1.4. Các nguyên tắc bầu cử Đại biểu Hội đồng nhân dân
1.4.2. Nguyên tắc bình đẳng
Trái với nguyên tắc đa phiếu hoặc bầu cử phân loại tồn tại trước đây và hiện nay vẫn còn tồn tại ở một số nước, điển hình như nước Trung Quốc là nguyên tắc bình đẳng. Nguyên tắc này xuất phát từ quan điểm mọi người đều bình đẳng trong quyền lợi chính trị, trong cơ hội tham gia các hoạt động chính trị, đã trở thành một nguyên tắc phổ biến được áp dụng ở hầu khắp các nước trên thế giới hiện nay. Nguyên tắc bình đẳng là một nguyên tắc rất quan trọng trong suốt quá trình bầu cử, từ khi lập danh sách cử tri cho đến khi tuyên bố kết quả bầu cử. Mức độ dân chủ của cuộc bầu cử phụ thuộc vào tiến trình thực hiện nguyên tắc này. Hình thức biểu hiện của nguyên tắc rất đa dạng ở chỗ: các cử tri tham gia vào việc bầu cử có quyền và nghĩa vụ như nhau. Đối với các ứng cử viên được giới thiệu ra ứng cử theo tỷ lệ như nhau, kết quả bầu cử chỉ phụ thuộc vào số phiếu mà cử tri bỏ cho mỗi ứng cử viên, là cơ sở để xác định kết quả trúng cử. Đối với cử tri: mỗi một cử tri đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật bầu cử thì chỉ được ghi tên vào một sách cử tri nhất định tại nơi mình cư trú, đều có số lần bỏ phiếu như nhau. Trong mỗi cấp của một cuộc bầu cử, mỗi một cử tri chỉ có một lá phiếu, giá trị của mỗi lá phiếu là như nhau, được thể hiện tổng quát thành: “Mỗi người một phiếu, một giá trị”. Địa vị xã hội, tài sản, độ tuổi của cử tri không có ảnh hưởng gì đến giá trị của phiếu bầu... Nguyên tắc bình đẳng bảo đảm để mọi công dân có khả năng như nhau trong việc tham gia bầu cử, nghiêm cấm mọi sự phân biệt dưới bất cứ hình thức nào.
Nguyên tắc bình đẳng nhằm đảm bảo sự khách quan trong bầu cử, không có thiên vị. Luật quy định việc chia đơn vị bầu cử phải căn cứ vào số dân địa phương và số lượng đại biểu được bầu. Mỗi đơn vị bầu cử được bầu ra số lượng đại biểu tỷ lệ thuận với số dân của mình, do đó số lượng dân ở các đơn vị như nhau thì được bầu số đại biểu bằng nhau;
Để đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, Nhà nước có các biện pháp bảo đảm để đại biểu là đồng bào dân tộc, đại biểu nữ, đại biểu trẻ tuổi, đại biểu không phải là Đảng viên, đại biểu đại diện cho các tổ chức tôn giáo, kinh tế, chính trị - xã hội… có số đại biểu thích đáng trong HĐND các cấp.