Tác động của hạn hán đến nguồn thức ăn

Một phần của tài liệu Hoạt động thích ứng với hạn của người dân trong sản xuất nông nghiệp ở xã Trung Trạch và xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình pps (Trang 37 - 39)

Do đặc điểm của phương thức chăn nuôi ở đây là nhỏ lẻ, nguồn thức ăn phụ thuộc nhiều vào tự nhiên. Do đó, khi hạn hán xảy ra thì tác tộng của nó đến nguồn thức ăn của các vật nuôi là rất lớn. Kết quả phỏng vấn hộ cho thấy, hạn hán tác động đến nguồn thức ăn của hầu hết các loại vật nuôi. Biểu đồ dưới đây cho thấy, tác động của hạn hán tới nguồn thức ăn của một số vật nuôi được khảo sát tại điểm nghiên cứu.

Nhóm đối tượng vật nuôi được khảo sát bao gồm: trâu, bò, gà, vịt, lợn và cá. Đây là những vật nuôi chủ yếu ở địa phương. Theo kết quả khảo sát, phỏng vấn hộ cho thấy đây là nhóm vật nuội bị ảnh hưởng nhiều nhất của hạn hán đến nguồn thức ăn.

Biểu đồ 2: Quan điểm của người dân về tác động của hạn hán đến nguồn thức ăn chăn nuôi. (Tỷ lệ % số hộ cho rằng nguồn thức ăn bị giảm)

Qua biều đồ ta thấy, Trâu, Bò là nhóm vật nuôi bị ảnh hưởng nguồn thức ăn nhiều nhất do hạn hán. Khi hạn hán xảy ra, nhiệt độ cao và trời không mưa, các loài thực vật sinh trưởng kém, đặc biệt là cỏ tự nhiên càng cằn cỗi và khan hiếm hơn. Do vậy, làm cho nguồn thức ăn của chúng ngày càng khan hiếm hơn. Trâu, bò là động vật ăn cỏ, nguồn thức ăn chủ yếu phụ thuộc vào tự nhiên do đó hạn hán xảy ra thì sẽ bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng.

Vịt là động vật thủy cầm, chủ yếu kiến ăn ở những khu vực gần nguồn nước và trên mặt nước như ao, hồ, đầm, ruộng. Vì vậy tác động của hạn hán đến nguồn thức ăn là rất lớn, nguồn thức ăn ngày càng giảm do nguồn nước bị thu hẹp. Đây là vật nuôi nằm trong nhóm bị ảnh hưởng nguồn thức ăn lớn nhất do hạn hán.

Khi hạn hán xảy ra, việc thiếu thức ăn cho các loài vật nuôi là việc không thể tránh khỏi. Trong trường hợp này, việc bổ sung thêm thức ăn cho các loài vật nuôi là cần thiết nhằm đảm bảo quá trình sinh trưởng, phát triển của vật nuôi.

Đối với trâu, bò thì theo kết quả điều tra ở địa bàn nghiên cứu thức ăn bổ sung được sử dụng nhiều nhất là thân chuối cắt nhỏ trộn lẫn với cám gạo. Ngoài ra, đối với những nơi nếu không quá hạn, thì người ta bổ sung thêm cỏ tươi cắt ở những bờ ruộng. Tuy nhiên, lượng thức ăn này chỉ đủ cho chăn nuôi ở quy mô nhỏ và chỉ cung cấp được trong một khoảng thời gian ngắn.

Đối với lợn, thức ăn thay thế nhiều hơn. Lợn là động vật có phổ thức ăn rộng, do đó thức ăn bổ sung cho lợn cũng đa dạng hơn. Những thức ăn bổ sung thường sử dụng là: cám gạo, thân chuối xanh cắt nhỏ, rau khoai và thức ăn công nghiệp. Ưu điểm của thức ăn công nghiệp là không cần chế biến, vì thế giảm được chi phí lao động. Nhưng thực tế cũng cho thấy, thức ăn công nghiệp chỉ được sử dụng ở những hộ chăn nuôi theo mô hình trang trại với quy mô lớn từ 10 con trở lên mới sử dụng còn những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì thường không sử dụng do không có lãi. Nguồn thức ăn cho lợn được các hộ này sử dụng vẫn chủ yếu là rau khoai và tận dụng các phụ phế phẩm nông nghiệp khác.

Đối với cá, ngoài cỏ là nguồn thức ăn chính còn được bổ sung thêm những thức ăn tận dụng từ nguồn phụ phế phẩm nông nghiệp như lá chuối, cám gạo, thức ăn chế biến. Ngoài ra, thức ăn công nghiệp cũng là một nguồn bổ sung đóng vai trò quan trọng.

Một phần của tài liệu Hoạt động thích ứng với hạn của người dân trong sản xuất nông nghiệp ở xã Trung Trạch và xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình pps (Trang 37 - 39)