Điều kiện kinh tế xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực đất đai - qua thực tiễn tỉnh Thái Nguyên (Trang 52 - 54)

2.1. TỔNG QUAN VỀ TỈNH THÁI NGUYÊN

2.1.2. Điều kiện kinh tế xã hội

Thái Nguyên là địa phương có truyền thống cách mạng. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Thái Nguyên được Bác Hồ và Trung ương chọn làm Thủ đô kháng chiến - An toàn khu (ATK). Nhân dân các dân tộc trong tỉnh cần cù, chịu khó, luôn tin tưởng vào công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, đây là một trong những lợi thế quý báu để tỉnh tranh thủ, phát huy sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Sau hơn 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nhất là sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2010-2015, kinh tế, xã hội của tỉnh đã có những phát triển đáng khích lệ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế 3 năm 2011, 2012 và năm 2013 của tỉnh bình quân đạt 7,53% [24, tr.3]. GDP bình quân đầu người tăng từ 17,5 triệu đồng năm 2010 lên 29 triệu đồng năm 2013 (tương đương 1.394 USD). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. So với năm 2010, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng tăng từ 41,3% lên 41,9% năm 2013; dịch vụ tăng từ 37% lên 38,1%; nông, lâm nghiệp giảm từ 21,7% xuống 20%. Trong cơ cấu công nghiệp, có sự chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng giá trị sản xuất khu vực kinh tế nhà nước, tăng dần tỷ trọng khu vực ngoài nhà nước. Kết quả thu ngân sách đạt khá, năm 2013, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 4.430 tỷ đồng,

Bình quân hằng năm huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển trong xã hội được trên 14.000 tỷ đồng, tốc độ tăng vốn đầu tư đạt 19%/năm. Từ năm 2010 đến tháng 6/2013, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 284 dự án với tổng vốn đăng ký 92.500 tỷ đồng (cấp phép 172 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký trên 44.000 tỷ đồng); thành lập mới 1.418 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký trên 8.600 tỷ đồng; 16 dự án ODA, nguồn vốn 2.959 tỷ đồng. Đặc biệt, việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI năm 2013 của tỉnh đạt mức cao nhất từ trước đến nay, đạt khoảng 3.4 tỷ USD. Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2013, Thái Nguyên là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI (không kể dầu khí ngoài khơi), chiếm 16,1% vốn đăng ký; đứng thứ 17 cả nước về tổng số vốn đăng ký đối với các dự án FDI còn hiệu lực. Hàng loạt dự án lớn được khởi công xây dựng như: Khu công nghiệp Yên Bình, Nhà máy điện tử Samsung, Samsung bản mạch và các dự án công nghiệp phụ trợ của Tập đoàn Samsung, tạo bước đột phá về phát triển công nghiệp công nghệ cao. Giải ngân vốn FDI năm 2013 cũng đứng đầu cả nước. [25, tr.6]

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, thương mại, dịch vụ, thông tin có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu và tăng trưởng kinh tế. Đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên cơ bản hoàn thành, thông xe toàn tuyến và bắt đầu đưa vào khai thác, sử dụng từ tháng 01/2014.

Công tác quy hoạch chung và quy hoạch ngành, lĩnh vực được tăng cường; cơ bản đã hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cấp huyện. Công tác quy hoạch, đầu tư phát triển hệ thống đô thị được đẩy mạnh; toàn tỉnh đã lập, phê duyệt quy hoạch chung 13/15 đô thị, tỷ lệ đô thị hoá đạt 28%. Tập trung xây dựng hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I của thành phố Thái Nguyên; xây dựng thị xã Sông Công trở thành thành phố

trực thuộc tỉnh (đạt 5/10 tiêu chí theo quy định); xây dựng huyện Phổ Yên trở thành thị xã công nghiệp (đạt 70,3/100 điểm các tiêu chí đô thị loại IV)... Công tác quy hoạch đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp có chuyển biến tích cực. Đến nay, đã phê duyệt quy hoạch 6 khu công nghiệp với diện tích 1.420 ha; 31 cụm công nghiệp với diện tích 1.178 ha. Chủ động tham gia xây dựng các chính sách, quy hoạch, dự án đầu tư trên cơ sở phát huy những lợi thế theo tầm nhìn, mục tiêu, nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1758/QĐ- TTg ngày 20/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ. [25, tr.6]

Các lĩnh vực văn hoá - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Các chính sách xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai đồng bộ, đạt được những kết quả thiết thực. Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ tiếp tục đổi mới, phát triển. Công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân được quan tâm. Văn hoá, thể dục - thể thao, thông tin tuyên truyền phát triển đa dạng và phong phú.

Quốc phòng - an ninh được tăng cường, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Công tác xây dựng Đảng đã tập trung làm tốt trên cả 3 mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức. Chú trọng đổi mới và nâng cao chất lượng công tác cán bộ. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Quan tâm xây dựng chính quyền các cấp trong sạch vững mạnh. Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực đất đai - qua thực tiễn tỉnh Thái Nguyên (Trang 52 - 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)