VỀ HỢP ĐỒNG MUA BÁN DOANH NGHIỆP
VỀ HỢP ĐỒNG MUA BÁN DOANH NGHIỆP
Việc ra đời các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Doanh nghiệp năm 2005, Luật Đầu tư năm 2006 và Luật Chứng khoán năm 2007 giúp cho thị trường tài chính nói chung và thị trường M&A nói riêng trở nên minh bạch hơn thu hút được nhiều nhà đầu tư cả trong nước lẫn ngoài nước. Tuy nhiên, nếu như ở nước ngoài, hoạt động M&A đã trở thành quen thuộc, là một phần tất yếu của nền kinh tế thì ở Việt Nam đây vẫn là một loại hình mới mẻ. Chính vì vậy nó vẫn còn mang những nét sơ khai, đòi hỏi phải hoàn thiện hơn nữa về mọi mặt phục vụ hoạt động, đặc biệt là khung pháp lý. Trong thời gian qua, dù khung pháp lý của thị trường mua bán doanh nghiệp đã được cải thiện, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư đều có những điều khoản quy định về hoạt động mua bán doanh nghiệp nhưng vẫn chưa hoàn thiện. Chính vì vậy, khung pháp lý về hoạt động mua bán doanh nghiệp cũng như các quy định liên quan đến hợp đồng mua bán doanh nghiệp cũng cần được hoàn thiện để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các bên tham gia giao dịch.
Có thể thấy rằng, sự phát triển của thị trường mua bán, sáp nhập doanh nghiệp sẽ tạo nên động lực phát triển nền kinh tế, nhất là đối với giai đoạn khủng hoảng kinh tế như hiện nay. Việc đầu tư theo hình thức mua lại doanh nghiệp đang là lựa chọn đang được ưu tiên số một đối với các nhà đầu tư trong nước cũng như các nhà đầu tư nước ngoài. Trước tình hình kinh tế trong nước cũng như nước ngoài đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay thì việc bỏ một nguồn vốn ra để đầu tư từ ban đầu là điều mà các nhà đầu tư phải cân nhắc kỹ lưỡng.