Trách nhiệm tài sản do vi phạm hợp đồng mua bán doanh nghiệp

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hợp đồng mua bán doanh nghiệp theo pháp luật Việt Nam (Trang 64 - 68)

Việc vi phạm các nghĩa vụ trong hợp đồng mua bán doanh nghiệp sẽ dẫn đến bên vi phạm phải chịu những chế tài do luật định. Trong trường hợp hợp đồng có quy định chế tài phạt vi phạm hoặc bồi thường thiệt hại thì áp dụng các quy định trong hợp đồng về mức phạt vi phạm hoặc bồi thường thiệt hại. Nếu các bên không quy định vấn đề này sẽ áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự để giải quyết, theo đó nếu các bên không có thỏa thuận về bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải nộp tiền phạt vi phạm. Trong trường hợp có thỏa thuận về việc bồi thường thiệt hại nhưng không thỏa thuận về mức bồi thường thì bên có lỗi phải bồi thường toàn bộ thiệt hại

Đối với trường hợp vi phạm dẫn đến sự vô hiệu của hợp đồng thì bên có lỗi phải bồi thường thiệt hại và các bên hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận, nếu không trả được bằng hiện vật thì hoàn trả bằng tiền [11, tr. 62]. Ngoài ra, theo quy định của Luật Cạnh tranh, khi các doanh nghiệp thực hiện các hành vi tập trung kinh tế trong đó có hình thức mua lại doanh nghiệp khác trái với pháp luật cạnh tranh như thị phần kết hợp của hai doanh nghiệp trong hợp đồng mua bán chiếm từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan mà không thông báo, thì các doanh nghiệp vi phạm có thể bị phạt tiền tùy theo hành vi vi phạm từ 1% đến 10% doanh thu trong năm tài chính trước khi tiến hành tập

trung kinh tế, có thể bị bị buộc bán lại phần doanh nghiệp đã mua; bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh [10, tr. 75-76].

Liên quan đến vấn đề này có một số điểm cần lưu ý như sau:

Thứ nhất, trong quá trình thỏa thuận giao kết hợp đồng mua bán doanh

nghiệp, nếu các bên có quy định về việc tuân thủ pháp luật cạnh tranh và xác định bên nào chịu trách nhiệm kiểm tra thị phần kết hợp của hai doanh nghiệp để không vi phạm Luật Cạnh tranh thì trường hợp bên có trách nhiệm không thực hiện đúng thỏa thuận hoặc để xảy ra vi phạm thì phải chịu phạt vi phạm hoặc bồi thường thiệt hại cho bên còn lại theo quy định tại hợp đồng mua bán đã ký kết. Ngoài ra, còn phải chịu một số chế tài theo quy định của Luật Cạnh tranh. Tuy nhiên, khi thỏa thuận về vấn đề trên, các bên sẽ khó khăn khi đạt được thỏa thuận thống nhất vì với việc kiểm tra thị phần và sau đó sẽ phải chịu những rủi ro pháp lý thì không doanh nghiệp nào mong muốn. Vấn đề ở đây là Luật Cạnh tranh không xác định rõ trách nhiệm xác định thị phần kết hợp để không vi phạm Luật Cạnh tranh là trách nhiệm của bên bán hay bên mua hoặc đó là trách nhiệm của cả hai bên và trong trường hợp vi phạm cả bên bán và bên mua phải cùng chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình. Nếu quy định như vậy sẽ bình đẳng hơn cho các bên khi tham gia giao dịch mua bán doanh nghiệp, không những thế nếu luật xác định rõ ràng trách nhiệm của các bên sẽ tạo cơ sở pháp lý khi xảy ra tranh chấp liên quan đến vấn đề này. Đồng thời còn giúp các bên nâng cao trách nhiệm của mình khi tiến hành việc kiểm tra thị phần kết hợp trong hợp đồng mua bán doanh nghiệp.

