1.4. Các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ công bố thông tin tài chính trên báo cáo
1.4.1. Một số lý thuyết có liên quan đến các yếu tố ảnh hưởng
1.4.1.1. Lý thuyết thông tin bất cân xứng
Lý thuyết thông tin bất cân xứng (Asymmetric Information) xuất hiện lần đầu tiên vào những năm 1970 và đã được khẳng định vị trí của mình trong kinh tế học hiện đại bằng sự kiện năm 2001 khi các nhà khoa học nghiên cứu lý thuyết này là George Akerlof, Michael Spence và Joseph Stiglitz cùng vinh dự nhận giải Nobel kinh tế. Thông tin bất cân xứng là hiện tượng xảy ra khá phổ biến trên TTCK khi một nhóm các nhà đầu tư có nhiều thông tin về một doanh nghiệp nào đó so với các nhà đầu tư còn lại. Đây là hiện tượng các bên tham gia giao dịch trên thị trường không được tiếp cận nguồn thông tin như nhau, thời gian tiếp cận không đồng thời, khả năng tiếp cận có sự khác biệt.
Để khắc phục tình trạng thông tin bất cân xứng Akerloft, Micheal Spence (1973) chỉ ra giải pháp bằng cơ chế phát tín hiệu (signaling) tức là bên có nhiều thông tin sẽ phát tín hiệu một cách trung thực và tin cậy đến bên ít thông tin. Ví dụ, những doanh nghiệp có quy mô lớn, có thương hiệu trên thị trường thường có chính sách chăm sóc khách hàng chu đáo với chế độ bảo hành tin cậy để phát đi những tín hiệu tích cực về chất lượng sản phẩm và dịch vụ của mình. Điều này làm cho các doanh nghiệp có hàng hoá chất lượng cao lại phải bỏ ra nhiều chi phí hơn so với các doanh nghiệp có hàng hoá chất lượng thấp.
Hàng hoá trên thị trường chứng khoán là một loại tài sản đặc thù – tài sản tài chính. Để đo lường và đánh giá chất lượng loại tài sản này đòi hỏi người đánh giá phải có kinh nghiệm và trình độ nhất định. Đặc điểm chung của một thị trường chứng khoán mới nổi như Việt Nam là sự thiếu hoàn hảo về thông tin và hoạt động quản lý
giám sát còn yếu. Đặc điểm các nhà đầu tư tham gia TTCK Việt Nam là các nhà đầu tư cá nhân, quy mô vốn nhỏ, thiếu hiểu biết về lĩnh vực tài chính nói chung và đầu tư chứng khoán nói riêng.
Vận dụng lý thuyết vào đề tài: Lý thuyết thông tin bất cân xứng được sử dụng để giải thích cho việc phát tín hiệu ra thị trường hay tăng cường mức độ CBTT tích cực để giúp nhà đầu tư phân biệt được chất lượng của các loại chứng khoán trên thị trường. Theo Healy, P.M và Palepu, K.G (2001)[86] cho rằng các cổ đông sẽ đòi hỏi mức lợi nhuận cao hơn đối với các dự án đầu tư không có đầy đủ thông tin. Fredeic S. Mishkin (2004)[75] cho rằng các nhà đầu tư có thể xem xét và nhận định được kết quả hoạt động của DN thông qua lượng thông tin thu thập được từ đó nhận thấy được những thuận lợi, khó khăn, khả năng phát triển của DN. Hơn nữa, lợi ích của hoạt động công bố TTTC là giúp cho doanh nghiệp chứng tỏ được khả năng phát triển và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, làm hạn chế ảnh hưởng của việc thông tin không cân xứng, giảm giao dịch nội bộ và thao túng giá. Như vậy, lý thuyết thông tin bất cân xứng được sử dụng trong nghiên cứu này để giải thích sự tác động của các nhân tố sở hữu tổ chức, đòn bẩy tài chính, khả năng sinh lời đến mức độ công bố TTTC.
1.4.1.2. Lý thuyết tín hiệu (Signaling theory)
Lý thuyết tín hiệu được Micheal Spence giới thiệu năm 1974 trong bối cảnh thị trường không hoàn hảo và tồn tại bất cân xứng thông tin giữa DN và cổ đông gây ra sự lựa chọn không có lợi cho cổ đông. Lý thuyết tín hiệu mô tả hành vi của hai bên giữa bên phát tín hiệu và bên nhận tín hiệu, phía người phát tín hiệu có thể lựa chọn nội dung thông tin để truyền tải tới người nhận qua các phương tiện truyền tin. Người nhận thông tin phải tìm cách phân tích và chọn lọc thông tin để biến nó trở thành các thông tin hữu ích cho việc ra quyết định. Theo Watts và Zimmerman (1986)[124] các DN công bố thông tin một cách tự nguyện và phát tín hiệu đó ra thị trường nhằm giúp các nhà đầu tư và các bên liên quan có thể đưa ra các quyết định hợp lý và tạo thêm niềm tin với công chúng. Xét dưới góc độ quản trị doanh nghiệp lý thuyết tín hiệu chỉ ra cách thức phát tín hiệu nhằm giảm thiểu sự bất cân xứng
thông tin cho đối tượng sử dụng. Nghiên cứu của Behbahani và cộng sự (2013)[61] cho rằng các doanh nghiệp lựa chọn công ty kiểm toán có quy mô lớn để thực hiện kiểm toán BCTC là các doanh nghiệp quan tâm đến chất lượng kiểm toán độc lập và họ sẽ có xu hướng CBTT nhiều hơn.
