Một số quốc gia tiêu biểu trong hệ thống Thông luật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vai trò của viện kiểm sát nhân dân với việc tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố (trên cơ sở thực tiễn địa bàn tỉnh thái bình) (Trang 41 - 43)

Hệ thống Thông luật, hay còn gọi là hệ thống pháp luật Anglo – Saxon, là hệ thống luật lớn thứ hai trên thế giới. Được ra đời ở Anh, phát triển ở Mỹ và những nước thuộc địa của Anh – Mỹ nên pháp luật Vương quốc Anh và Hợp chúng quốc Hoa Kỳ là những khuôn mẫu của hệ thống này. Hệ thống Thông luật có những điểm hoàn toàn khác biệt với hệ thống Dân luật mà những quy định tố tụng hình sự không phải ngoại lệ.

a) Vương quốc Anh

Ở Anh, trong giai đoạn điều tra vụ án, hầu hết các công việc do cảnh sát hoặc những điều tra viên khác thực hiện [40, Điều 3.2]. Vai trò của công tố viên là tư vấn cho cảnh sát hoặc những điều tra viên các yêu cầu về bằng chứng, chiến lược điều tra…nhưng không chỉ đạo hoạt động điều tra [40, Điều 4.2]. Nhiệm vụ chính của cơ quan công tố là buộc tội và bảo vệ sự buộc tội trước Tòa. Cơ quan công tố sẽ quyết định thực hiện hay không thực hiện quyền công tố khi giai đoạn điều tra hoàn thành và mọi bằng chứng liên quan đã được đánh giá.

Có thể thấy, mặc dù việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm liên quan trực tiếp đến tính hợp pháp của chứng cứ nhưng cơ quan công tố không kiếm tra, giám sát hoạt động này. Cơ quan công tố chỉ đánh giá mức

độ tuân thủ pháp luật của cảnh sát như kết quả của một quá trình tổng thể, sau khi kết thúc điều tra. Nói cách khác, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan công tố với hoạt động tiếp nhận, giải quyết tin báo không được quy định. Điều này hoàn toàn khác biệt với pháp luật Pháp, Đức, khi vai trò của Viện Công tố với từng hoạt động trước truy tố đều được ghi nhận minh thị trong luật, bao gồm cả việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm. Nguyên nhân của hiện tượng này nằm ở quan điểm lập pháp của Anh: cơ quan công tố không chỉ đạo cảnh sát và các điều tra viên khác trong giải quyết vụ án hình sự.

b) Hợp chúng quốc Hoa Kỳ

Tại Hoa Kỳ, cảnh sát bắt đầu tiến hành điều tra sơ bộ khi có nguồn thông tin về tội phạm: từ tố giác của nạn nhân, từ sự phát hiện qua công việc tuần tra hằng ngày; từ những biểu hiện nghi vấn của một người nào mà cảnh sát biết được; khi phát hiện thấy có dấu vết của tội phạm; khi có cơ sở để tin rằng kẻ phạm tội đang chuẩn bị thực hiện tội phạm hoặc chắc chắn sẽ thực hiện tội phạm. Nếu là đơn tố giác thì phải được trình cùng với lời tuyên thệ trước một thẩm phán sơ thẩm hoặc nhân viên tư pháp địa phương hoặc bang nếu thẩm phán vắng mặt. Thẩm phán có quyền quyết định giải quyết, xử lý kết quả xác minh, kiểm tra tin báo về tội phạm bằng các biện pháp sau: Ban hành lệnh bắt hoặc lệnh triệu tập, ủy quyền cho nhân viên tư pháp thực hiện; chuyển giao cho quận khác (nếu không đủ thẩm quyền), tiến hành thủ tục điều tra sơ bộ theo tố tụng [36, tiểu mục 1.1].

Như vậy, ở Hoa Kỳ, tiếp nhận và giải quyết nguồn tin về tội phạm thuộc thẩm quyền của cảnh sát và thẩm phán. Các công tố viên ở Hoa Kỳ không có những thẩm quyền như: ra quyết định điều tra, giám sát đối với hoạt động điều tra đang được tiến hành … mà chỉ có quyền yêu cầu điều tra viên tiến hành điều tra, hay kết thúc điều tra hoặc thực hiện một số thủ tục

điều tra nhất định. Công tố viên thường đóng vai trò luật sư chủ nhà đối với cảnh sát để chỉ dẫn việc tìm kiếm bằng chứng, hướng dẫn thủ tục bắt giam và bảo đảm việc thu thập chứng cứ theo đúng thủ tục. Đối với các biện pháp ngăn chặn theo quan điểm pháp luật Việt Nam như: ra lệnh tạm giam, ra lệnh bắt, lệnh khám xét thư từ hay chặn nghe liên lạc điện tử hay lệnh thu giữ đồ vật tại cơ quan bưu điện… thẩm quyền cũng không thuộc cơ quan công tố mà thuộc Thẩm phán.

Nhìn chung, ở Hoa Kỳ, cơ quan công tố chỉ đóng vai trò tư vấn, không chỉ đạo cảnh sát trong quá trình điều tra. Do đó, cơ quan công tố Hoa Kỳ không có nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể với hoạt động tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vai trò của viện kiểm sát nhân dân với việc tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố (trên cơ sở thực tiễn địa bàn tỉnh thái bình) (Trang 41 - 43)