Sự hợp lưu của hai dòng văn và vấn đề tên gọi Văn phái Hồng Sơn

Một phần của tài liệu Di sản văn học của dòng văn Trường Lưu (Hà Tĩnh) từ góc nhìn văn hóa. (Trang 81 - 84)

6. Cấu trúc của luận án

2.3.4. Sự hợp lưu của hai dòng văn và vấn đề tên gọi Văn phái Hồng Sơn

Văn phái Hồng Sơn là khái niệm được Hoàng Xuân Hãn dùng đầu tiên trong lời giới thiệu về Mai đình mộng ký, in trên Tạp chí Thanh Nghị năm 1943, trong đó ông khẳng định Văn phái Hồng Sơn đã từng tồn tại trong nền văn học dân tộc. Ông viết: “Nay đọc Mai đình mộng ký ta thấy từ cách dùng chữ đến cách đặt câu đều giống như trong Hoa tiên và Kiều, ta phải coi ba áng văn ấy là của một phái, một nhà, truyền từ người nọ đến người kia, của Hồng Sơn văn phái" [109; 198, 199).

Văn phái Hồng Sơn mà Hoàng Xuân Hãn đề cập đến ở đây bắt nguồn từ dòng văn của các tác giả - như đã nêu ở trước - thuộc dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu, huyện Can Lộc và dòng họ Nguyễn ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân. Cả hai dòng họ này đều sinh sống dưới chân núi Hồng Lĩnh, vừa có mối quan hệ thông gia gần gũi, thân thiết, vừa có nhiều người đỗ đạt, làm quan, có nhiều đóng góp cho lịch sử văn hóa, văn học dân tộc, nhiều người để lại sáng tác. Cùng với một số tác giả khác của vùng đất Can Lộc và các địa phương lân cận như Thạch Hà, Đức Thọ,... hai dòng văn trụ cột trên đây đã tạo nên một một văn phái rực rỡ trong văn học Việt Nam lúc bấy giờ. Hoàn toàn có cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn để xác định có một Văn phái Hồng Sơn (gọi theo kết cấu Hán ngữ như cách gọi của Hoàng Xuân Hãn là Hồng Sơn văn phái).

Với số lượng tác giả, tác phẩm đông đảo, Văn phái Hồng Sơn đã đóng góp nhiều thành tựu to lớn cho sự phát triển của văn hóa, văn học nước nhà. Di sản văn hóa, văn học của cả hai dòng văn trụ cột trong Văn phái Hồng Sơn luôn là đề tài hấp dẫn, thú vị, thu hút giới nghiên cứu trong và ngoài nước tìm hiểu, khám phá. Quá trình sáng tạo văn chương, ảnh hưởng giữa các cá nhân của hai dòng họ đã góp phần tạo nên nhiều tác phẩm đặc sắc, trong đó có Hoa tiên - tác phẩm được coi là đặt dấu mốc mở đầu; Truyện Kiều là kiệt tác, đỉnh cao của thể loại truyện Nôm bác học, dòng truyện Nôm tài tử giai nhân...

Văn phái Hồng Sơn có điểm khác với Văn phái Ngô gia là sự hợp lưu của hai dòng họ văn chương khoa bảng cùng tụ cư, sinh sống xung quanh núi Hồng. Khái niệm Văn phái Hồng Sơn được định danh bằng tên địa danh Hồng Sơn (Núi Hồng). Điểm nổi bật của Văn phái Hồng Sơn là có số lượng tác giả, tác phẩm đông đảo, đề tài sáng tác đa dạng. Cùng tiếp thu ảnh hưởng của văn hóa từ nhiều nguồn nhưng dấu ấn văn hóa dân gian, văn hóa bản địa vẫn chiếm ưu thế nổi bật trong sáng tác của các tác giả thuộc Văn phái Hồng Sơn.

Các tác giả của cả hai dòng văn đều là những tác gia “song ngữ”, vừa viết bằng chữ Hán, vừa viết bằng chữ Nôm, vừa viết bằng các thể loại văn học ngoại nhập/ vay mượn, vừa viết bằng các thể loại văn học nội sinh/ dân tộc. Tuy nhiên họ luôn có ý thức đề cao chữ Nôm, phát huy thể loại văn học dân tộc, nhất là thể thơ lục bát. Thể lục bát và tiếng Việt trong Hoa tiên của Nguyễn Huy Tự đã đạt đến độ nhuần nhuyễn, tinh tế; lục bát và tiếng Việt qua Truyện Kiều của Nguyễn Du đã đạt đến trình độ hoàn thiện, điển phạm.

