Quyền sửa tội danh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quyền sửa bản án sơ thẩm của tòa án phúc thẩm theo bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 002 (Trang 36 - 39)

2.1. Quyền miễn trách nhiệm hình sự và sửa tội danh

2.1.2. Quyền sửa tội danh

2.1.2.1. Quyền áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nhẹ hơn

Trong giai đoạn phúc thẩm, nếu xét thấy bản án sơ thẩm áp dụng một điều khoản về tội nặng hơn đối với bị cáo, nhưng hành vi phạm tội của bị cáo đáng lẽ chỉ phải áp dụng điều khoản BLHS về tội nhẹ hơn, thì Tòa án cấp phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm. Áp dụng điều khoản BLHS về tội nhẹ hơn bao gồm hai trường hợp. Thứ nhất là chuyển từ áp dụng điều luật về tội danh nặng xuống tội danh khác nhẹ hơn, ví dụ: Bản án sơ thẩm tuyên bị cáo phạm tội “Giết người” theo Khoản 2 Điều 93 BLHS, cấp phúc thẩm sửa án tuyên bị cáo phạm tội “Giết người trong trại thái tinh thần bị kích động mạnh” theo Khoản 1 Điều 95 BLHS. Thứ hai là chuyển từ áp dụng khoản có khung hình phạt nặng xuống áp dụng khoản có khung nhẹ hơn trong cùng một điều luật. Ví dụ: Tòa án sơ thẩm tuyên bị cáo phạm tội “Trộm cắp tài sản” theo Điểm d Khoản 2 Điều 138 BLHS do bị cáo dùng thủ đoạn xảo quyệt. Tòa án cấp phúc thẩm xác định hành vi của bị cáo không phải dùng thủ đoạn xảo quyệt và sửa án sơ thẩm tuyên bị cáo phạm tội “Trộm cắp tài sản” theo Khoản 1 Điều 138 BLHS

Để xác định tội nặng hơn, tội nhẹ hơn, khoản có khung hình phạt nặng hơn và khoản có khung hình phạt nhẹ hơn phải căn cứ vào các yếu tố quy định tại Điều 8 BLHS gồm: tính chất nguy hiểm cho xã hội (ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng), mức độ nguy hiểm (gây nguy hại không lớn, gây nguy hại lớn, rất lớn và đặc biệt lớn) và mức cao nhất của chế tài áp dụng đối với tội phạm (đến ba năm, đến bảy năm, đến mười lăm năm, trên mười lăm năm, tù chung thân hoặc tử hình).

của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ ba “Xét xử sơ thẩm” của BLTTHS 2003, hướng dẫn về cách xác định mức độ nặng nhẹ của các tội phạm như sau:

Trước hết xem xét hình phạt chính đối với hai tội phạm, nếu tội nào điều luật có quy định loại hình phạt nặng nhất nặng hơn thì tội đó nặng hơn.

Trong trường hợp điều luật quy định loại hình phạt nặng nhất đối với cả hai tội là tù có thời hạn (không quy định hình phạt tử hình, hình phạt tù chung thân) thì tội nào, điều luật quy định mức hình phạt tù cao nhất đối với tội ấy cao hơn là tội đó nặng hơn.

Trong trường hợp điều luật quy định loại hình phạt nặng nhất đối với cả hai tội đều tử hình hoặc đều tù chung thân hoặc đều tù có thời hạn và mức hình phạt tù cao nhất đối với cả hai tội như nhau, thì tội nào điều luật quy định mức hình phạt tù khởi điểm cao hơn là tội đó nặng hơn.

Trong trường hợp điều luật quy định loại hình phạt nặng nhất đối với cả hai tội đều là tù có thời hạn và mức hình phạt tù khởi điểm, mức hình phạt tù cao nhất như nhau, thì tội nào điều luật còn quy định loại hình phạt chính khác nhẹ hơn (cải tạo không giam giữ, phạt tiền, cảnh cáo) thì tội đó nhẹ hơn. Nếu điều luật cùng quy định các loại hình phạt như nhau, nhưng có mức cao nhất, mức khởi điểm khác nhau thì việc xác định tội nặng hơn, tội nhẹ hơn được thực hiện tương tự như hướng dẫn tại các Điểm b.2 và b.3 tiểu mục 2.2 mục 2 Phần II của Nghị quyết này.

