Về phiên tòa sơ thẩm

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Giải quyết tranh chấp thương mại bằng Tòa án theo tinh thần cải cách tư pháp ở Việt Nam (Trang 89 - 93)

TAND CẤP TỈNH

2.4.12. Về phiên tòa sơ thẩm

BLTTDS lần đầu tiên quy định về tạm ngừng việc xét xử phiên tòa sơ thẩm tại khoản 2 Điều 197 với thời hạn không quá năm ngày làm việc. Thời hạn này là hơi dài, cần sửa đổi theo hướng rút ngắn. Đồng thời, cũng lần đầu tiên quy định tại Điều 198 về thay thế thành viên Hội đồng xét xử trong trường hợp đặc biệt nhằm khắc phục những vướng mắc gặp phải trong thực tiễn khi Thẩm phán, Hội thẩm không thể tiếp tục tham gia xét xử vụ án. Những quy định nói trên tạo cơ sở pháp lý về tạm ngừng việc xét xử phiên tòa sơ thẩm và việc thay thế thành viên Hội đồng xét xử, đảm bảo quá trình giải quyết vụ án được diễn ra theo luật định.

Về sự vắng mặt của nguyên đơn khi đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và nguyên đơn có quyền khởi kiện lại, nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn (khoản 2 Điều 199 BLTTDS). Đối với bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ (khoản 2 Điều 200 và Điều 201 BLTTDS). Đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì bị coi là từ bỏ yêu cầu độc lập của mình và Tòa

án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nếu nguyên đơn và bị đơ n đều đồng ý. Trong trường hợp này họ có quyền khởi kiện đối với yêu cầu độc lập đó, nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn (khoản 3 Điều 201 BLTTDS).

Theo BLTTDS phải hoãn phiên tòa khi đương sự vắng mặt lần thứ nhất và có lý do chính đáng theo khoản 1 Điều 199, 200, 201 BLTTDS (điểm a khoản 1 Điều 49 PLTTGQCVAKT). Quy định này cũng được áp dụng đối với người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (Điều 203 BLTTDS). Điều đáng lưu ý là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Tòa án tiến hành xét xử vụ án; trong trường hợp này, đương sự tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Quy định này nêu rõ trách nhiệm của người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Đối với người làm chứng, người giám định, người phiên dịch nếu họ vắng mặt thì Hội đồng xét xử quyết định hoãn hoặc vẫn tiến hành xét xử. Đặc biệt, lần đầu tiên BLTTDS quy định nếu người làm chứng vắng mặt tại phiên tòa không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây cản trở cho việc xét xử thì có thể bị dẫn giải đến phiên tòa theo quyết định của Hội đồng xét xử (khoản 2 Điều 204 BLTTDS). Đây là quy định tạo cơ sở pháp lý nhằm khắc phục thực tế vừa qua, trong nhiều vụ án người làm chứng đã vắng mặt tại phiên tòa gây khó khăn cho việc xét xử của Hội đồng xét xử.

Thời hạn hoãn phiên tòa lần đầu tiên được quy định cụ thể tại Điều 208 BLTTDS là không quá ba mươi ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa. Theo tôi, thời hạn hoãn như vậy là quá dài đối với việc giải quyết vụ án về TCTM và cần sửa đổi theo hướng rút ngắn nhằm đáp ứng yêu cầu đặc thù của hoạt động kinh doanh, thương mại. Về biên bản phiên tòa, theo khoản 2 Điều 56 PLTTGQCVAKT, sau năm ngày, kể từ ngày tuyên án, các đương sự, người đại diện hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được xem biên bản phiên tòa, có quyền yêu cầu sửa chữa, bổ sung biên bản thì nay BLTTDS quy định sửa đổi mới là Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng có quyền được xem biên bản phiên tòa ngay sau khi kết thúc phiên tòa, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ

sung vào biên bản phiên tòa và ký xác nhận (khoản 4 Điều 211 BLTTDS). Quy định này để đảm bảo tính đúng đắn của biên bản phiên tòa cũng như bất kỳ loại biên bản nào, người có liên quan đến biên bản đó phải được xem biên bản ngay sau khi nó được lập. Việc thay đổi địa vị tố tụng lần đầu tiên được quy định cụ thể trong BLTTDS tại Điều 219. Về nghe lời trình bày của đương sự và hỏi đương sự, khác với quy định của khoản 1 Điều 47 PLTTGQCVAKT, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có vai trò chính trong phần trình bày và trả lời các câu hỏi tại phiên tòa [109, tr. 113].

