Khẳng định chủ quyền từ năm 1945 đến năm 1954

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải quyết tranh chấp về hai quần đảo hoàng sa và trường sa trước tòa án công lý quốc tế của liên hiệp quốc (Trang 57 - 59)

6. Kết cấu của luận văn:

2.2. Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

2.2.3. Khẳng định chủ quyền từ năm 1945 đến năm 1954

Sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ngày 2-9-1945 do Hồ Chí Minh lãnh đạo đã chấm dứt thời kỳ Pháp thuộc và sự tồn tại của triều đình phong kiến nhà Nguyễn. Do đó, cơ sở pháp lý của những hiệp ước do nhà Nguyễn ký kết với Pháp trước đây không còn hiệu lực nữa. Chủ quyền toàn bộ lãnh thổ trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa lẽ ra phải ngay lập tức thuộc về nhân dân Việt Nam. Song con đường tái lập và tái khẳng định chủ quyền thực sự của người Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa còn phải vượt qua nhiều gian nan.

Sau khi Nhật Bản (một nước trong phe Phát xít Đức) đầu hàng vô điều kiện quân Đồng Minh, chính quyền Pháp ở Đông Dương là người đầu tiên khôi phục sự có mặt của mình trên hai quần đảo vì theo Hiệp định 6/4/1946, “Chính nước Pháp có trách nhiệm được hưởng các quyền của Việt Nam trong quan hệ đối ngoại” [Theo 11].

Tháng 5/1946, Pháp cho quân đổ bộ lên quần đảo Hoàng Sa và cũng năm đó, Pháp đã tiến hành đặt bia chủ quyền tại đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa. Tại thời điểm này bắt đầu nảy sinh tranh chấp khi Trung Hoa Dân Quốc cho quân đổ bộ lên đảo Phú Lâm vào tháng 1/1947 với lý do “thu hồi” các lãnh thổ

của Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử tranh chấp hai quần đảo, Trung Quốc cho quân đội chiếm đóng các đảo.

Chính phủ Pháp chính thức phản đối sự chiếm đóng bất hợp pháp này của Trung Hoa Dân Quốc và ngày 17/10/1947 thông báo hạm Tonkinois của Pháp được điều tới Hoàng Sa để yêu cầu quân lính của Tưởng Giới Thạch phải rút khỏi các đảo, nhưng quân Tưởng đã không thực hiện theo yêu cầu. Pháp tiếp tục gửi thêm một phân đội lính trong đó có cả quân lính của Chính phủ Quốc gia Việt Nam đến trú đóng trên đảo Hoàng Sa. Chính quyền Trung Hoa Dân Quốc phản kháng và các cuộc thương lượng được tiến hành từ ngày 25/2 đến ngày 4/7/1947 tại Paris. Cuộc đàm phán thất bại vì Trung Hoa Dân Quốc đã từ chối việc nhờ trọng tài quốc tế giải quyết vấn đề do phía Pháp đề xuất.

Ngày 1-10-1949, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập, Tưởng Giới Thạch thua chạy ra đảo Đài Loan. Tháng 4-1950, tất cả quân lính của Tưởng Giới Thạch chiếm đóng bất hợp pháp trên đảo Phú Lâm (Woody), thuộc quần đảo Hoàng Sa phải rút lui. Còn lính Pháp và lính quốc gia Việt Nam ở đảo Hoàng Sa (Pattle) vẫn tiếp tục đồn trú.

Ngày 14/10/1950, Chính phủ Pháp chính thức chuyển giao cho Chính phủ Bảo Đại quyền quản lý các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Thủ hiến Trung Phần là Phan Văn Giáo đã chủ trì việc chuyển giao quyền hành ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Do đó, tại Hội nghị San Francisco năm 1951 đại diện chính phủ Bảo Đại là Trần Văn Hữu đã lên tiếng bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình đối với hai quần đảo mà không có một quốc gia nào có ý kiến phản đối hoặc bảo lưu kể cả Trung Quốc. Như vậy, chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã được quốc tế công nhận.

Sau khi Nhật Bản và Đài Loan ký Hòa ước ngày 28/4/1952, trong cuộc tiếp xúc giữa Đại sứ Pháp ở Tôkyô là De Jean và Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Nhật Bản, các quan chức Nhật Bản đều khẳng định rằng điều 2 của Hòa ước Nhật Bản – Đài Loan chỉ đơn thuần xác nhận sự từ bỏ của Nhật Bản đã nêu trong Hòa ước San Francisco, Nhật Bản không hề tỏ thái độ về sự quy thuộc pháp lý hiện nay hay sự tiến triển tương lai của các lãnh thổ đó.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải quyết tranh chấp về hai quần đảo hoàng sa và trường sa trước tòa án công lý quốc tế của liên hiệp quốc (Trang 57 - 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)