1.2. GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI TRONG LĨNH VỰC ĐẤT ĐAI
1.2.6. Các yếu tố tác động đến hiệu quả giải quyết khiếu nại trong lĩnh
lĩnh vực đất đai
Hiệu quả giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực đất đai chịu sự tác động của các yếu tố chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, hệ thống pháp luật
Hệ thống pháp luật về quản lý đất đai, về khiếu nại và giải quyết khiếu nại đồng bộ, thống nhất, đầy đủ sẽ là điều kiện tiên quyết, thuận lợi, quyết định hiệu quả của hoạt động giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực đất đai. Trong thực tiễn, những bất cập trong pháp luật về đất đai, pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại chính là một trong những nguyên nhân phát sinh khiếu nại, cũng như ảnh hưởng đến chất lượng công tác giải quyết khiếu nại về đất đai trong thời gian qua.
Thứ hai, đội ngũ cán bộ
Giải quyết khiếu nại thực chất là hoạt động áp dụng pháp luật, do vậy, chất lượng, hiệu quả hoạt động này phụ thuộc nhiều vào trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức, ý chí chủ quan của đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp
Nếu năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực đất đai cao, có phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm, khách quan thì sẽ là điều kiện để họ phân tích đúng tình huống pháp luật, lựa chọn đúng, phù hợp quy phạm pháp luật để áp dụng cho tình huống pháp luật đó, vì vậy chắc chắn hiệu quả giải quyết khiếu nại sẽ cao.
Ngược lại, nếu năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác giải quyết khiếu nại hạn chế, yếu kém, thiếu tinh thần trách nhiệm, không khách quan, thì họ khó có thể phân tích đúng tình huống pháp luật, khó có thể lựa chọn quy phạm pháp luật phù hợp áp dụng cho tình huống pháp luật đó, vì vậy, hiệu quả giải quyết khiếu nại sẽ thấp.
Thứ ba, bộ máy nhà nước
Hoạt động giải quyết khiếu nại về đất đai là một trong những hoạt động thuộc nội dung quản lý nhà nước về đất đai, do vậy, hiệu lực, hiệu quả của hoạt động này phụ thuộc vào tổ chức bộ máy cơ quan quản lý nhà nước về đất đai nói riêng, tổ chức bộ máy nhà nước nói chung. Bộ máy nhà nước được tổ chức khoa học, gọn nhẹ, phân định rõ thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước, chắc chắn sẽ giúp cho hoạt động giải quyết khiếu nại hành chính nói chung, khiếu nại về đất đai nói riêng được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.
Ngược lại, bộ máy nhà nước được tổ chức không khoa học, cồng kềnh, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước không được phân định rõ, chồng chéo… sẽ là trở ngại lớn cho hoạt động quản lý nhà nước, cũng như hoạt động giải quyết khiếu nại về đất đai.
Thứ tư, mức độ công khai, minh bạch, dân chủ trong giải quyết khiếu nại đất đai
Giải quyết khiếu nại đòi hòi phải được tiến hành một cách công khai, minh bạch. Mức độ công khai, minh bạch càng cao thì tính khách quan trong
giải quyết khiếu nại càng cao. Pháp luật hiện hành về khiếu nại và giải quyết khiếu nại yêu cầu phải công khai, minh bạch từ thẩm quyền giải quyết khiếu nại cho đến việc công khai trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại… điều này sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả giải quyết khiếu nại.
Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân. Mọi hoạt động của nhà nước đều nằm dưới sự giám sát của nhân dân. Hoạt động giải quyết khiếu nại là hoạt động khó khăn, phức tạp, do vậy cần phải huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Thực tiễn cũng cho thấy, nơi nào và ở đâu phát huy được vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, các tổ chức chính trị - xã hội và của nhân dân đối với hoạt động giải quyết khiếu nại thì ở đó hoạt động giải quyết khiếu nại được thực hiện đúng quy định của pháp luật, đạt hiệu quả tốt, góp phần bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Thứ năm, trình độ dân trí, ý thức pháp luật của người dân
Nhìn chung việc khiếu nại, giải quyết khiếu nại nói chung và giải quyết khiếu nại về đất đai nói riêng cũng phụ thuộc vào trình độ dân trí, ý thức pháp luật của người dân.
Trình độ dân trí, ý thức pháp luật của người dân cao sẽ giúp cho người dân nhận thức được các quy định của pháp luật, thấy được các quyết định hành chính, hành vi hành chính có đúng pháp luật hay không từ đó quyết định có sử dụng quyền khiếu nại hay không? Khi cần sử dụng đến quyền khiếu nại, họ sẽ thực hiện đúng quy định của pháp luật về quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại và trình tự thủ tục khiếu nại.
Trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật hạn chế là một trong những trở ngại lớn để người dân thực hiện quyền khiếu nại của mình. Thậm chí khi có khiếu nại và được cơ quan có thẩm quyền giải quyết đúng quy định của pháp luật rồi nhưng họ vẫn cho rằng giải quyết như vậy là không đúng và tiếp khiếu. Điều này
gây mất thời gian, công sức của cơ quan nhà nước trong việc giải quyết khiếu nại của họ, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động giải quyết khiếu nại.