Xây dựng, ban hành văn bản pháp luật riêng về mua bán doanh nghiệp để thống nhất sự điều chỉnh pháp luật đến mối quan hệ

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hợp đồng mua bán doanh nghiệp theo pháp luật Việt Nam (Trang 79 - 82)

doanh nghiệp để thống nhất sự điều chỉnh pháp luật đến mối quan hệ mua bán doanh nghiệp

Việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về hợp đồng mua bán doanh nghiệp là cần thiết nhằm thống nhất các quy định pháp luật hiện hành và tạo tính chuyên sâu cho các quy định pháp luật điều chỉnh về lĩnh vực này. Trước mắt, có thể nghiên cứu xây dựng và ban hành một Nghị định riêng quy định các vấn đề về mua bán sáp nhập doanh nghiệp. Nghị định này sẽ cụ thể hóa những vấn đề của hoạt động mua bán doanh nghiệp nói chung và của hợp đồng mua bán doanh nghiệp nói riêng. Việc ban hành nghị định riêng về mua bán, sáp nhập doanh nghiệp không làm giảm đi hiệu lực của các văn bản pháp

lý hiện hành mà chỉ làm các quy định này được cụ thể hơn và việc áp dụng pháp luật được thống nhất.

Sẽ có nhiều ý kiến cho rằng việc ban hành một quy định riêng về hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp và hợp đồng của nó sẽ là không cần thiết vì hiện nay vấn đề này đang được điều chỉnh trong một vài quy định tại Luật Doanh nghiệp và quy định về hợp đồng nói chung trong Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên, như đã nói ở chương 1, hoạt động mua bán doanh nghiệp có rất nhiều các vấn đề phức tạp cần có sự định hướng cụ thể của pháp luật mà không thể dựa vào các quy định chuyên ngành. Hơn nữa, Bộ luật Dân sự là đạo luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự và các vấn đề về hợp đồng nói chung, không thể điều chỉnh một quan hệ hợp đồng trong một lĩnh vực cụ thể. Bộ luật Dân sự chỉ có thể ban hành quy định chung nhất về loại hợp đồng này. Còn đối với Luật Doanh nghiệp, đây là văn bản quy định cụ thể cho các loại hình doanh nghiệp, nó liên quan đến việc quản lý, điều hành các vấn đề của một doanh nghiệp nên cũng không thể quy định hết các vấn đề của hoạt động mua bán doanh nghiệp và hợp đồng mua bán doanh nghiệp. Từ những nhận định trên, có thể thấy rằng việc ban hành mọt nghị định quy định các vấn đề mua bán, sáp nhập doanh nghiệp và hợp đồng của nó là rất cần thiết.

Hợp đồng mua bán doanh nghiệp có rất nhiều vấn đề mà hai doanh nghiệp (bên mua và bên bán) cần phải giải quyết, nhất là những vấn đề "hậu mua bán doanh nghiệp". Vì vậy, ngoài khung pháp luật điều chỉnh về quan hệ hợp đồng dân sự chung như hiện nay, việc xây dựng một khung pháp lý riêng cho loại hợp đồng này là rất cần thiết. Bởi vì, không thị trường nào tồn tại mà không dựa trên cơ sở khung pháp lý do Nhà nước đưa ra và cách thức Nhà nước quyết định điều chỉnh thị trường là rất quan trọng. Do vậy, với việc xây dựng pháp luật điều chỉnh về hoạt động mua bán doanh nghiệp nói chung và hợp đồng mua bán doanh nghiệp nói riêng cần có những giải pháp sau:

- Xây dựng, phát triển và hoàn thiện khung pháp lý về M&A. Khung pháp lý về M&A cần chuyên biệt, không dựa quá nhiều trên các khung pháp lý dành cho cổ phần hóa, phát hành và niêm yết chứng khoán. Hiện nay, các quy định liên quan đến hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp chỉ dừng lại ở việc xác lập về mặt hình thức, trong khi đó, các vấn đề về mặt nội dung cần phải được quy định đầy đủ hơn vì hoạt động này có nhiều nội dung liên quan đến định giá doanh nghiệp, giải quyết các vấn đề tài chính, cổ phần, cổ phiếu, người lao động, thuế phí... của doanh nghiệp trong và sau quá trình mua bán, sáp nhập. Do đó, cần phải kiện toàn hệ thống luật điều chỉnh hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp. Hệ thống luật này cần phải quy định chi tiết để điều chỉnh trên cả hai phương diện: (i) các thủ tục, nguyên tắc, phương pháp định giá, quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia…; (ii) các tình huống xử lý tài chính, lao động và các vấn đề phát sinh sau khi thực hiện thương vụ mua bán hoặc sáp nhập;

- Để đảm bảo tính đồng bộ của văn bản, cần có Nghị định riêng quy định chi tiết về sáp nhập, mua lại theo một số điều đã được đưa ra trong cả Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán và Luật Cạnh tranh. Điều tiết sáp nhập, mua bán doanh nghiệp sẽ nằm ở khoảng giao thoa, tiếp cận các luật kể trên;

- Quy định pháp luật về mua bán doanh nghiệp cần xác định rõ việc xem doanh nghiệp như một loại hàng hóa và thị trường mua bán doanh nghiệp sẽ như một bộ phận cấu thành của thị trường hàng hóa, dịch vụ hay doanh nghiệp là một loại bất động sản và thị trường mua bán doanh nghiệp sẽ như một bộ phận cấu thành của thị trường bất động sản;

- Quy định pháp luật về mua bán doanh nghiệp phải nêu rõ các điều kiện tiến hành giao dịch mua bán doanh nghiệp, thủ tục sáp nhập, mua lại doanh nghiệp; thủ tục chuyển quyền sở hữu, đăng ký kinh doanh cho các doanh nghiệp mua lại hoặc doanh nghiệp sáp nhập;

- Vấn đề định giá thương hiệu trong một thương vụ mua bán doanh nghiệp rất quan trọng và đây là điều các bên quan tâm nhiều nhất trong hợp đồng mua bán. Hiện nay, các tổ chức có uy tín và năng lực định giá thương hiệu ở Việt Nam còn rất ít. Trong khi đó, các quy định pháp lý cho việc định giá doanh nghiệp chưa cụ thể. Do vậy, cần hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh vấn đề định giá thương hiệu, xây dựng các tiêu chí trong việc định giá thương hiệu. Ngoài ra, hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp định giá thương hiệu cũng cần được xây dựng và hoàn chỉnh để nâng cao năng lực của các doanh nghiệp này khi định giá thương hiệu cho một doanh nghiệp bị mua lại hoặc doanh nghiệp sáp nhập.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hợp đồng mua bán doanh nghiệp theo pháp luật Việt Nam (Trang 79 - 82)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)