Hoạt động lập quy của Thủ tướng Chính phủ

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Quyền lập quy của Chính phủ Việt Nam trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền (Trang 40 - 44)

Chương 2 : Quyền lập quy của Chính phủ ở Việt Nam

2.1. Chủ thể tham gia thực hiện quyền lập quy của Chính phủ

2.1.3. Hoạt động lập quy của Thủ tướng Chính phủ

Theo quy định tại Điều 115 Hiến pháp 1992, Điều 21 Luật Tổ chức Chính phủ năm 1992, Điều 21 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001, Điều 15 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 1996 (sau đây gọi tắt là Luật năm 1996) thì Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định, chỉ thị. Các khoản 4 và 5 Điều 2 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 (sau đây gọi tắt là Luật năm 2008) quy định mỗi chủ thể chỉ ban hành một loại văn bản quy phạm pháp luật duy nhất là Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định.

Cũng như các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, quy định của pháp luật về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Thủ tướng Chính phủ từ năm 1992 đến nay đã được liên tục sửa đổi, bổ sung. Quy định của pháp luật hiện hành về quy trình xây dựng, ban hành quyết định của Thủ tướng Chính phủ; gồm 07 bước như sau:

Bước 1. Phân công cơ quan soạn thảo

Thủ tướng Chính phủ phân công cơ quan soạn thảo dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ [khoản 1 Điều 67 Luật năm 2008; khoản 1 Điều 31 Nghị định số 24/2009/NĐ-CP]. Việc phân công này thường được thể hiện bằng các văn bản chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng hoặc được đưa vào chương trình công tác tháng, quý của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bước 2. Thành lập tổ biên tập

Luật và Nghị định số 24/2009/NĐ-CP không quy định việc thành lập ban soạn thảo hoặc tổ biên tập để soạn thảo dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo phải mời đại diện Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan tham gia soạn thảo [khoản 4 Điều 31 Nghị định số 24/2009/NĐ-CP]. Như vậy, cơ quan soạn thảo có thể thành lập tổ biên tập có đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo và mời đại diện các cơ quan có liên quan tham gia soạn thảo.  Bước 3. Tổ chức soạn thảo

Cơ quan được giao chủ trì soạn thảo tổ chức tổng kết tình hình thi hành pháp luật; khảo sát, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội; nghiên cứu thông tin, tư liệu có liên quan đến nội dung của dự thảo; chuẩn bị đề cương, biên soạn và chỉnh lý dự thảo; tổ chức lấy ý kiến; chuẩn bị tờ trình và tài liệu có liên quan đến dự thảo [khoản 2 Điều 31 Nghị định số 24/2009/NĐ-CP].

Trong quá trình soạn thảo, cơ quan chủ trì soạn thảo có thể huy động sự tham gia của viện nghiên cứu, trường đại học, hô ̣i, hiệp hội, tổ chức khác có liên quan hoặc các chuyên gia, nhà khoa học có đủ điều kiện và năng lực vào việc tổng kết, đánh giá tình hình thi hành pháp luật; rà soát, đánh giá các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; khảo sát, điều tra xã hội học; đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan đến dự thảo; tập hợp, nghiên cứu so sánh tài liệu, điều ước quốc tế có liên quan đến dự thảo [khoản 3 Điều 31 Nghị định số 24/2009/NĐ-CP].

Bước 4. Lấy ý kiến

Cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản và của cơ quan, tổ chức, cá nhân; nêu rõ vấn đề cần lấy ý kiến phù hợp với từng đối tượng và địa chỉ tiếp nhận ý kiến; tổng hợp, tiếp thu, giải trình nội dung các ý kiến đóng góp [khoản 5 Điều 31 Nghị định số 24/2009/NĐ-CP].

