6. Cấu trúc của luận án
3.6. Mộc bản Trường Lưu
3.6.2. Mộc bản Trường Lưu được cấu thành bởi nhiều thành tố văn hóa và có giá trị
hóa và có giá trị tổng hợp
Cấu thành nên Mộc bản Trường Lưu - một loại “sách” đặc biệt gồm nhiều thành tố: bản gỗ (mộc bản) để khắc chữ, người khắc chữ (phải là những người
“bút pháp đã tinh”, thực sự như những nghệ sĩ tài hoa), nội dung của chữ (tức các loại tri thức). Các loại tri thức được khắc lên các bản gỗ thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau: văn hóa, giáo dục, lịch sử, văn học, địa lý, v.v... “Ấn phẩm” được tạo ra từ Mộc bản Trường Lưu là những tác phẩm mang tính tổng hợp cao, phần nào đó có thể xem như là những tác phẩm ngôn từ mang tính “nguyên hợp” (“văn - sử - triết,... bất phân”) của văn học thời trung đại. Qua những tài liệu đặc biệt này mà các tác giả dòng văn Trường Lưu đã đào tạo nên nhiều nhân tài cho quê hương, đất nước. Cũng từ những tài liệu đặc biệt này mà các mối liên hệ văn hóa - văn học được hình thành. Kẻ sĩ/ trí thức từ nhiều vùng miền từng tìm đến Trường Lưu (hoặc gián tiếp qua tài liệu của Mộc bản Trường Lưu) mà có các buổi giao lưu, trao đổi, đàm đạo văn chương...
Bùi Dương Lịch trong Nghệ An ký cho biết, Mộc bản Trường học Phúc
Giang và Thư viện Phúc Giang đã góp phần đào tạo hơn 30 Tiến sĩ và rất nhiều
Hương cống, Cử nhân. Sách Đại Nam nhất thống chí cũng nêu rõ: “Ông (chỉ Nguyễn Huy Oánh) có dựng một lầu để sách, có vài vạn quyển, dạy học tới vài nghìn người. Trong số học trò cùng đỗ một triều đến 30 người; còn hạng ra làm Tri châu, Tri huyện thì không kể xiết” [140; 755]. Nguyễn Huệ Chi nhận xét: “vị Thám hoa uyên bác trong dòng họ Nguyễn Huy, sau bao năm lăn lộn trong trường văn trận bút kinh đô và các tỉnh, trấn, đã biết trở về xây dựng một trung tâm học vấn ở làng quê mình theo các chuẩn mực cao nhất của văn hóa kinh đô. Ông biết cách thu hút tinh hoa văn hóa Thăng Long về Nghệ - Tĩnh và làm cho các tinh hoa ấy được nhân lên. Không những thế, phần nào trường học của ông còn tiếp thu được cả những phương pháp tốt nhất trong sách vở Trung Quốc và trong quá trình giao lưu trực tiếp với các danh sĩ Trung Hoa” [17; 743]. Ninh Viết Giao đánh giá: "Thư viện (Phúc Giang) này không chỉ là nơi tàng trữ hàng ngàn pho sách để cho con em trong họ Nguyễn Huy, trong làng Trường Lưu đọc, học, tham khảo, nghiên cứu mà còn là nơi thẩm định kiến văn, khắc in bản gỗ những tài liệu có giá trị đương thời, những sách do các danh nho, danh y trong họ Nguyễn Huy soạn ra; là nơi gặp gỡ các danh sĩ trong vùng để đàm đạo, bình luận, xướng họa thơ phú văn chương thưởng thức "Liên Trì nguyệt sắc", "Nguyễn trang hoa mỹ", tóm lại là nơi "giáo dục đúc người hiền, nuôi nấng anh tài mẫu mực" [209; 73].
