2.4. Thủ tục đầu tư ra nước ngoài
2.4.2. Cấp và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài
Tính đến hết 2018, Việt Nam có lũy kế 1.469 dự án đầu tư ra nước ngoài đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài (GCNĐK ĐTRNN) và với tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài là 22,1 tỷ USD. Trong đó, có 1.172 GCNĐK ĐTRNN còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký ĐTRNN là 20,2 tỷ USD.
- 2015 đến nay (hết 2018) (544 dự án, 2,5 tỷ USD): Trong giai đoạn này, Luật Đầu tư 2015 và Nghị định 83/2015/NĐ-CP ra đời thay thế các quy định cũ về ĐTRNN. Về cơ bản cách thức quản lý ĐTRNN không thay đổi nhưng chuyển từ nguyên tắc thẩm tra cấp Giấy chứng nhận ĐTRNN sang nguyên tắc ghi nhận cấp GCNĐK ĐTRNN, đơn giản hơn về thủ tục cấp GCNĐK ĐTRNN. Ở giai đoạn này số lượng hoạt động đầu tư tăng gấp rưỡi trung bình năm của giai đoạn trước nhưng vốn đăng ký đã giảm mạnh. Nguyên nhân: số lượng hoạt động ĐTRNN của doanh nghiệp nhà nước/có vốn nhà nước trong các lĩnh vực có quy mô vốn lớn giảm. Các doanh nghiệp phi nhà nước và của các cá nhân tham gia đầu tư, điều đó cho thấy xu hướng ĐTRNN vẫn là xu hướng tất yếu cùng với sự phát triển và tính chất mở cửa của nền kinh tế.
* Riêng năm 2018
Trong 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài cho 155 dự án đầu tư sang 39 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký ĐTRNN là 421,5 triệu đô la Mỹ (tăng 19% số dự án và 57% vốn đăng ký so với năm 2017); cấp điều chỉnh GCNĐK ĐTRNN để thay đổi vốn cho 35 dự án với tổng số vốn điều chỉnh tăng thêm 56 triệu đô la Mỹ. Tính tổng số vốn cấp mới và tăng thêm trong năm 2018 là 477,6 triệu đô la Mỹ (tăng 36% so với năm 2017).
Về địa bàn đầu tư: Xét theo quy mô vốn, hoạt động ĐTRNN tập trung vào các địa bàn: Lào (106,9 triệu USD), Úc (56,33 triệu USD), Mỹ (52,9 triệu USD), Campuchia (36,7 triệu USD) và Slovakia (35,9 triệu USD) (xem Phụ lục 3).
Về lĩnh vực đầu tư: Xét theo quy mô vốn, hoạt động ĐTRNN tập trung vào:
Hoạt động tài chính (105,7 triệu USD), thương mại (82,9 triệu USD), công nghiệp sản xuất chế biến (80,4 triệu USD), nông nghiệp (52,3 triệu USD) (xem Phụ lục 4).
Một số hoạt động ĐTRNN mới trong năm 2018 có vốn đăng ký lớn trên 10 triệu USD:
- Dự án ngân hàng con tại Lào của Vietcombank, 80 triệu đô la Mỹ;
- Dự án trang trại chăn nuôi bò sữa, trồng nho, khu nghỉ dưỡng và khu căn hộ cao cấp tại Slovakia của CTCP Sữa Đà Lạt tại Slovakia, 35,9 triệu đô la Mỹ;
- Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến tại Lào của Vinamilk, 25,4 triệu đô la Mỹ; - Dự án sản xuất vali tại Myanmar của CTCP Đầu tư Thái Bình, 20 triệu đô la Mỹ; - Dự án sản xuất sứ trắng và vật liệu tại Cuba của Viglacera, 19,9 triệu đô la Mỹ; - Dự án dịch vụ quản lý khách sạn tại Hồng Kông của Công ty TNHH BB Hospitality, 15 triệu đô la Mỹ;
- Dự án điều hành câu lạc bộ bóng đá tại Bosnia và Herzegovina của Công ty TNHH Địa ốc Long Cường, 14 triệu đô la Mỹ;
- Dự án kinh doanh cho thuê mặt bằng tại Úc của Công ty TNHH Xây dựng – Kinh doanh nhà Gia Hòa, 12 triệu đô la Mỹ;
- Dự án kinh doanh thương mại (phụ tùng ô tô) tại Đức của CTCP Tập đoàn Thành Công, 11,53 triệu đô la Mỹ;
- Dự án nghiên cứu công nghệ tại Hàn Quốc của CTCP Phát triển Công nghệ Vintech, 11 triệu đô la Mỹ;
- Dự án tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến vàng và các khoáng sản đi kèm tại Lào của các cá nhân Ông Phạm Ngọc Khanh; Ông Phạm Văn Khánh; Ông Phạm Ngọc Khang; Ông Trần Đại Duyện; Bà Lê Thị Hằng Nga; Ông Trần Văn Thọ, 10,79 đô la Mỹ.
- Dự án tư vấn, kinh doanh vật liệu xây dựng ở Mỹ của Công ty TNHH Thương mại Vision, 10 triệu đô la Mỹ.1. [4].