6. Cấu trúc của luận án
2.1. hình Sự thành dòng văn Trường Lưu
2.1.1. Giới thuyết một số khái niệm liên quan
Trước hết, cần nói đến khái niệm “dòng văn”. Khái niệm “dòng văn”,
trong đời sống xã hội, thường được dùng để phân biệt với các khái niệm khác như dòng nhạc, dòng hội họa, dòng thơ thiền, dòng thơ ca cách mạng,… (chữ/ từ “dòng” trong tiếng Việt chỉ “chuỗi sự vật, hiện tượng đang chuyển động hoặc đang xẩy ra nối tiếp nhau”) [188; 269].
Khái niệm “dòng văn” từng được sử dụng nhằm chỉ sáng tác văn chương của một gia tộc hay dòng họ ở nước ta thời trung đại, được hiểu như là cách dịch nôm từ khái niệm “văn phái” - cũng xuất hiện từ thời trung đại ở Việt Nam. Khái niệm "dòng văn" hay "văn phái" mà chúng tôi dùng trong luận án này, áp dụng cho trường hợp dòng văn Nguyễn Huy Trường Lưu hay dòng văn họ Nguyễn Tiên Điền, “Văn phái Ngô gia” hay “Văn phái Hồng Sơn” khác với các khái niệm “dòng văn học”, “lưu phái văn học”, “trường phái văn học”, “trào lưu văn học” trong hệ thống thuật ngữ nghiên cứu văn học hiện đại.
Khái niệm dòng văn (hay dòng văn học/ văn chương) được dùng ở đây với nghĩa chỉ dòng chảy văn học được kế thừa, tiếp nối bởi các thế hệ tác giả trong một dòng họ (ở đây là dòng họ Nguyễn Huy ở làng Trường Lưu) - những người cùng chung huyết thống (ông, cha, con, cháu, anh em ruột, anh em họ,…), cùng tuân thủ những quy định về “gia pháp”, “gia phong”, cùng có chung quan điểm sáng tác, quan niệm thẩm mỹ và các nguyên tắc trước tác, sáng tác khác,… Trong công trình Tìm hiểu quan niệm và sự hình thành dòng văn trong
văn học Việt Nam, Trần Thị Băng Thanh và Lại Văn Hùng cho rằng: "Dòng văn
là thuộc về một dòng họ văn chương. Nó có cơ sở và sự gợi ý xa gần từ các xã, thi xã, tao đàn, nhóm văn, văn phái. Đó là sự tập trung lực lượng sáng tác trong một tộc họ, trải từ thế hệ này sang thế hệ khác và có những đặc điểm chung nhất định về quan niệm thẩm mỹ, phong cách sáng tác, thể loại văn học…" [165; 13]. Cũng theo Trần Thị Băng Thanh thì có 3 tiêu chí để nhận diện dòng văn, đó là "1/ Là thành tựu trước tác của một dòng họ; 2/ Có sự truyền nối trong nhiều (ít
ra là vài ba) thế hệ tác giả; 3/ Tạo được những đặc điểm chung về quan niệm, phong cách và hứng thú thể loại" [166; 17].
Cùng chung quan điểm trên, Võ Hồng Hải phát triển thêm: "Từ một dòng họ văn hóa để được khẳng định là một dòng họ văn học (hiểu theo khái niệm "dòng văn" - văn nghiệp của một dòng họ) lại cần phải có thêm những tiền đề khác nữa. Ví như vấn đề thi cử và nền nếp Nho phong; rồi trường học, có thầy dạy, có hệ thống giáo dục, có tàng thư và đặc biệt nhất là phải có một đội ngũ đông đảo các tác giả cha truyền con nối - "các đời trước tạo nguồn, mở lối cho đời sau; đời sau lại có ý thức tập hợp, bảo tồn, lưu giữ di sản của đời trước và tạo ra các tác phẩm mới" [73; 14]. Quan điểm này là hoàn toàn xác đáng đối với các dòng văn Việt Nam nói chung, dòng văn Trường Lưu nói riêng.
Có liên quan đến khái niệm "dòng văn" là khái niệm "vùng văn học". Đây
là một khái niệm dùng để chỉ vị trí địa lý mà một dòng văn/ văn phái/ chi phái… hiện hiện trong đó. Vùng văn học cũng có thể để chỉ văn học của một địa phương, vùng miền như "văn học Kinh Bắc", "văn học Tây Nguyên", "văn học Nam Bộ", "văn học vùng bị tạm chiếm", “dòng văn Phan Huy - Chi phái Sài Sơn”… Hiện nay chưa có một khái niệm cụ thể về "vùng văn học" mà chỉ dựa vào từng vấn đề nghiên cứu cụ thể để xác định "vùng văn học" mà thôi.