Cả hai dòng văn dù không tổ chức sinh hoạt văn chương theo kiểu hội, nhóm văn đàn,... nhưng luôn có sự trao đổi, giao lưu, đàm đạo văn chương. Sáng tác của hai dòng văn cho thấy các tác giả của hai dòng văn có ảnh hưởng, tác động lẫn nhau, có nhiều điểm tương đồng, gần gũi. Có thể nói hai dòng văn cùng hợp lực tạo nên một “văn phái” - Văn phái Hồng Sơn. Vân Bình Tôn Thất Lương khẳng định: "Miền Nghi Xuân quê quán Nguyễn Du, miền La Sơn quê quán Nguyễn Huy Tự, hai nhà ấy đã lưu truyền hai báu vật vô giá, là tập "Đoạn

trường tân thanh" và tập "Truyện Hoa tiên", đã đem dạy kẻ hậu sinh xây dựng

Có thể nói, các tác giả của dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu và dòng họ Nguyễn Tiên Điền đều rất có ý thức trước tác, sáng tác nhằm phản ánh các hiện tượng của đời sống xã hội Việt Nam, nhất là vào khoảng thời gian cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỉ XIX. Trong khối di sản văn hóa, văn học mà họ để lại, có nhiều tác phẩm đạt tầm kiệt tác, có giá trị xuyên thời đại; có không ít những tác gia là những phong cách lớn, đáng được xem là những dấu mốc quan trọng trong lịch sử văn học dân tộc, trong đó, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Du, Nguyễn Huy Hổ... chính là những điển hình tiêu biểu.

Tiểu kết chương 2

Dòng họ/ dòng văn Nguyễn Huy Trường Lưu hình thành và phát triển trong một bối cảnh có nhiều biến động phức tạp của lịch sử. Môi trường địa lý, điều kiện môi sinh cũng đã góp phần quan trọng cho sự hình thành, phát triển của dòng văn Trường Lưu. Tuy nhiên, yếu tố mang tính quyết định vẫn là ý thức và bản lĩnh của chủ thể dòng văn Nguyễn Huy Trường Lưu. Biết chọn vùng đất “sông Sạc núi Cài” để sinh cơ lập nghiệp, tạo dựng và vun đắp cho sự lớn mạnh của dòng họ quả thực là những dụng ý sâu xa của các bậc tiền nhân dòng họ Nguyễn Huy.

Dòng văn Trường Lưu quả là một hiện tượng khá đặc biệt trong lịch sử văn học trung đại Việt Nam. Dòng văn này có thời gian phát triển khá dài, trong khoảng 150 năm, diễn ra trong bối cảnh xã hội có nhiều biến chuyển sâu sắc, trải qua các triều Lê trung hưng, Tây Sơn, Nhà Nguyễn và tiền hiện đại. Dòng văn Trường Lưu có số lượng tác giả khá đông (khoảng gần 20 người), có số lượng tác phẩm khá lớn, nhiều tác phẩm có giá trị cao về mặt lịch sử, văn hóa, văn học, địa lý, dân tộc học…

Lịch sử văn hóa, văn học Việt Nam thời trung đại cho thấy vai trò quan trọng đặc biệt của dòng họ trong giáo dưỡng, hun đúc nên tài năng và sự xuất hiện của các cá nhân (tác giả) để kiến tạo nên dòng văn; và ngược lại, các cá nhân (tác giả) tiêu biểu của dòng họ đóng vai trò quyết định cho sự hiện hữu danh giá, xứng tầm của dòng văn...

Chương 3

MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP TIÊU BIỂU

CỦA DI SẢN VĂN HỌC DÒNG VĂN TRƯỜNG LƯU

Một phần của tài liệu Di sản văn học của dòng văn Trường Lưu (Hà Tĩnh) từ góc nhìn văn hóa. (Trang 81 - 84)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(180 trang)
w