Các “ấn phẩm”, tác phẩm được tạo ra từ Mộc bản Trường học Phúc
Giang thực ra chủ yếu là những học liệu dùng để phục vụ giảng dạy, giáo dục khoa cử Nho học, nhưng lại mang giá trị văn hóa có tính tổng hợp cao. Không ít tác phẩm đáng được xem như là những tư liệu gốc để nghiên cứu về quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa giữa Việt Nam và Trung Hoa, là khối tư liệu quan trọng minh chứng cho giai đoạn hoạt động văn hóa giáo dục của một dòng họ trong lịch sử mà ngày nay không còn tồn tại. Đặc biệt, Mộc bản Trường học
Phúc Giang còn là minh chứng cho tinh thần tiên phong sáng tạo, ý thức giáo
dục, gìn giữ và trao truyền tri thức rất lớn của dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu. Có thể thấy, từ thế kỷ XVIII và cả trước đó nữa, đã có khá nhiều nơi trong cả nước tổ chức chế tác, in sách bằng mộc bản nhưng hầu hết các mộc bản này đều thuộc các cơ sở tôn giáo như ở chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà (Bắc Ninh), chùa Quài (Thái Bình), chùa Vạn Đức, Chúc Thánh (Quảng Nam), cung đình Huế (Mộc bản triều Nguyễn)... Chỉ có dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu là tổ chức khắc in mộc bản để phục vụ giảng dạy, giáo dục khoa cử. Có cơ sở để xem
Mộc bản Trường Lưu là khối mộc bản duy nhất, cổ nhất về giáo dục của một
dòng họ còn lưu giữ được ở Việt Nam. Bản thân mỗi tấm mộc bản đã là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, không có bản sao thứ hai.
Giá trị của Mộc bản Trường Lưu mang tính “nguyên hợp”, tổng hợp bởi có sự tham gia của nhiều thành tố: văn hóa, lịch sử, văn học, giáo dục, mỹ thuật, kỹ thuật, “công nghệ”,...
Dòng văn Trường Lưu là dòng văn do các tác giả của dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu (Can Lộc, Hà Tĩnh) - một dòng họ cao khoa hiển hoạn, có nhiều người thuộc nhiều thế hệ liên tục đỗ đạt cao, tạo nên. Các tác giả của dòng văn Trường Lưu đều có tư cách của những nhân vật lịch sử, những danh nhân văn hóa có uy tín. Họ thực sự là những trí thức/ kẻ sĩ có nhân cách, trí tuệ, tâm hồn lớn, có đóng góp xuất sắc cho lịch sử văn hóa, văn học dân tộc nói chung, cho một vùng quê đặc thù nói riêng. Khối lượng tác phẩm mà họ để lại thực sự bề thế, phong phú, đa dạng thuộc nhiều lĩnh vực và loại hình khác nhau (văn hóa, giáo dục, văn học, lịch sử, ngoại giao…). Bên cạnh những tác phẩm mang tính tổng hợp, nguyên hợp (cũng là một đặc điểm chung của loại hình văn học trung đại), có không ít tác phẩm “thuần văn học” giữ vai trò và vị trí quan trọng trong
lịch sử văn học dân tộc. Hoàn toàn có cơ sở khi xem dòng văn Trường Lưu là “một dòng văn quý phái, bác học, thể hiện qua truyền thống của một dòng họ nhà quan có học. Các tác giả của dòng họ đều mang phong cách của những bậc văn nhân có trí thức, có tâm hồn, có ý thức bảo tồn, lưu giữ văn hóa cao”; là một dòng văn “đa dạng, phong phú, có tác gia và tác phẩm lớn, thể hiện qua số lượng tác phẩm nhiều, thể loại, đề tài văn học đa dạng, đặc biệt là tác phẩm Hoa tiên
của Nguyễn Huy Tự, được coi là một trong những đỉnh cao của văn học trung đại nước nhà”; là một dòng văn “văn chương đậm chất trữ tình, lãng mạn, trong đó cảm hứng rõ nét nhất là cảm hứng về tình yêu đôi lứa”; là một dòng văn “có công lớn trong việc phát triển thể lục bát và thể loại truyện thơ Nôm” (Trần Thị Băng Thanh và Lại Văn Hùng ) [165; 159].
