Theo quy định tại các điều từ Điều 5 đến Điều 7 của Nghị định số 08/2000/NĐ-CP thì thẩm quyền quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm được xác định như sau:
Bộ Tư pháp là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm. Bộ Tư pháp có thẩm quyền: (i) Xây dựng văn bản pháp luật, bao gồm cả hướng dẫn, chỉ thị; (ii) Thực hiện chức năng giám
sát, bao gồm cả giải quyết khiếu nại; (iii) Quản lý cơ quan đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm; và (iv) Hợp tác quốc tế về giao dịch bảo đảm.
Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm đăng ký giao dịch bảo đảm trong trường hợp tài sản bảo đảm là tàu biển, tàu bay. Để thực thi trách nhiệm, Bộ Giao thơng Vận tải có thẩm quyền: (i) Xây dựng văn bản pháp luật, bao gồm cả hướng dẫn, chỉ thị; (ii) thực hiện chức năng giám sát; và (iii) Quản lý cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm liên quan. Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện những hoạt động nói trên.
Uỷ ban nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm liên quan đến quyền sử dụng đất và bất động sản tại địa phương nơi có bất động sản. Uỷ ban nhân dân có thẩm quyền: (i) Xây dựng văn bản pháp luật, bao gồm cả hướng dẫn, chỉ thị; (ii) Thực hiện chức năng giám sát; và (iii) Quản lý cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm có liên quan. Uỷ ban nhân dân phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện những hoạt động nói trên (Điều 7 Nghị định số 08/2000/NĐ-CP).
Tuy nhiên, quy định của Nghị định số 08/2000/NĐ-CP đã bộc lộ hạn chế là chưa đề cập đến vai trò quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong khi quyền sử dụng đất - tài sản bảo đảm chủ yếu được các ngân hàng nhận khi cho tổ chức, cá nhân vay vốn và các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc hệ thống cơ quan tài nguyên và môi trường cấp tỉnh và cấp huyện.