Đào tạo chuyên gia nghiên cứu về biển đảo

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải quyết tranh chấp về hai quần đảo hoàng sa và trường sa trước tòa án công lý quốc tế của liên hiệp quốc (Trang 108 - 111)

6. Kết cấu của luận văn:

3.4. Các giải pháp

3.4.2. Đào tạo chuyên gia nghiên cứu về biển đảo

Thực tế trong đàm phán với Trung Quốc về phân định biển, nếu coi việc nghiên cứu và đưa ra các bằng chứng để xác lập chủ quyền là một mặt trận, thì đã và đang có một cuộc chiến không cân sức giữa giới nghiên cứu của hai nước, với phần thua thiệt thuộc về các học giả Việt Nam. Sự thua thiệt thể hiện rõ trên các mặt: số lượng học giả, số lượng và diện phổ biến của công trình nghiên cứu, sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, sự tham gia của tư nhân…

Ngày nay, để chiến thắng trong những cuộc đấu tranh phức tạp tranh chấp chủ quyền, điều kiện cốt yếu là sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, chứ không đơn thuần là ưu thế về quân sự. Việt Nam muốn thế giới hiểu được sự thật về lịch sử Hoàng Sa, Trường Sa để tranh thủ sự ủng hộ của thế giới, cần phải tự mình nỗ lực chứng minh điều đó.

Hiện tại, Việt Nam chỉ có Vụ Biển thuộc Ủy ban Biên giới Quốc gia, Trung tâm Luật Biển và Hàng hải Quốc tế, Tổng cục Quản lý Biển và Hải đảo là cơ quan của nhà nước từng đặt vấn đề nghiên cứu chính thức về lãnh hải và luật biển. Số lượng các nhà nghiên cứu chuyên sâu vào vấn đề lãnh hải và Hoàng Sa - Trường Sa thì rất ít. Còn phía Trung Quốc đã có hàng chục cơ quan nghiên cứu chuyên sâu về tranh chấp lãnh hải và Hoàng Sa, Trường Sa từ hơn nửa thế kỷ qua. Ít nhất, có thể kể tới trung tâm nghiên cứu trực thuộc các trường đại học Bắc Kinh, Hạ Môn, Phúc Kiến, Trung Sơn, hoặc trực thuộc Ủy ban Nghiên cứu

Biên cương, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, v.v…

Việt Nam có những khảo cứu về tài liệu liên hệ đến các quần đảo này chủ yếu viết bằng chữ Hán hay chữ Nôm. Sự thật là kiến thức về những chữ này bị mai một, số người còn biết những chữ này càng ngày càng hiếm, và do đó ta thiếu khả năng nghiên cứu. Một hạn chế nữa, là lâu nay dù không có văn bản quy định chính thức, nhưng tài liệu liên quan tới lãnh hải, biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc lâu nay được coi là "nhạy cảm", "mật", và một cá nhân khó mà có đủ tư cách để "xin" được nghiên cứu về Hoàng Sa, Trường Sa hay chủ quyền đất nước. Các cá nhân nghiên cứu độc lập thì không thể có điều kiện thuận lợi về sưu tập tư liệu, điền dã thực địa, công bố kết quả của đề tài.

Hiện nay, có nhiều nghiên cứu về Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa do các cá nhân, tổ chức phi chính phủ tiến hành. Trong các nghiên tự phát đó, cũng có một số tác giả có những nghiên cứu rất chất lượng, nhưng số này chiếm không nhiều. Đối với các nhà nghiên cứu “tự phát” thì họ vì làm việc hoàn toàn tự nguyện cho nên việc đầu tư sức lực, thời gian, sưu tầm tài liệu không nhiều, vì thế cũng ảnh hưởng đến chất lượng nghiên cứu.

Về bản chất, nghiên cứu khoa học là các nỗ lực cá nhân, tuy nhiên, với những vấn đề thuộc diện "công ích" như tranh chấp chủ quyền, thì Nhà nước có vai trò đặc biệt quan trọng. Do vậy, thu hút những chuyên gia và đào tạo một đội ngũ chuyên gia nghiên cứu về luật quốc tế, luật biển quốc tế, về Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa, luật biển là chìa khóa đầu tiên cho lộ trình khởi kiện tại Tòa ICJ. Để trọng dụng được những người có tâm huyết, chuyên tâm nghiên cứu, để việc nghiên cứu đạt hiệu quả cao cần phải có những chế độ ưu đãi đặc biệt đối với họ. Nhà nước phải coi đây là nhiệm vụ hàng đầu trong chiến lược đấu tranh vì công lý cho Hoàng Sa và Trường Sa.

- Nhà nước cần lập cơ quan chuyên trách làm đầu mối và quy tụ các trí

thức am hiểu về ngoại giao, sử học, công pháp quốc tế, luật biển quốc tế, Trung Quốc học để liên tục đưa ra yêu cầu giải quyết và khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa một cách thiện chí và hòa bình. Cơ quan này có trách nhiệm

chuẩn bị cho chứng cứ pháp lý và lịch sử, sẵn sàng cho việc đưa tranh chấp Hoàng Sa ra Tòa ICJ. Chúng ta cần kêu gọi tập trung chứng cứ về Hoàng Sa, Trường Sa, đồng thời đề nghị các học giả Việt Nam trong và ngoài nước cung cấp, phân tích và hệ thống hóa các chứng cứ này.

