Chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Pháp luật về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài và thực tiễn thực hiện của các doanh nghiệp có nguồn vốn Nhà nước (Trang 63 - 67)

2.4. Thủ tục đầu tư ra nước ngoài

2.4.4. Chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài

Về vốn chuyển ra nước ngoài:

Theo báo cáo của các nhà đầu tư, tổng vốn chuyển ra nước ngoài trong năm 2018 để thực hiện các hoạt động đầu tư là 515,2 triệu đô la Mỹ, tăng khoảng 44% so với năm 2017.

Tổng vốn đã chuyển ra nước ngoài lũy kế hết 2018 của các hoạt động ĐTRNN đạt 8,1 tỷ USD. Vốn đã chuyển ra nước ngoài lớn nhất là lĩnh vực khai khoáng (3,17 tỷ USD), tiếp theo là các lĩnh vực thông tin truyền thông (1,35 tỷ USD), nông nghiệp (1,3 tỷ USD), sản xuất điện (668 triệu USD), ngân hàng – tài chính (565 triệu USD), kinh doanh bất động sản (379 triệu USD), hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ (196 triệu USD), sản xuất công nghiệp (178 triệu USD), thương mại (140 triệu USD), vận tải (116 triệu USD), dịch vụ lưu

trú ăn uống (42 triệu USD), dịch vụ xây dựng (4 triệu USD), các hoạt động khác (1,5 triệu USD) [6].

- Các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư ở nước ngoài chưa có được sự quan tâm, hỗ trợ đúng mức từ phía các cơ quan nhà nước. Mối liên hệ giữa cơ quan đại diện ngoại giao và thương vụ ta ở nước ngoài với các doanh nghiệp ĐTRNN còn lỏng lẻo nên chưa hỗ trợ được nhiều cho các doanh nghiệp khi giải quyết những vấn đề phát sinh khi triển khai dự án tại nước ngoài. Quyết định đầu tư vào một thị trường nào đó, phần lớn các doanh nghiệp phải tự bươn chải, tìm hiểu thị trường, cơ hội đầu tư và đối tác, luật pháp, chính sách và các thủ tục đầu tư mà ít có sự hỗ trợ hướng dẫn và cung cấp thông tin của các cơ quan quản lý, xúc tiến thương mại và đầu tư của Việt Nam ở nước ngoài. Do đó, đã có không ít doanh nghiệp đã gặp khó khăn trong việc triển khai dự án do quy định hoặc do thủ tục của phía bạn nên mất rất nhiều thời gian và chi phí.

Trường hợp của Công ty Sacom là một ví dụ Sacom có dự án liên doanh với một đối tác ở Campuchia để phát triển hạ tầng mạng thông tin và khai thác viễn thông của đất nước này. Sacom đã đăng ký đầu tư và làm đầy đủ các thủ tục đầu tư theo đúng quy định từ phía chính quyền Campuchia. Hai bên đang triển khai dự án đầu tư, thì không hiểu lí do gì, cảnh sát phía Campuchia nghi ngờ về việc kinh doanh của liên doanh không hợp pháp và đã đến trụ sở công ty tháo dỡ cũng như tịch thu một số thiết bị mà liên doanh đã lắp đặt, đồng thời yêu cầu một số nhân viên của liên doanh về trụ sở của họ để khai báo. Sự việc đã được sáng tỏ từ năm 2007 là liên doanh không vi phạm và làm sai điều gì trong kinh doanh, nhưng số thiết bị bị tịch thu trước đó thì cho đến giờ vẫn chưa được trả lại mà phía chính quyền Campuchia còn bắt liên doanh phải đóng thuế cho những thiết bị bị tịch thu này. Tại hội nghị thúc đẩy hoạt động ĐTRNN của Bộ kế hoạch đầu tư ngày 5/9/2008, bà Phạm Thị Lợi, đại diện của Sacom cho biết, do sự việc trên chưa được giải quyết, chưa được sự giúp đỡ hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý Việt Nam ở Campuchia, nên Sacom đang chồn chân cho kế hoạch đầu tư mở rộng sang các nước khác như Philippin, Malaysia…. (Nguồn: Gian nan đầu tư nước ngoài – Thời báo kinh tế Sài Gòn online 6/9/2008)

- Doanh nghiệp khi thực hiện ĐTRNN cũng gặp phải những khó khăn trong việc vay tiền để thực hiện hoạt động đầu tư. Hiện nay, việc vay ngoại tệ của ngân hàng thương mại để ĐTRNN vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Lý do là các ngân hàng thương mại chưa có cơ chế để quản lý nguồn tiền vay khi họ không có văn phòng đại diện ở quốc gia mà doanh nghiệp đầu tư. Ngoài ra cơ chế quản lý ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước hiện nay chưa quy định về quản lý đồng tiền ĐTRNN. Sự thiếu hụt vốn đã khiến cho một số dự án chỉ tồn tại được một thời gian ngắn, và khó khăn trong việc triển khai thực hiện dự án.

