2.1. VỀ CHỦ THỂ CÓ QUYỀN XÁC LẬP CÁCBIỆN PHÁPBẢO ĐẢM
2.1.1. Chủ thể là hộ gia đình
Tại chi nhánh Hưng Yên của Ngân hàng Quốc tế ( sau đây gọi là Ngân hàng QT) phát sinh khoản vay của khách hàng Đào Đại Nguyên, tài sản bảo đảm là quyền sử dụng 666m2 đất tạikhu Cầu Cau – Xã Đại Hưng – Huyện Khoái Châu – Tỉnh Hưng Yên. Trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi là cấp cho hộ gia đình ông Đào Đại Nguyên. Vì đây là tài sản chung của Hộ gia đình, Ngân hàng Quốc tế đề nghị các thành viên của Hộ gia đình ông Nguyên phải cùng đăng ký vào Hợp đồng thế chấp, hoặc lập ủy quyền cho ông Nguyên ký Hợp đồng. Tuy nhiên, vướng mắc đã phát sinh khi mà cả Ngân hàng và ông Nguyênđều không thể xác định được những ai là thành viên của Hộ gia đình. Nguyên nhân của tình trạng này là do pháp luật hiện hành chưa quy định một cách cụ thể, chi tiết đối với loại chủ thể này.
Điều 106 BLDS 2005 quy định “Hộ gia đình mà các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định là chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự thuộc các lĩnh vực này”.Bộ luật cũng ghi nhận chủ hộ gia đình “là đại diện của hộ gia đình trong các giao dịch dân sự vì lợi ích chung của hộ. Cha, mẹ hoặc một thành viên khác đã thành niên có thể là chủ hộ” và “Giao dịch dân sự do người đại diện của hộ gia đình xác lập, thực hiện vì lợi ích chung của hộ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của cả hộ gia đình” [25]. Luật Đất đai 2013 cũng quy định hộ
gia đình được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và có các quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất; Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 quy định hộ gia đình được giao rừng; Luật Thủy sản 2003 quy định hộ gia đình được giao mặt nước, mặt biển để nuôi trồng thủy sản...
Qua các quy định nêu trên, có thể thấy rằng chỉ những hộ gia đình có đủ điều kiện do pháp luật quy định mới trở thành chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự, trong đó có quan hệ bảo đảm tiền vay. Khi đã thỏa mãn các điều kiện đó, hộ gia đình được thừa nhận là một chủ thể có tư cách độc lập trong quan hệ dân sự (ở góc độ nào đó có nét giống với một pháp nhân), có tài sản riêng và tham gia quan hệ nhân danh chính mình, độc lập về mặt tư cách và tài sản với các thành viên riêng lẻ trong hộ gia đình. Trên thực tế, hộ gia đình cũng đã và đang tham gia khá nhiều vào giao dịch bảo đảm tiền vay với tư cách là bên bảo đảm, đặc biệt là giao dịch thế chấp quyền sử dụng đất để bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ tiền vay theo các hợp đồng tín dụng.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là mặc dù BLDS đã thừa nhận tư cách chủ thể của hộ gia đình, nhưng lại chưa xây dựng một khung pháp lý rõ ràng, phù hợp để điều chỉnh hoạt động của chủ thể này. Chính điều đó đang tạo nên rất nhiều khó khăn, vướng mắc và tranh chấp trong quá trình hộ gia đình tham gia vào các giao dịch bảo đảm tiền vay, cụ thể là:
Thứ nhất, các ngân hàng khi nhận bảo đảm bằng tài sản của hộ gia đình,
không xác định được ai là chủ hộ gia đình, vì rằng trên thực tế không có một loại giấy tờ, văn bản nào chứng minh tư cách chủ hộ của người đó. Giả sử nếu các thành viên có lập ra một văn bản thể hiện điều đó, thì cũng không biết thỏa thuận đó có giá trị pháp lý không, vì pháp luật không quy định rõ những loại văn bản như thế nào được coi là bằng chứng chứng minh tư cách chủ hộ gia đình của một cá nhân.
Thứ hai, ngay cả khi xác định được chủ hộ rồi, các ngân hàng vẫn chưa thể yên tâm, vì pháp luật lại quy định rằng “việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý; đối với các loại tài sản chung khác phải được đa số thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý”. Thực tế, khi
các ngân hàng có nhận tài sản bảo đảm của hộ gia đình thì thường tài sản đó là quyền sử dụng đất và loại tài sản này gần như chắc chắn bị coi là tài sản “có giá trị lớn” của hộ gia đình. Điều này lại dẫn các ngân hàng đến một khó khăn khác, đó là xác định các thành viên của hộ gia đình gồm những ai để có thể biết được họ có “đồng ý” hay không. Nếu là một doanh nghiệp, ta có thể xem Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy phép đầu tư, hay Điều lệ doanh nghiệp. Còn với hộ gia đình thì hoàn toàn không có căn cứ chắc chắn. Chẳng hạn, nếu căn cứ vào sổ hộ khẩu thì nhiều trường hợp người có tên trong sổ hộ khẩu đã chuyển đi ở một nơi khác rất xa, hoặc người không có tên trong sổ hộ khẩu nhưng thực tế lại đang cùng góp tài sản, góp sức để hoạt động kinh tế chung. Nếu căn cứ vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho một hộ gia đình, cơ quan chức năng chỉ ghi là cấp cho hộ gia đình ông Nguyễn Văn A, mà cũng không chỉ rõ hộ của ông Nguyễn Văn A gồm những ai. Thực tế xét xử cũng có thấy bản thân các cơ quan tiến hành tố tụng cũng chưa có sự thống nhất về vấn đề này. Có thể lấy vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất giữa ông Nguyễn Thành Điểm và bà Nguyễn Thị Tám (chị ruột của ông Điểm) tại thành phố Hồ Chí
Minh làm ví dụ: Trong vụ án này, mảnh đất có diện tích 3578m2 tại xã Bình Hòa, huyện Bình Chánh, Tp. Hồ Chí Minh được UBND huyện Bình Chánh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 12/02/1998. Ông Điểm và bà Tám có chung hộ khẩu tại địa chỉ nêu trên. Năm 2003, bà Tám khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp đất đai với ông Điểm. Sau khi thụ lý đơn của bà Tám, Tòa án cấp sơ thảm và phúc thẩm đã chia cho bà Tám được hưởng 1500m2 quyền sử dụng đất với lý do bà Tám và ông Điểm là hộ gia đình vì có chung hộ khẩu [32].
Tiếp đến, ngày 31/05/2006, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có Quyết định kháng nghị số 42/QĐ-KNGĐT đối với bản án phúc thẩm vì lý do: “Nếu cho rằng ông Điểm và gia đình bà Tám có chung hộ khẩu nên là một hộ gia đình là chưa phù hợp với quy định tại Điều 116 của Bộ Luật Dân sự”. Tuy nhiên, sau đó Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã bác Kháng nghị này [32].
Như vậy, do pháp luật chưa quy định rõ ràng nên các cơ quan tiến hành tố tụng – những cơ quan có chuyên môn pháp lý sâu – cũng không thể thống nhấtđược cách giải quyết. Chính những bất cập này đã và đang tạo ra sự không an toàn về mặt pháp lý đối với các ngân hàng thương mại khi nhận bảo đảm bằng tài sản của hộ gia đình, gây nhiều khó khăn, tốn kém về thời gian, tiền bạc và công sức, đồng thời dẫn đến nguy cơ bị cơ quan tố tụng (tòa án, trọng tài) tuyên bố hợp đồng bảo đảm tiền vay vô hiệu nếu có tranh chấp xảy ra.