiếp tục được sửa đổi và bổ sung thông qua Nghị định số 49/2002/NĐ-CP ngày 24/4/2002 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/1999/NĐ-CP ngày 10/9/1999 của Chính phủ về giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê doanh nghiệp nhà nước và Nghị định 80/2005/NĐ-CP ngày 22/6/2005 về giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê công ty nhà nước. Và văn bản điều chỉnh về việc giao, bán doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hiện đang có hiệu lực là Nghị định 109/2008/NĐ-CP. Theo đó, văn bản này quy định bán toàn bộ hay bộ phận doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước là việc chuyển sở hữu có thu tiền toàn bộ doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp sang sở hữu tập thể, cá nhân hoặc pháp nhân khác. Các đối tượng được mua doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước bao gồm: tập thể hoặc cá nhân người lao động trong doanh nghiệp; các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế kể cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; công dân Việt Nam có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và các tổ chức kinh tế tài chính được thành lập theo pháp luật nước ngoài hoạt động kinh doanh tại nước ngoài hoặc tại Việt Nam (trừ các tổ chức kinh tế tài chính trung gian và cá nhân thuộc tổ chức kinh tế tài chính trung gian thực hiện tư vấn định giá, đấu giá bán doanh nghiệp) [8, tr. 3-4].
Song song với việc hoàn thiện các quy định về việc bán doanh nghiệp nhà nước, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh việc bán doanh nghiệp trong khối tư nhân cũng được sửa đổi để phù hợp hơn với tình hình thực tế. Cùng với sự phát triển của hệ thống pháp luật về doanh nghiệp liên quan đến hoạt động mua bán doanh nghiệp, sự ra đời của Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã tạo điều kiện pháp lý để các chủ thể kinh doanh trong khu vực nhà nước, tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài cùng hoạt động dưới các hình thức công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh, và thực hiện những thủ tục quản trị công ty tương đối đồng nhất. Các công ty được quyền
tự do chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần để thâu tóm quyền sở hữu hoặc tham gia quản lý công ty mục tiêu. Phần vốn góp, cổ phần đã trở thành "hàng hóa" có thể chuyển nhượng một cách tương đối tự do, đơn giản và hợp pháp. Ngoài ra, Luật Doanh nghiệp còn là cơ sở pháp lý để các bên xác định tư cách của người tham gia ký kết hợp đồng mua bán doanh nghiệp có phù hợp với quy định pháp luật hay không, trong trường hợp Điều lệ của công ty không quy định rõ. Vì thực chất mua bán doanh nghiệp như một khoản đầu tư mà doanh nghiệp đi mua bỏ ra để thúc đẩy hoạt động kinh doanh của mình.
Ngoài những quy định pháp luật về hợp đồng mua bán doanh nghiệp được quy định trong Bộ luật Dân sự và pháp luật về doanh nghiệp, hoạt động mua bán doanh nghiệp còn được quy định trong các văn bản pháp luật chuyên ngành khác, cụ thể:
- Luật Đầu tư quy định việc mua bán doanh nghiệp như một hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên, đối với trường hợp này, các nhà đầu tư nước ngoài phải tuân thủ quy định về tỷ lệ phần trăm cổ phần được phép sở hữu tại các doanh nghiệp Việt Nam (tỷ lệ này chịu sự điều chỉnh của văn bản pháp luật chuyên ngành đó). Ngoài ra, đối với hình thức đầu tư trực tiếp này, nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện thủ tục quy định tại Điều 56 Nghị định 108/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
- Với Luật Cạnh tranh, mua bán doanh nghiệp được xem như một hình thức tập trung kinh tế và được quy định tại Điều 16 và khoản 3 Điều 17 Luật Cạnh tranh. Trong trường hợp này, việc mua bán doanh nghiệp là một loại thôn tính thị trường thì sẽ chịu sự điều chỉnh chủ yếu của pháp luật cạnh tranh. Theo đó, những giao dịch mua bán doanh nghiệp có thị phần sau khi kết hợp từ 30% đến 50% trên thị trường thì phải thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành ký kết hợp đồng mua bán doanh nghiệp.
Nếu thị phần sau khi kết hợp thấp hơn 30% thì không cần phải tiến hành thông báo [10, tr. 20].