Thứ hai, liên quan đến trách nhiệm vi phạm hợp đồng mua bán doanh

nghiệp về việc vi phạm quy định về bảo mật thông tin. Hiện nay, vấn đề này chỉ được quy định trong Nghị định 109/2008/NĐ-CP về giao, bán doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, còn những văn bản khác hầu như không đề cập đến vấn đề này. Trong khi đó, việc bảo mật thông tin khi bên mua tiến hành

khảo sát tình trạng doanh nghiệp bán trước khi giao kết hợp đồng là rất quan trọng vì nếu bên mua cố tình tiết lộ sẽ gây rất nhiều khó khăn cho bên bán. Chính vì vậy, với những doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này, họ sẽ thỏa thuận về vấn đề bảo mật thông tin cũng như trách nhiệm của bên mua khi vi phạm thỏa thuận. Còn đối với những doanh nghiệp không thỏa thuận trách nhiệm của bên mua về việc bảo mật thông tin trong hợp đồng, nếu bên mua tiết lộ thì pháp luật không có chế tài nào áp dụng với doanh nghiệp mua lại này. Các thông tin của doanh nghiệp bán không chỉ đơn thuần là bí mật kinh doanh mà đó còn là những thông tin về tình hình tài chính của doanh nghiệp, cách thức đào tạo và quản lý nhân lực… và nhiều thông tin quan trọng liên quan đến việc điều hành một doanh nghiệp. Một khi những thông tin này bị tiết lộ nó không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp bán mà đôi khi còn làm cho doanh nghiệp này lâm vào tình trạng phá sản. Do vậy, sự thiếu vắng trong các quy định pháp luật điều chỉnh về vấn đề này đã tạo một kẽ hở pháp lý giúp bên mua lại doanh nghiệp tránh được trách nhiệm của mình nếu hợp đồng mua bán doanh nghiệp không quy định và không bảo vệ được quyền lợi chính đáng của bên bán.

Từ những phân tích trên, có thể thấy rằng để xác lập một quan hệ hợp đồng mua bán doanh nghiệp cần phải xem xét rất nhiều yếu tố. Vì giao dịch này không giống như các quan hệ của hợp đồng mua bán tài sản thông thường khác mà nó liên quan đến một thực thể kinh doanh và việc chuyển quyền sở hữu từ một thực thể kinh doanh này sang thực thể kinh doanh khác. Một khi hợp đồng phát sinh hiệu lực và được thực hiện sẽ kéo theo rất nhiều vấn đề pháp lý liên quan cần phải giải quyết bao gồm các vấn đề về thuế, nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ, nghĩa vụ pháp lý đối với bên thứ ba, các vấn đề về nhân sự,… Sự hạn chế về mặt pháp lý sẽ là nguyên nhân làm cho hợp đồng mua bán doanh nghiệp không phát sinh hiệu lực trong một số trường hợp, do vậy, để hạn chế rủi ro và đảm bảo tính khả thi của hợp đồng mua bán, các bên

nên tìm hiểu khung pháp lý điều chỉnh các vấn đề liên quan đến hoạt động này trước khi tiến hành giao dịch. Tuy nhiên, các quy định pháp luật liên quan đến loại hợp đồng này đang được quy định trong nhiều văn bản khác nhau nên khiến cho việc áp dụng những quy định này trong thực tế nảy sinh nhiều vướng mắc và mâu thuẫn. Hơn nữa, các quy định này hầu như chỉ dừng lại ở việc xác lập về mặt hình thức của giao dịch mua bán doanh nghiệp, nghĩa là mới giải quyết được vấn đề về mặt thay tên, chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp. Trong khi đó, với một giao dịch mua bán doanh nghiệp đòi hỏi phải có quy định cụ thể, có một cơ chế thị trường để chào bán, chào mua doanh nghiệp, giá cả, cung cấp thông tin, chuyển giao và xác lập quyền sở hữu, chuyển dịch tư cách pháp nhân, cổ phần, cổ phiếu, các nghĩa vụ tài chính, đất đai, người lao động, thương hiệu… Đồng thời, còn hàng loạt vấn đề liên quan trực tiếp đến hoạt động mua bán doanh nghiệp mà pháp luật hiện chưa quy định cụ thể như kiểm toán, định giá, tư vấn, môi giới, bảo mật thông tin, cơ chế giải quyết tranh chấp… Do vậy, khung pháp lý điều chỉnh hoạt động mua bán doanh nghiệp nên hoàn thiện để làm cơ sở pháp lý cho các hợp đồng mua bán doanh nghiệp.

Chương 3

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hợp đồng mua bán doanh nghiệp theo pháp luật Việt Nam (Trang 64 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)