6. Kết cấu của luận văn:
3.4. Các giải pháp
3.4.3. Đấu tranh chính trị, ngoại giao
Yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc trên biển Đông gây phương hại rất lớn cho quyền chủ quyền và quyền tài phán trên biển của Việt Nam. Từ đòi hỏi này, Trung Quốc đã cản trở rất lớn đến việc thực thi chủ quyền của Việt Nam trên vùng biển liên quan, đặc biệt là đánh bắt cá và khai thác dầu khí.
Nếu muốn đòi lại Hoàng Sa, điều cơ bản nhất là không bao giờ được bỏ qua Hoàng Sa trong các cuộc đàm phán trên biển Đông, mà phải gộp Hoàng Sa vào “tranh chấp trên biển Đông” trên các diễn đàn song phương, khu vực và quốc tế.
Cần duy trì và liên tục khẳng định chủ quyền thông qua các tuyên bố ngoại giao, như chúng ta vẫn thường thấy phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao trả lời báo
giới: "Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa".
Thiếu sự hỗ trợ tinh thần và pháp lý của cộng đồng quốc tế sẽ khiến khả năng chấp nhận của Trung Quốc trên bàn đàm phán song phương vốn đang khó khăn sẽ càng khó khăn hơn. Việt Nam cần tận dụng tất cả các diễn đàn quốc tế và khu vực như Liên Hiệp Quốc, APEC, ASEAN, Thượng đỉnh Đông Á... nhằm tranh thủ công luận quốc tế cho một cuộc đấu tranh ngoại giao với Trung Quốc.
Đặc biệt, trong quan hệ với ASEAN, Việt Nam cần gắn lợi ích của Việt Nam trong lợi ích chung của các nước ASEAN trong khu vực Biển Đông. Trong tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, tuy các nước ASEAN có những quan điểm khác nhau trong vấn đề Biển Đông do tác động bên ngoài và những lợi ích khác nhau. Thậm chí các nước yêu sách trong ASEAN, bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei đôi khi cũng không có tiếng nói chung; các nước Singapore và Indonesia có quan điểm trung lập không ủng hộ bên nào. Tuy nhiên, ngay sau khi Trung Quốc công khai hóa Đường lưỡi bò trong công hàm gửi Liên Hợp Quốc năm 2009, hầu hết các nước ASEAN trực tiếp hoặc gián tiếp đều có quan điểm phê phán Đường lưỡi bò của Trung Quốc. Việt Nam ngay lập tức gửi Công hàm lên Liên Hợp Quốc phản đối Công hàm có bản đồ Đường lưỡi bò của Trung Quốc, trong đó nêu rõ: Tuyên bố đường chín đoạn trên bản đồ gửi kèm theo Công hàm ngoại giao của Trung Quốc là vô giá trị và không có hiệu lực vì nó không có cơ sở pháp lý, lịch sử và thực tế. Indonesia là quốc gia ASEAN luôn giữ vai trò trung lập trong tranh chấp Biển Đông, tuy nhiên tháng 07 năm 2010, Indonesia đã gửi Công hàm đến Liên Hợp Quốc phản đối bản đồ đường chín đoạn trong Công hàm của Trung Quốc rõ ràng là thiếu cơ sở pháp lý
quốc tế và ngang với việc bác bỏ Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc 1982. Mặc dù các thành viên ASEAN có những lợi ích khác nhau tại Biển Đông, nhưng tất cả đều có lợi ích chung trong việc bảo đảm tự do hàng hải, hòa bình, ổn định khu vực, tôn trọng luật quốc tế, cũng như duy trì đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN. Mười nước thành viên ASEAN đều đã tham gia đàm phán và ký kết Tuyên bố Ứng xử (DOC) năm 2002 và hiện đều có quan điểm chung muốn thúc đẩy đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) với Trung Quốc nhằm quản lý hiệu quả các tranh chấp và thúc đẩy hòa bình, hợp tác khu vực. Sự đoàn kết của ASEAN với tư cách một khối thống nhất là yếu tố then chốt để giải quyết tranh chấp trên biển Đông với Trung Quốc. Để duy trì hòa bình trong khu vực, đảm bảo quan hệ hữu nghị với các nước ASEAN, để tranh chấp Biển Đông nhanh chóng được giải quyết dứt điểm. Việt Nam cần phân tích, căn nhắc kỹ lợi ích của từng quốc gia ASEAN tại Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982; bảo đảm thực hiện đầy đủ Tuyên bố DOC và sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử COC.
Bên cạnh đó, cần vận dụng sức mạnh của dư luận và trí tuệ nhân dân, học giả và chuyên gia các giới Việt Nam trong và ngoài nước để tác động đến nhân dân thế giới và những nhà đàm phán Trung Quốc. Những tác động này phải đủ mạnh và kiên trì, nhưng đồng thời cũng khẳng định thiện chí đàm phán và hợp tác hòa bình với Trung Quốc.