Cơ quan chủ trì soạn thảo đăng tải toàn văn dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trên Trang thông tin điện tử của Chính phủ hoặc

của cơ quan soạn thảo trong thời gian ít nhất là sáu mươi ngày để cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia ý kiến. Tuỳ theo tính chất và nội dung của dự thảo, cơ quan soạn thảo gửi dự thảo lấy ý kiến của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan [khoản 2 Điều 67 Luật năm 2008].

Cơ quan chủ trì soạn thảo tổng hợp, tiếp thu, giải trình nội dung các ý kiến đóng góp [khoản 5 Điều 31 Nghị định số 24/2009/NĐ-CP] và chuẩn bị hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định.

Bước 5. Thẩm định

Hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định gồm các văn bản, tài liệu theo quy định tại khoản 2 Điều 43 Nghị định số 24/2009/NĐ-CP. Bộ Tư pháp tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ [Điều 44 Nghị định số 24/2009/NĐ-CP]. Bộ Tư pháp có trách nhiệm thẩm định dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; nội dung thẩm định theo quy định tại khoản 3 Điều 36 của Luật. Báo cáo thẩm định phải được gửi đến cơ quan soạn thảo chậm nhất là mười ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ gửi thẩm định [khoản 3 Điều 67 Luật năm 2008].

Bộ trưởng Bộ Công an thẩm định các dự thảo quyết định quy định danh mục bí mật độ Tuyệt mật và Tối mật của các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 33/2002/NĐ-CP ngày 28/3/2002 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước.

Cơ quan soạn thảo có trách nhiệm nghiên cứu ý kiến của cơ quan thẩm định, ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chỉnh lý dự thảo và báo cáo Thủ tướng Chính phủ [khoản 4 Điều 67 Luật năm 2008].

Bước 6. Trình Thủ tướng Chính phủ

Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ bao gồm các văn bản, tài liệu theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 24/2009/NĐ-CP.

Văn phòng Chính phủ kiểm tra hồ sơ dự thảo quyết định và việc tuân thủ quy trình xây dựng dự thảo. Trong thời hạn là bảy ngày làm việc,

kể từ khi nhận đủ hồ sơ dự thảo quyết định, Văn phòng Chính phủ hoàn chỉnh Phiếu trình giải quyết công việc, nêu rõ ý kiến thẩm tra của mình.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến về dự thảo quyết định, cơ quan chủ trì soạn thảo chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

Bước 7. Ban hành quyết định của Thủ tướng Chính phủ

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ khi Thủ tướng ký quyết định, Văn phòng Chính phủ tổ chức phát hành và công bố quyết định trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, trên Công báo, trừ các quyết định có nội dung thuộc bí mật nhà nước [Điều 78 Luật năm 2008; khoản 6 Điều 18 Quy chế làm việc của Chính phủ; khoản 1 Điều 8 Nghị định số 104/2004/NĐ-CP ngày 23/3/2004 của Chính phủ về Công báo nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam].

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ không đăng Công báo thì không có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quyết định có nội dung thuộc bí mật nhà nước và các trường hợp quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều 78 của Luật.

Trong thời hạn chậm nhất là hai ngày làm việc, kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành, quyết định phải được gửi đăng Công báo. Cơ quan Công báo có trách nhiệm đăng toàn văn quyết định của Thủ tướng Chính phủ trên Công báo chậm nhất là mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được quyết định.

Thời điểm có hiệu lực của quyết định của Thủ tướng Chính phủ được quy định trong quyết định nhưng không sớm hơn bốn mươi lăm ngày, kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành. Trường hợp quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định các biện pháp thi hành trong tình trạng khẩn cấp, quyết định được ban hành để kịp thời đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai, dịch bệnh thì có thể có hiệu lực kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành nhưng phải được đăng ngay trên Trang thông tin điện tử của cơ quan ban hành và phải được đưa tin trên phương tiện thông tin đại

chúng; đăng Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chậm nhất sau hai ngày làm việc, kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành [khoản 1 Điều 78 Luật năm 2008].

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Quyền lập quy của Chính phủ Việt Nam trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền (Trang 40 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)