- Xây dựng một cơ sở dữ liệu về Hoàng Sa, Trường Sa, hệ thống hóa các bằng chứng để chứng minh rằng Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Điều kiện cần để có bài viết khoa học là một quá trình nghiên cứu tập trung cao và kéo dài. Nghiên cứu về vấn đề Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa lại càng khó khăn hơn, nó đòi hỏi rất nhiều công sức, thời gian, kinh phí. Thực tế nghiên cứu cho thấy, người nghiên cứu phải có khả năng tiếp cận với các tài liệu cổ bằng nhiều thứ tiếng khó (Hán, Nôm, Pháp, Anh, thậm chí tiếng Latin), phải bỏ chi phí mua tài liệu, đi thực địa, trao đổi tìm kiếm thông tin, v.v... Thiếu kinh phí, khó khăn trong việc tiếp cận các tài liệu là những vật cản lớn. Nhiều chuyên

gia cho rằng việc nghiên cứu về biển Đông của Việt Nam hiện nay gặp nhiều khó khăn do chưa được "chuyên nghiệp hóa". Do đó, việc thành lập một cơ sở

dữ liệu chuyên ngành là rất cần kíp. Cơ sở dữ liệu này nhằm phục vụ cho các chuyên gia nghiên cứu, cũng như phục vụ cho việc tuyên truyền, phổ biến đến người dân trong nước và quốc tế.

- Khuyến khích các chuyên gia tham gia các hội thảo chuyên ngành về biển quốc tế, các công trình nghiên cứu quốc tế.

Chúng ta đang có trong tay rất nhiều bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên biển Đông. Tuy nhiên, những chứng cứ này vẫn chưa được tập hợp, diễn giải thành những công trình nghiên cứu khoa học mang tính học thuật đã qua bình duyệt. Chính vì thế, cộng đồng khoa học quốc tế vẫn chưa biết tới nhiều những chứng cứ về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa như là những bằng chứng từ góc độ khoa học. Trong khi đó, Trung Quốc có nhiều người Hoa là giáo sư trong các ngành luật pháp, chính trị trong các trường đại học trên thế giới

– điều đó rất thuận tiện cho việc đăng bài viết, công trình nghiên cứu có lợi cho Trung Quốc trên báo chí. Thực tế, cộng đồng quốc tế đang tiếp cận thông tin về Hoàng Sa, Trường Sa từ phía Trung Quốc nhiều hơn. Để cộng đồng quốc tế tiếp cận thông tin từ phía Việt Nam, chúng ta cần phải nỗ lực tham gia các buổi hội thảo, tham luận quốc tế, đặc biệt phải có những công trình nghiên cứu mang tầm cỡ quốc tế. Thông qua các tạp chí khoa học quốc tế, các diễn đàn thế giới, sự xuất hiện những bài viết khoa học, công trình nghiên cứu của phía Việt Nam trên các tạp chí khoa học đầu ngành của thế giới về lịch sử, địa lý, hàng hải, công pháp quốc tế… sẽ có sức nặng trong việc tranh luận.

Với việc Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa, cuộc đấu tranh giành lại các phần biển đảo bị chiếm đóng đòi hỏi một chiến lược tổng thể và đồng bộ. Trong cuộc đấu tranh dài lâu này, việc phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc là yếu tố cực kỳ quan trọng, đặc biệt là trong vấn đề thu thập tài liệu, bằng chứng. Do vậy, để thu hút đông đảo các

nhà nghiên cứu, cách tốt nhất là Nhà nước "xã hội hóa" công việc nghiên cứu khoa

học, bằng cách tạo điều kiện để xã hội dân sự (tư nhân, các tổ chức phi chính phủ, hiệp hội, quỹ...) tài trợ cho các dự án khoa học, tạo điều kiện, thậm chí "luật hóa", để người nghiên cứu được tiếp xúc với thông tin khi cần.

- Tiến cử chuyên gia Việt Nam vào Tòa án Công lý Quốc tế.

Hiện tại, Trung Quốc có thẩm phán ở Toà án Công lý Quốc tế và Toà án Luật Biển Quốc tế. Đó là một điều kiện vô cùng thuận lợi cho Trung Quốc khi tranh chấp được giải quyết tại Tòa và là điểm bất lợi cho Việt Nam. Để “cân bằng” lực lượng, không còn cách nào khác, Việt Nam phải nỗ lực đào tạo các chuyên gia đủ điều kiện, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, đủ tiêu chuẩn để tiến cử vào hệ thống các cơ quan tài phán quốc tế nói chung và Tòa ICJ nói riêng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải quyết tranh chấp về hai quần đảo hoàng sa và trường sa trước tòa án công lý quốc tế của liên hiệp quốc (Trang 108 - 111)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)