Tiểu kết chương 3
Trong khối di sản văn học của dòng văn Trường Lưu, bên cạnh những tác phẩm thuần văn học, có những tác phẩm còn mang tính nguyên hợp hoặc còn có sự tổng hợp, gắn kết giữa nhiều loại hình (văn hóa – văn học, giáo dục – văn học, đồ họa – văn học,…). Nhìn chung các tác phẩm đều được sáng tạo, khởi nguồn từ ý thức sâu sắc và cảm hứng dào dạt về truyền thống văn hóa quê hương xứ sở, về con người và cuộc đời, đều mang tư tưởng nhân văn sâu sắc và tính trữ tình, lãng mạn độc đáo.
Phụng sứ Yên Đài tổng ca và Hoàng hoa sứ trình đồ của Nguyễn Huy
Oánh là bằng chứng sinh động cho việc đưa thể loại thuần Việt (lục bát) vào sáng tác chữ Hán và ý thức kiến tạo bản lĩnh, bản sắc dân tộc trong các mối quan hệ bang giao. Hoa tiên của Nguyễn Huy Tự và Mai đình mộng ký của Nguyễn Huy Hổ góp phần quan trọng tiếp tục đưa truyện Nôm – lục bát (hiện tượng cộng sinh hai thể loại thuần Việt: lục bát và truyện Nôm) phát triển theo hướng nhân văn chủ nghĩa, vừa trữ tình lãng mạn vừa gắn với hiện thực, và kết tinh thành tựu ở kiệt tác Truyện Kiều (Nguyễn Du) – đỉnh cao của dòng truyện Nôm tài tử - giai nhân...
Chung Sơn di thảo và Nguyễn Thị gia tàng (Nguyễn Huy Vinh) đều là
những tác phẩm văn học có vai trò, vị trí quan trọng, rất đáng kể không chỉ trong lịch sử dòng văn Trường Lưu và sự hình thành văn phái Hồng Sơn mà còn cả
trong lịch sử văn học dân tộc. Ở đây, ngoài sự thể hiện chân thực, sinh động những chứng tích về di sản văn hóa của một dòng họ, dòng văn, còn hàm chứa nhiều tác phẩm thơ ca của các danh sĩ đương thời, là một nguồn tư liệu quý về mối quan hệ văn hóa, văn học của các tác giả trong và ngoài dòng văn Trường Lưu, nhất là mối quan hệ giữa hai dòng văn họ Nguyễn (Trường Lưu và Tiên Điền) hình thành nên Văn phái Hồng Sơn.
Mộc bản Trường Lưu (Mộc bản Trường học Phúc Giang) là một loại
“sách” đặc biệt do nhiều thế hệ tác giả dòng văn Trường Lưu tạo lập, được cấu thành bởi nhiều thành tố văn hóa và có giá trị tổng hợp, là một loại tư liệu độc đáo, hàm chứa các thông tin quý giá về nhiều lĩnh vực (văn hóa, lịch sử, địa lý, chính trị, quan hệ bang giao, hội họa, thơ ca,...).