Khái niệm “văn phái” cũng đã từng xuất hiện trong văn học Việt Nam
trung đại. Theo Biện Minh Điền, “… phải từ giữa thế kỷ XVIII trở đi, vấn đề tác giả (bao hàm cả nhà thơ, nhà văn, nhà trước thuật), từ tên gọi đến ý thức cá tính, phẩm chất, học vấn, tài năng, bản lĩnh,... mới thực sự được bàn luận sôi nổi, sâu sắc. Đến đây, các khái niệm nhà thơ/ nhà văn/ nhà trước tác; tác giả/ tác gia/ đại
tác gia; thi phái/ văn phái,... đã được khu biệt, từng khái niệm có nội dung
riêng”…; “Cũng phải đến cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX, mới xuất hiện khái niệm “văn phái”, và trong thực tiễn sáng tác cũng đã hình thành các “văn phái” (“Văn phái Ngô gia”, “Văn phái Hồng Sơn”),... Về hai chữ “văn phái”, Ngô Thì Trí giới thuyết: “Phàm gọi tên là văn phái là để chỉ cái ơn của Thi, Thư cuồn cuộn như nước chảy không cùng”. Phan Huy Ích từ phân biệt “gia” và “phái”, đi đến xác định nghĩa của “văn phái”: “gọi là văn phái phải cùng hợp ý mọi người, không phải chỉ riêng một nhà mình” (Ngô gia văn phái tự) [34; 4].
Trần Thị Băng Thanh cho biết: “Trong lịch sử văn học Việt Nam, trước khi xuất hiện bộ Ngô gia văn phái, chưa thấy hai chữ “văn phái” được sử dụng như một thuật ngữ văn học”. Trần Thị Băng Thanh nêu cụ thể: “Phan Huy ích đã nhấn mạnh đến tính nhất quán trong các tác gia của văn phái. Nhưng xét cho kỹ thì ông cũng như Ngô Thì Trí vẫn chưa hề nghĩ đến một nhóm hay một tập hợp các nhà văn có một khuynh hướng tư tưởng nhất quán hoặc cùng một phong cách, một phương pháp sáng tác, hoặc cao hơn còn có cả tổ chức, tuyên ngôn như khái niệm văn đoàn, văn phái sau này. Các ông vẫn giữ quan niệm truyền thống của Nho gia. Văn phái chỉ là những người có học hành, có tài năng viết sách, bất kể là sách gì, thuộc các thế hệ nối tiếp của cùng một dòng họ... Còn khuynh hướng tư tưởng của các nhà văn ấy có khác nhau hay không thì không quan trọng” [164; 10 - 17].
Năm 1943, khi tìm hiểu, nghiên cứu về một số tác phẩm văn học nổi tiếng của các tác giả thuộc hai dòng họ khác nhau dưới chân núi Hồng - vùng núi Hồng sông La, sông Lam (dòng họ Nguyễn làng Tiên Điền - Nghi Xuân và dòng họ Nguyễn Huy làng Trường Lưu - Can Lộc), Hoàng Xuân Hãn có đưa ra khái niệm Hồng Sơn văn phái. Có thể thấy, khi đề xuất khái niệm Hồng Sơn văn
phái, một mặt Hoàng Xuân Hãn có liên hệ, đối sánh với khái niệm Ngô gia văn phái (chỉ các tác giả cùng một dòng họ), mặt khác có sự mở rộng khái niệm
“văn phái” (chỉ tập hợp các tác giả có thể không cùng một dòng họ, nhưng chung không gian địa lý, cùng thời đại và có nhiều điểm tương đồng, gặp gỡ).
Đề xuất của Hoàng Xuân Hãn là hoàn toàn có cơ sở và hầu như được giới nghiên cứu rất đồng thuận. Có thể nói đây là một hướng nghiên cứu có nhiều triển vọng. Với tinh thần ấy, chúng tôi xem Hồng Sơn văn phái như là sự hợp lưu, cấu thành bởi hai dòng văn nổi trội thế kỷ XVIII - XIX: dòng văn Nguyễn Huy Trường Lưu và dòng văn họ Nguyễn Tiên Điền. Hai dòng văn nổi trội này (có thể còn có những dòng văn khác?) lại có nhiều mối quan hệ gắn bó, liên thuộc với nhau.
Dòng văn Trường Lưu là một dòng văn học lớn, được duy trì, kế tiếp bởi nhiều thế hệ. Với những tác giả tiêu biểu như Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Quýnh, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ, Nguyễn Huy Vinh… trong bối cảnh phồn thịnh của nền văn học dân tộc ở một chặng đường mang tính bước ngoặt - cuối thời trung đại, dòng văn Trường Lưu thực sự mang những nét đặc thù riêng.
Đã đến lúc các dữ kiện cho phép, và yêu cầu tìm hiểu, nghiên cứu dòng văn này đặt ra một cách nghiêm túc, bức thiết.