Sử dụng các loại cây chịu hạn, chống chịu với sâu bệnh hại là hình thức thích ứng chính của người dân ở đây.
Giống và các loại cây chịu hạn thường có thời gian sinh trưởng phát triển ngắn và nhu cầu nước tưới ít hơn những loại cây trồng khác. Do thời gian sinh trưởng phát triển ngắn nên thời gian chịu tác động của hạn cũng ít hơn và né tránh được hạn hán. Chẳng hạn đối với lúa, giống Xuân Mai là giống được ưu tiên trồng vào vụ hè thu ở đây. Đặc điểm của giống này là, thời gian sinh trưởng ngắn, nhu cầu nước tưới ít hơn các giống khác nên khả năng chịu hạn cũng cao hơn.
Đối với cây khoai lang, trên 90% số hộ được phỏng vấn cho rằng sử dụng các giống khoai địa phương là phù hợp với địa phương. Những giống khoai được trồng chủ yếu ở đây là giống khoai đỏ và giống khoai trắng. Đây là những giống khoai có khả năng chịu hạn tốt và ít bị sâu bệnh hại.
Các loại cây trồng khác như sắn là những loại cây trồng phù hợp với điều kiện khô hạn, ít có nhu cầu nước cho sinh trưởng phát triển hơn những loại cây khác. Do vậy, đây là những loại cây trồng thường được trồng chính trong vụ hè thu ở đây.
Trong chăn nuôi, trên 80% số hộ được phỏng vấn nuôi lợn nái giống địa phương (Móng cái) và nuôi lợn thịt là con lai giữa Móng Cái và Đại bạch. Giống lợn này có khả năng thích nghi tốt với điều kiện thời tiết thay đổi thất thường, đặc biệt là khô hạn. Ngoài ra, giống lợn địa phương này tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có ở địa phương.
Đối với bò, đa số các hộ dân nuôi bò sử dụng giống bò địa phương (bò vàng) và số hộ còn lại nuôi bò Lai sind. Những hộ nuôi bò vàng cho rằng,
giống bò địa phương chi phí thấp hơn do không phải bổ sung thức ăn, chịu đựng tốt hơn với điều kiện khô nóng và nguồn thức ăn khan hiếm.
Trong nuôi trồng thủy sản, 100% số hộ được phỏng vấn thả nuôi các giống: cấ trê, rô phi, trắm cỏ. Đây là những giống cá rất dễ nuôi, khả năng thích ứng cao, nguồn thức ăn dễ kiếm.