Do những đặc điểm trên, chỉ có thể nhìn dòng văn Trường Lưu từ góc nhìn văn hóa mới thấy hết giá trị mà bao trùm nhất là giá trị văn hóa của khối di sản văn học mang tính đặc thù độc đáo này (Khái niệm Giá trị văn hóa một mặt vừa bao hàm giá trị văn học, mặt khác có nội hàm và biên độ rộng hơn – vấn đề sẽ được trình bày ở chương tiếp theo của luận án: Giá trị văn hóa của di sản văn
Chương 4
GIÁ TRỊ VĂN HÓA CỦA DI SẢN VĂN HỌC
DÒNG VĂN TRƯỜNG LƯU VÀ HƯỚNG TIẾP CẬN, KHAI THÁC
4.1. Giá trị văn hóa của di sản văn học dòng văn Trường Lưu
4.1.1. Tư tưởng đề cao “đạo học”, tìm cách đưa con người đến với đạo học
Khái niệm “đạo học” được dùng ở đây, một mặt chúng tôi rút từ “diễn ngôn” của các tác giả dòng văn Trường Lưu, mặt khác là khái quát của chúng tôi về một tư tưởng nổi trội toát ra từ di sản văn hóa, văn học của dòng văn Trường Lưu. Nhiều nhà nho Việt Nam đã từng dùng đến khái niệm đạo học. Ngay như Trần Tế Xương – một nhà nho thất thế, cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, khi chứng kiến cảnh khoa cử và trường thi cũng như nền học vấn nước nhà buổi suy tàn, đã phải chua chát thốt lên: “Đạo học ngày nay đã chán rồi/ Mười người đi học, chín người thôi/ Cô hàng bán sách lim dim ngủ. Thầy khóa tư lương nhấp nhổm ngồi”... Nho giáo, nhất là Tống Nho cũng có khái niệm “đạo học” chỉ học vấn tính lý,... Khái niệm “đạo học” qua các trước tác và sáng tác của các tác giả dòng văn Trường Lưu mang nội dung chân chính, nghiêm túc, tiến bộ, chỉ việc học hành và học vấn mà con người cần phải vươn tới.
Trong bài viết “Biện chứng của các giá trị văn hóa từ di sản văn học dòng
văn Trường Lưu”, Biện Minh Điền xác định: “Bao quát di sản văn học của dòng
văn Nguyễn Huy, thấy có một tư tưởng thống nhất, xuyên suốt, đấy là tư tưởng
sống và ứng xử theo yêu cầu, chuẩn mực của “đạo” ( 予 ) - một phạm trù thẩm mỹ trung tâm với ba nội dung cơ bản: đạo học (予予), đạo nhân (予 予), và việc thực thi các “đạo” ấy - Hành đạo ( 予 予 ). Đạo ở đây cần được hiểu như một quan niệm mang tính tổng hợp về triết lý sống và ứng xử mà các tác giả dòng văn Nguyễn Huy kiên trì, liên tục xây dựng. Không phải ngẫu nhiên mà khái niệm này xuất hiện với tần số cao, không chỉ ở bề mặt chữ dùng, mà còn - và đặc biệt là ở chiều sâu suy cảm của liên tục nhiều thế hệ tác giả. Tham gia cấu thành nên phạm trù đạo ấy, dĩ nhiên có đạo lý, đạo học Nho giáo; có đạo lý, đạo học truyền thống dân tộc,... Các tác giả dòng văn Nguyễn Huy đã có những nỗ lực lớn trong chuyển tải, “bản địa hóa” và ứng dụng vào đạo học, đạo lý sống của một dòng họ - một dòng họ có truyền thống khoa bảng hiếm có, luôn biết
gắn kết với cộng đồng, luôn biết hướng về nghĩa lớn của sơn hà xã tắc. Tất cả cũng nhằm để dụng thế, giúp đời” [35; 117].
Cũng theo Biện Minh Điền: Nguyễn Khản đã rất có cơ sở khi chia sẻ với Nguyễn Huy Oánh: Đường đường bản thể Đạo La San/ 予 予 予 予 予 予 予 (Cái Đạo ở La San quả có gốc rễ bề thế, vững vàng – Họa Nguyễn Huy Oánh thi). Đấy là cái đạo lớn như xác định của người trong cuộc (Nguyễn Huy Oánh): Đạo cộng
giang lưu cổn cổn trường (Đạo lớn như dòng sông cuồn cuộn chảy mãi - Phụng sứ Yên đài tổng ca, bài thơ luật Đề thư viện).