Trong trường hợp điều luật quy định các loại hình phạt chính đối với cả hai tội như nhau, thì tội nào điều luật còn quy định hình phạt bổ sung là tội đó nặng hơn. Nếu điều luật cùng quy định hình phạt bổ sung như nhau, nhưng đối với tội này thì hình phạt bổ sung là bắt buộc, còn đối với tội khác hình phạt bổ sung có thể áp dụng, thì tội nào điều luật quy định hình phạt bổ sung bắt buộc là tội đó nặng hơn [6].

Tòa án cấp phúc thẩm chỉ áp dụng quy định này khi vụ án đã được điều tra đầy đủ, không có sai phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng và Tòa án sơ thẩm sai sót do nhận định không đúng tính chất và mức độ hành vi, chưa xác định đúng động cơ mục đích phạm tội hoặc sai lầm trong nhận thức về các tình tiết định khung. Việc áp dụng điều khoản về tội nhẹ hơn thường bao gồm cả việc thêm hoặc bớt một số tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng tại Điều 46 và 48 BLHS. Và khi đã tuyên bố bị cáo phạm một tội nhẹ hơn thì thông thường sẽ kèm theo việc giảm hình phạt cho bị cáo hoặc chuyển sang hình phạt khác nhẹ hơn. Trong vụ án có đồng phạm thì quy định này có thể được áp dụng cho cả bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo kháng nghị.

2.1.2.2. Quyền áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nặng hơn

Ngược lại với việc áp dụng điều khoản BLHS về tội nhẹ hơn, khi Viện kiểm sát kháng nghị hoặc người bị hại kháng cáo có yêu cầu, thì căn cứ vào Khoản 3 Điều 249 BLTTHS quy định Tòa án cấp phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm áp dụng điều khoản BLHS về tội nặng hơn.

Áp dụng điều khoản BLHS về tội nặng hơn bao gồm hai trường hợp. Thứ nhất là chuyển từ áp dụng điều luật về tội danh nhẹ hơn sang áp dụng điều luật về tội danh nặng hơn trong giới hạn truy tố của Viện kiểm sát. Thứ hai là chuyển từ áp dụng khoản có hình phạt nhẹ sang áp dụng khoản có hình phạt nặng hơn trong cùng một điều luật.

Khi áp dụng quy định BLHS về tội nhẹ hơn, Tòa án cấp phúc thẩm không bị hạn chế việc sửa bản án sơ thẩm từ tội danh nặng thành tội danh nhẹ bởi nội dung này phù hợp với Điều 196 BLTTHS quy định về giới hạn của việc xét xử là: “Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố”. Tương tự như vậy, khi sửa án sơ thẩm bằng hình thức áp dụng điều khoản BLHS về tội nặng hơn,

việc sửa tội danh từ tội danh nhẹ sang tội danh nặng hơn theo chúng tôi cũng phải nằm trong giới hạn Viện kiểm sát truy tố. Tòa án cấp phúc thẩm không được phép sửa bản án sơ thẩm chuyển từ tội danh nhẹ sang tội danh khác nặng hơn vượt quá phạm vi của bản cáo trạng đã truy tố bị cáo, bởi lẽ như vậy là vi phạm nguyên tắc đã được quy định tại Điều 196 BLTTHS, hơn nữa việc này còn làm mất quyền kháng cáo của bị cáo đối với tội danh mới nặng hơn, vi phạm nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo đối với những quyết định bất lợi hơn. Ví dụ: Tại cấp sơ thẩm, cáo trạng của Viện kiểm sát truy tố bị cáo tội “Giết người” theo Điều 93 BLHS, Tòa án cấp sơ thẩm xử bị cáo tội “Cố ý gây thương tích” dẫn đến hậu quả chết người theo Khoản 4 Điều 104 BLHS. Viện kiểm sát kháng nghị đề nghị tuyên bố bị cáo phạm tội “Giết người”, Tòa án cấp phúc thẩm vẫn có thể sửa án tuyên bị cáo phạm tội “Giết người” theo Điều 93 BLHS.

Tuy nhiên thực tiễn xét xử phúc thẩm cho thấy trong một số trường hợp có kháng nghị của Viện kiểm sát cấp trên hoặc của người bị hại theo hướng xử phạt tội danh khác nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố và Tòa án cấp sơ thẩm đã kết án, thì Tòa án cấp phúc thẩm vẫn xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố và Tòa án cấp sơ thẩm đã kết án. Theo chúng tôi đây là sự vi phạm quy định về giới hạn xét xử.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quyền sửa bản án sơ thẩm của tòa án phúc thẩm theo bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 002 (Trang 36 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)