Chế tài hủy bỏ hợp đồng

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hoàn thiện pháp luật Việt Nam về các thể loại chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại 07 (Trang 36 - 38)

1.3. Nội dung của chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại

1.3.4.Chế tài hủy bỏ hợp đồng

Hợp đồng là công cụ hữu hiệu nhất của các thương nhân muốn

hợp tác làm ăn với nhau, là công cụ kết nối các nhu cầu, nguồn lực để tạo ra các giá trị mới, lợi nhuận cho các bên. Các bên đều mong muốn những lợi ích kinh tế dù ít, dù nhiều từ các hợp đồng. Mỗi bên giao kết hợp đồng thương mại đều có những mục đích riêng của mình. Nhưng mong muốn về lợi ích đó được bên kia mang lại. Khi hợp đồng bị vi phạm, mục đích của việc tiếp tục thiết lập và duy trì hợp đồng nếu không đạt được, thì các bên có quyền giải thoát khỏi hợp đồng và đòi bồi thường thiệt hại.

Hủy hợp đồng là phản ứng gay gắt nhất của người bị vi phạm trước bên vi phạm. Khi mục đích của hợp đồng không đạt được bởi những vi phạm quan trọng, hoặc việc thực thi đúng nghĩa vụ của hợp đồng có thể làm cho một bên phải gánh chịu những tổn thất rất lớn mà việc thực hiện hợp đồng đúng không thể bù đắp được những tổn thất đó, hoặc hợp đồng không có hy vọng để thực hiện trong tương lai. Nói một cách đúng đắn, hợp đồng không phải được lập ra để huỷ bỏ mà nhằm mang đến những lợi ích mong muốn cho các bên. Như vậy chế tài hủy bỏ hợp đồng là giải pháp hữu hiệu cho các bên khi quan hệ hợp đồng

không thể tiếp tục duy trì. Mục đích của hợp đồng không đạt được các bên có thể giải thoát khỏi nó để đi tìm cơ hội hợp tác mới.

Chế tài hủy bỏ hợp đồng có các đặc điểm sau đây:

- Hủy bỏ hợp đồng chỉ áp dụng khi hành vi vi phạm nghiêm trọng hợp đồng làm cho mục đích của hợp đồng không đạt được hoặc khi xảy ra những hành vi vi phạm là điều kiện huỷ bỏ mà các bên đã thoả thuận. Vi phạm nghiêm trọng hợp đồng hay vi phạm cơ bản hay những điều khoản chủ yếu của hợp đồng, để xác định một vi phạm là chủ yếu hay cơ bản, nghiêm trọng phải xem xét một cách cẩn thận từng loại hợp đồng, mục đích hình thành hợp đồng, mong muốn của các bên trong đó, hoàn cảnh diễn biến của việc thực hiện hợp đồng. Ví dụ trong hợp đồng mua bán hàng hoá thì mục đích của bên bán là thu số tiền mà bên mua phải trả và mục đích của bên mua là quyền sở hữu hàng hoá của bên bán hay bên bán chuyển giao quyền sở hữu hàng hoá cho bên mua. Khi bên bán không giao hàng thì đây được coi là vi phạm cơ bản hợp đồng dẫn đến quyền xin hủy bỏ hợp đồng.

- Huỷ hợp đồng giải phóng các bên khỏi nghĩa vụ, sự ràng buộc của hợp đồng, xác lập lại tình trạng ban đầu trước khi có quan hệ hợp đồng. Đó khi giải quyết hậu quả của việc huy hợp đồng hầu hết pháp luật các nước đều quy định nguyên tắc các bên phải hoàn lại cho nhau những gì đã nhận, tuy nhiên khi xử lý hậu quả của việc hợp đồng bị huỷ bỏ không phải tất cả đều áp dụng đúng nguyên tắc trên mà trọng tài hoặc toà án công nhận hủy hợp đồng không có hiệu lực hồi tố, những gì mà các bên đã nhận không phải trả lại, hợp đồng có hiệu lực trong quá khứ [5, tr. 525].

- Do không logic và trái ngược hẳn nhau nên hủy bỏ hợp đồng không thể áp dụng đồng thời với biện pháp buộc thực hiện đúng hợp

đồng, tạm ngừng hay đình chỉ hợp đồng mà chỉ có thể áp dụng cùng với biện pháp xin đòi bồi thường thiệt hại hoặc phạt vi phạm.

- Khi muốn hủy bỏ hợp đồng thì pháp luật quy định bên hủy bỏ hợp đồng phải có nghĩa vụ thông báo về việc huỷ hợp đồng. Các cơ quan giải quyết tranh chấp chỉ có quyền xem xét việc huỷ hợp đồng là hợp pháp hay không hợp pháp mà không có quyền tự huỷ hợp đồng giữa các bên khi không có yêu cầu. Bởi bản chất hợp đồng là do ý chí của các bên tạo lập, trong đó quyền và nghĩa vụ của mỗi bên được tạo lập. Bất kỳ chủ thể nào cũng không có quyền can thiệp khi những thoả thuận đó là hợp pháp. Việc chấm dứt một quan hệ pháp luật hợp đồng do ý chí của các bên quyết định hoặc toà án can thiệp theo yêu cầu mà không được tự mình xem xét khi chúng hợp pháp.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hoàn thiện pháp luật Việt Nam về các thể loại chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại 07 (Trang 36 - 38)