Chế tài đình chỉ thực hiện hợp đồng

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hoàn thiện pháp luật Việt Nam về các thể loại chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại 07 (Trang 38 - 40)

1.3. Nội dung của chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại

1.3.5.Chế tài đình chỉ thực hiện hợp đồng

Đình chỉ thực hiện hợp đồng là việc một bên chấm dứt thực hiện nghĩa vụ hợp đồng khi mà xảy ra trường hợp mà các bên thoả thuận là điều kiện để đình chỉ hợp đồng hoặc một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng (trừ trường hợp miễn trách nhiệm do thoả thuận hoặc pháp luật quy định).

Bản chất của đình chỉ hợp đồng là việc chấm dứt quan hệ hợp đồng tại thời điểm một bên đưa ra quyết định đình chỉ hợp đồng. Nó là một hành vi làm chấm dứt quan hệ hợp đồng giữa các bên. Các bên ngừng hẳn không bên nào còn phải thực hiện nghĩa vụ của mình nữa và hợp đồng giữa các bên được kết thúc.

- Hợp đồng bị đình chỉ thì hiệu lực của nó chấm dứt từ khi một bên quyết định đình chỉ hợp đồng và thông báo cho bên kia về việc đình chỉ hợp đồng.

- Chấm đứt hợp đồng bằng việc đình chỉ hợp đồng không đưa các bên quay trở lại tình trạng ban đầu khi thiết lập hợp đồng, phần hợp đồng đã thực hiện trước đó vẫn có hiệu lực pháp luật.

- Khi quyết đinh chấm dứt hợp đồng thì bên đình chỉ phải thông báo cho bên kia biết về việc hợp đồng bị đình chỉ, nếu không thông báo mà tự động chấm dứt sẽ bị coi là vi phạm nghĩa vụ hợp đồng.

Ba thể loại chế tài như hủy bỏ hợp đồng, tạm ngừng thực hiện và đình chỉ hợp đồng có nhiều điểm chung dễ nhầm lẫn, nhưng hậu quả pháp lý của từng chế tài là hoàn toàn khác nhau. Hủy bỏ hợp đồng làm cho toàn bộ hợp đồng coi như không hề tồn tại giữa các bên. Sau khi hủy bỏ hợp đồng quan hệ hợp đồng kết thúc và các bên quay trở về vị trí ban đầu như khi chưa có quan hệ hợp đồng. Các bên phải hoàn lại cho nhau những gì đã nhận. Tạm ngừng thực hiện hợp đồng không làm mất đi hiệu lực của hợp đồng, hợp đồng vẫn tồn tại ràng buộc các bên, nghĩa vụ hợp đồng chỉ tạm hoãn thực hiện trong một thời gian. Đình chỉ hợp đồng làm cho hợp đồng chấm dứt như huỷ hợp đồng nhưng hợp đồng chỉ chấm hết hiệu lực tại thời điểm đình chỉ, còn phần đã thực hiện về trước vẫn tồn tại hợp đồng, nó không đưa các bên trở lại với tình trạng như khi chưa có quan hệ hợp đồng mà tình trạng những gì đã thực hiện của hợp đồng được giữ nguyên hiệu lực, các bên không phải hoàn trả cho nhau những gi đã nhận vì hợp đồng là có hiệu lực trước khi huỷ.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Hoàn thiện pháp luật Việt Nam về các thể loại chế tài đối với vi phạm hợp đồng thương mại 07 (Trang 38 - 40)