Bên cạnh đó doanh nghiệp vẫn còn gặp phải rất nhiều khó khăn do việc chuyển tiền ra nước ngoài để thực hiện đầu tư.

Theo như Thông tư số 01/2001/TT- NHNN ngày 19/1/2001 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với ĐTTTRNN của doanh nghiệp Việt Nam. Theo đó, doanh nghiệp phải mở một tài khoản tại ngân hàng, mọi giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài, và vào Việt Nam liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp phải được thực hiện thông qua tài khoản này. Ngoài ra doanh nghiệp còn phải làm thủ tục đăng ký với chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại địa phương mình có trụ sở chính về việc mở tài khoản ngoại tệ và tiến độ chuyển vốn ĐTRNN. Như vậy, cùng một việc chuyển vốn ĐTRNN doanh nghiệp phải hai lần đăng ký mở tài khoản, với chi nhánh ngân hàng Nhà nước và với ngân hàng thương mại khác hoạt động tại Việt Nam. Doanh nghiệp chỉ được phép sử dụng nguồn ngoại tệ trên tài khoản tiền gửi ngoại tệ của mình mở tại ngân hàng được phép để chuyển ra nước ngoài góp vốn đầu tư trên cơ sở quy định tại giấy phép đầu tư do cơ quan có thẩm quyền cấp. Ngoài ra, để mở được tài khoản tại ngân hàng phục vụ việc chuyển tiền ra nước ngoài doanh nghiệp phải chứng minh được dự án đầu tư, giấy phép đầu tư do nước ngoài cấp... Như vậy giai đoạn làm khảo sát, thăm dò, thiết kế dự án của doanh nghiệp tại nước ngoài sẽ không được chuyển tiền ra nước ngoài. Đây sẽ là khó khăn cho doanh nghiệp khi hoạt động chuẩn bị cho dự án đầu tư, trong khi đây là giai đoạn cần thiết để có được giấy phép chấp thuận đầu tư của nước doanh nghiệp muốn đầu tư.

Một số trường hợp thậm chí khi dự án nhận được giấy phép thì việc chuyển vốn ĐTRNN lại bị tắc nghẽn khiến việc triển khai nhiều dự án chậm so với kế hoạch và cũng làm nản lòng các nhà đầu tư. Như trường hợp của công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Trang (Viettranimex) ông Nguyễn Văn Thanh, chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty nói mặc dù dự án xây dựng tòa nhà thương mại quốc gia Việt Nam tại khu thương mại quốc tế Trung Quốc – ASEAN ở Trung Quốc của công ty ông đã được cắt băng khánh thành, nhưng phía Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa cho công ty được phép chuyển tiền. Theo một số doanh nghiệp, thủ tục chuyển tiền ra nước ngoài do Ngân hàng Nhà nước quy định quá phức tạp dẫn đến nhiều khó khăn cho họ trong việc chậm triển khai dự án, thậm chí phải bỏ lỡ cơ hội kinh doanh.

Trường hợp của Công ty cổ phần Cao su Việt Lào (CSVL) cũng là một trong những ví dụ điển hình. Theo giấy phép đầu tư, CSVL (cổ đông là các công ty cao su thuộc Tổng công ty Cao su VN) được đầu tư 22 triệu USD ở Lào để trồng 10.000 ha cao su tại tỉnh Champasak. Các cổ đông của công ty đã chuyển vài chục tỷ đồng đến Ngân hàng liên doanh Lào Việt chi nhánh TP HCM, nhưng ngân hàng này chưa thể chuyển sang Lào vì còn chờ giấy phép chuyển ngoại tệ từ Ngân hàng Nhà nước. CSVL đành phải chờ đợi trong tâm trạng sợ lỡ thời vụ sản xuất và tốn kém. Trồng cao su phải theo mùa vụ, tranh thủ mưa xuống là phải xuống giống. Giống được đưa qua, mưa đã có, nhưng tiền vẫn ở VN. Ngân hàng liên doanh Lào Việt chi nhánh TP HCM phải gỡ khó cho các nhà đầu tư bằng cách bảo lãnh cho CSVL vay tiền chi nhánh bên Lào, để có tiền trang trải chi phí và trả lương cho công nhân. Chỉ sau khi có được ủy quyền từ Ngân hàng Nhà nước cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, Ngân hàng liên doanh Lào Việt chi nhánh TP HCM mới được chuyển tiền của CSVL sang Lào.

Khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc chuyển tiền là vậy nhưng việc chuyển lợi nhuận về nước cũng gặp nhiều khó khăn. Theo quy định, lợi nhuận của các dự án đầu tư phải chuyển về nước chậm nhất là 6 tháng khi năm tài chính kết thúc, nhưng lại chưa có quy định rõ ràng lợi nhuận bao gồm cụ thể những gì. Chủ đầu tư VN muốn chuyển lợi nhuận thành vốn đầu tư tiếp để khỏi phải chuyển tiền đầu tư ra cũng không phải là chuyện đơn giản.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Pháp luật về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài và thực tiễn thực hiện của các doanh nghiệp có nguồn vốn Nhà nước (Trang 63 - 67)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)