Theo tinh thần CCTP, để đảm bảo tối đa quyền và lợi ích của đương sự trong quá trình tham gia giải quyết vụ án, BLTTDS quy định về thứ tự hỏi tại phiên tòa có những điểm mới như (i) PLTTGQCVAKT quy định những người tham gia tố tụng có quyền đề xuất với Hội đồng xét xử những vấn đề cần được hỏi thêm (khoản 2 Điều 47 PLTTGQCVAKT), nay BLTTDS quy định người tham gia tố tụng có quyền trực tiếp hỏi tại phiên tòa (Điều 222 BLTTDS); (ii) Kiểm sát viên chỉ hỏi sau Hội đồng xét xử (khoản 2 Điều 47 PLTTGQCVAKT) thì nay Kiểm sát viên hỏi sau đương sự (Điều 222 BLTTDS). Việc hỏi sau đương sự của Kiểm sát viên thể hiện nét đặc trưng trong việc giải quyết vụ án dân sự, thể hiện xu hướng dân chủ trong phiên tòa dân sự và đã có sự đề cao quyền quyết định và tự định đoạt, quyền bảo vệ của các đương sự tại phiên tòa mà tránh sự can thiệp của các cơ quan tiến hành tố tụng. Đối với phiên tòa dân sự thì cần coi trọng đó là “việc của hai bên” tức là cần phát huy vai trò của các đương sự và những người bảo vệ quyền lợi của họ [120, tr. 100].

Trong việc công bố tài liệu của vụ án và xem xét vật chứng, BLTTDS cũng quy định rõ để đảm bảo việc giữ gìn bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh theo yêu cầu của đương sự thì Hội đồng xét xử không công bố tài liệu có trong hồ sơ vụ án (khoản 2 Điều 227 BLTTDS) và để đảm bảo việc xem xét vật chứng có kết quả, phục vụ tốt cho quá trình xét xử vụ án thì Hội đồng xét xử có thể cùng với đương sự đến xem xét tại chỗ những vật chứng không thể đưa đến tòa được (Điều 229 BLTTDS). Thêm nữa, để đảm bảo quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự

và dân chủ, khách quan khi đánh giá chứng cứ, BLTTDS lần đầu tiên quy định Kiểm sát viên, những người tham gia tố tụng có mặt tại phiên tòa có quyền nhận xét về kết luận giám định, được hỏi những vấn đề còn chưa rõ, hoặc có mâu thuẫn trong kết luận giám định hoặc có mâu thuẫn với những tình tiết khác (khoản 2 Điều 230 BLTTDS) và khi có người tham gia tố tụng không đồng ý với kết luận giám định được công bố tại phiên tòa và có yêu cầu giám định bổ sung hoặc giám định lại, nếu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết vụ án thì Hội đồng xét xử quyết định giám định bổ sung, giám định lại (khoản 4 Điều 230 BLTTDS). Bởi vì, kết luận giám định cũng chỉ là một loại chứng cứ nên Hội đồng xét xử phải xem xét, đánh giá một cách toàn diện, tránh tình trạng cứ đơn thuần căn cứ vào kết luận giám định để xét xử [109, tr. 114].

Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02-01-2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới đã khẳng định: “việc phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa…”. Như vậy, có thể nói tranh tụng là khâu quan trọng trong quá trình xét xử vụ án theo tinh thần CCTP. Theo đó, BLTTDS bổ sung và quy định rất cụ thể, chi tiết về tranh luận tại phiên tòa, trong đó, đáng chú ý là chủ tọa phiên tòa không được hạn chế thời gian tranh luận, tạo điều kiện cho những người tham gia tranh luận trình bày hế t ý kiến, nhưng có quyền cắt những ý kiến không có liên quan đến vụ án (Điều 233 BLTTDS) và qua tranh luận, nếu xét thấy cần thiết có tình tiết của vụ án chưa được xem xét, việc xem xét chưa được đầy đủ hoặc cần xem xét thêm chứng cứ thì Hội đồng xét xử quyết định trở lại việc hỏi; sau khi hỏi xong phải tiếp tục tranh luận (Điều 235 BLTTDS).

BLTTDS quy định chi tiết hơn về nghị án và tuyên án như quyền nghị án, thủ tục giải quyết vấn đề trong nghị án, căn cứ nghị án và thời gian nghị án (tối đa là năm ngày làm việc) cũng như việc thông báo ngày, giờ, địa điểm tuyên án. Đặc biệt, Bộ luật có quy định mới là việc Hội đồng xét xử trở lại việc hỏi và tranh luận sau khi nghị án, nếu xét thấy có tình tiết của vụ án chưa được xem xét, việc hỏi chưa đầy đủ hoặc cần xem xét thêm chứng cứ (Điều 237 BLTTDS). Việc cấp trích

lục bản án, bản án cũng có những quy định sửa đổi như Tòa án cấp trích lục bản án cho đương sự, cơ quan, tổ chức trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc phiên tòa (khoản 1 Điều 241 BLTTDS) khác với trước đây là ngay sau khi phiên tòa kết thúc (khoản 1 Điều 57 PLTTGQCVAKT) và việc giao hoặc gửi bản án cho các đương sự, cơ quan, tổ chức khởi kiện và VKS cùng cấp là trong thời hạn mười ngày (khoản 2 Điều 241 BLTTDS) khác với trước đây là bản sao bản án hoặc quyết định và thời hạn là bảy ngày (khoản 1 Điều 57 PLTTGQCVAKT).

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Giải quyết tranh chấp thương mại bằng Tòa án theo tinh thần cải cách tư pháp ở Việt Nam (Trang 89 - 93)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(138 trang)