Biểu hiện cụ thể của cái bản thể Đạo La San ấy, trước hết là đạo học. Nói đến đạo học cũng có nghĩa là nói đến Đổng công, là nói đến Minh Đạo theo cả “nghĩa đen” và “nghĩa bóng” (đạo sáng); và ngược lại, nói đến những cái tên đẹp ấy cũng có nghĩa là nói đến đạo học. Nguyễn Huy Oánh nói nhiều đến Đổng công (Thiên tàm cương đáo Đổng gia công/ Riêng thẹn là vừa mới đến nhà ông Đổng), đặc biệt là Minh Đạo (Tọa ôn Minh Đạo Quế Giang xuân/ Chỗ ngồi ấm áp bởi mùa xuân trên sông Quế Giang của Minh Đạo), coi đó như những biểu trưng sinh động, vừa mang tính lý tưởng, gợi khát vọng phấn đấu, vươn lên, vừa mang tính thực tiễn, khả dụng của đạo học.
Cảm hứng - triết luận của Nguyễn Huy Oánh khi qua miếu Trọng Phu tử - bậc “can thành chí thánh” có sức khái quát lớn triết lý sống ấy:
Bậc kiêm nhân không phải bàn luận, khí tượng hiên ngang, Bẩm chất hàm chứa ánh sáng tự nhiên nên đạo đức ngời ngời.
...
Lên giảng đường khơi mở những điều cao sâu nghìn năm của đạo học, Khắc vào đỉnh vạc làm gương sáng cho đời, vạn tuế ngát hương/ Bồi đắp cho nền tư văn, ý trời thâm hậu...
(Phụng sứ Yên đài tổng ca)
Tư tưởng tôn trọng, đề cao đạo học khiến các tác giả dòng văn Nguyễn Huy nỗ lực không biết mệt mỏi trong thực thi đạo học: soạn sách; lập trường học, mở thư viện; đào tạo nhân tài (“Hàng chục thế hệ nhà giáo tận tụy, góp công sức vào việc “trồng người”).
Đạo học cung cấp vốn văn hóa, vốn tri thức và cách thức ứng xử cho muôn người, tùy theo chức năng và phận vị của từng đối tượng, từ bậc đế vương
cho đến tầng lớp kẻ sĩ và thần dân. Sự lựa chọn hướng ứng xử trước các bài toán của đời sống tùy theo khả năng, bản lĩnh của của từng đối tượng, nhưng tất cả phải trên cơ sở của nền tảng đạo học. “Bất học, bất tri lý” vẫn là mệnh đề đúng cho muôn đời.
Với bậc đế vương, phương châm trị đời, theo các tác giả dòng văn Nguyễn Huy: “Dùng binh là việc bất đắc dĩ, chế ngự cõi man hoang là công
việc của đời trị... lấy đạo để cảm hoá...” (Nguyễn Huy Oánh, Tán lí Tuyên Hưng đạo điều trần thượng biên sự khải, Thạc Đình di cảo). Bậc đế vương muốn trung
hưng sự nghiệp phải lo hai việc lớn: “cứu nạn ở trong nước” và “chống giặc từ bên ngoài”. Vai trò của hoàng đế trong hành đạo là “giữ giềng mối của trời, trải
non sông mà hỏi việc, khảo lời, bên phò bên giúp, chẳng quên nghiệp lớn ông
cha; thăm xét các miền và hỏi han phong tục, quan sát dân tình;... miễn thuế khoá, trọng nghề nông; hợp “Lục phủ” (gồm: Ngũ hành/ Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ và Cốc/ lương thực); sửa sang, sắp đặt “Ngũ lễ” (Cát lễ, Gia lễ, Tân lễ, Quân lễ, Hung lễ); tỏ bày “Ngũ giáo” (tức ngũ thường: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín);
tuân theo “Ngũ hình” (năm hình thức xử người phạm tội); ban bố cái đức rộng khắp; thăng người tài, chiếu cố người giỏi; gần “Lục hạnh” (Hiếu, Hữu, Mục,
Nhân, Nhâm, Tuất) để tuyên dương; mở rộng Tứ môn (bốn cửa); mắt nhìn suốt
bốn phương, tai nghe suốt bốn cõi, gieo tiếng thơm muôn nghìn năm. Năm thiếu
đói thì ban Ngũ phúc khắp thứ dân”... (Nguyễn Huy Oánh, bài Luận về sự
nghiệp trung hưng, Thạc Đình di cảo).