Vận dụng lý thuyết vào đề tài: Lý thuyết tín hiệu góp phần vào việc giải thích rằng các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, kết quả kinh doanh tốt sẽ có chính sách kế toán cho phép TTTC của họ được cung cấp vượt trội hơn trong khi những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thấp hơn sẽ chọn những chính sách nhằm che bớt những khuyết điểm này. Các DN có quy mô lớn, thời gian hoạt động dài, khả năng sinh lời cao, đòn bẩy tài chính thấp thường có xu hướng công bố TTTC nhiều hơn để tạo niềm tin và thu hút nhà đầu tư. Theo nghiên cứu của Abed và cộng sự, (2011)[38] sự bất cân xứng thông tin ở các doanh nghiệp lớn sẽ lớn hơn các doanh nghiệp nhỏ nên các doanh nghiệp lớn sẽ CBTT nhiều hơn nhằm giảm nhẹ vấn đề này. Ngoài ra, các doanh nghiệp có tỷ lệ sinh lời cao hơn sẽ có xu hướng CBTT nhiều hơn đến thị trường để tăng sự tin tưởng của các nhà đầu tư (Shingvi và Desai, 1971)[111] và để tránh sự đánh giá thấp cổ phiếu doanh nghiệp. Trong nghiên cứu này, lý thuyết tín hiệu được trình bày nhằm giải thích tác động của các nhân tố: Quy mô, tuổi của DN.
1.4.1.3. Lý thuyết đại diện (Agency theory)
Lý thuyết đại diện ra đời vào những năm 1970, cơ sở của lý thuyết đại diện chính là sự uỷ quyền, sự tách rời giữa quyền sở hữu và quyền điều hành, quản lý. Theo Jensen và Meckling (1976)[82], lý thuyết này đề cập đến mối quan hệ hợp đồng giữa một bên là các cổ đông hay người sở hữu vốn (the pricipals) với một bên khác là người nhận/ được uỷ quyền (các nhà quản lý, điều hành - the Agents) cam kết thực hiện theo các lợi ích của cổ đông. Chính vì sự tách rời lợi ích giữa một bên là chủ sở hữu vốn và một bên là người đại diện cho chủ sở hữu vốn nên có thể dẫn đến mâu thuẫn lợi ích giữa 2 đối tượng này. Thông thường người sở hữu vốn luôn mong đợi các nhà quản lý, điều hành sẽ có những quyết định mang lại lợi ích cho phần lớn các cổ đông của doanh nghiệp nhưng ngược lại các nhà quản lý cũng theo
đuổi những lợi ích riêng của họ như lợi nhuận ngắn hạn trong thời gian điều hành để tạo nên tên tuổi cũng như thành tựu cá nhân mà quên đi sự phát triển bền vững lâu dài của doanh nghiệp. Khi đó lợi ích của cổ đông và nhà quản lý bất đồng, lúc này sẽ xuất hiện khả năng về mối quan hệ bất hoà. Mặt khác, bên cạnh sự mâu thuẫn về lợi ích còn có mâu thuẫn về bất cân xứng thông tin do người sở hữu vốn không trực tiếp tham gia vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nên không có thông tin đầy đủ và thường xuyên như người điều hành. Như vậy, trong mối quan hệ này luôn tồn tại sự mâu thuẫn và đó cũng là nguyên nhân dẫn đến những rủi ro thông tin mà người sở hữu vốn có thể gặp phải do người đại diện lợi dụng từ những thông tin sẵn có để trục lợi. Việc không thống nhất lợi ích giữa chủ sở hữu và người đại diện làm phát sinh một loại chi phí gọi là chi phí đại diện (agent costs). Chi phí đại diện bao gồm chi phí giám sát và chi phí ràng buộc.
Chi phí giám sát là khoản chi phí do người chủ sở hữu chấp nhận chi ra để đo lường, giám sát và kiểm tra hoạt động của người đại diện như là chi phí kiểm toán. Chi phí ràng buộc là chi phí để thiết lập một bộ máy quản lý có hiệu quả để tối thiểu hoá những hành vi quản trị không mong muốn gây rủi ro tới lợi ích của người sở hữu vốn bằng cách bổ nhiệm những thành viên bên ngoài vào ban điều hành.
Vận dụng lý thuyết vào đề tài: Đối với các loại hình doanh nghiệp có sự tách biệt giữa quyền sở hữu và quyền quản lý như DNPTCNY, các chủ sở hữu thường có xu hướng chấp nhận một khoản chi phí đại diện đáng kể để thuê người quản lý có năng lực điều hành, được đào tạo một cách chuyên nghiệp, có chuyên môn tốt…Về phía người đại diện, hợp đồng đại diện này sẽ mang lại cho nhà quản lý các lợi ích như các khoản tiền lương, tiền thưởng và các khoản lợi tức từ việc điều hành doanh nghiệp. Mặc dù chi phí đại diện được cho là một trong những biện pháp để giảm sự mâu thuẫn lợi ích giữa 2 bên tuy nhiên trong một số trường hợp người đại diện có thể che dấu thông tin quan trọng làm cho người sở hữu đưa ra các quyết định lựa chọn phương án có lợi, an toàn cho người đại diện. Trong khi đó các chủ sở hữu, nhà đầu tư, những người cần thông tin cho mục đích ra quyết định lại khó có cơ hội tiếp cận với thông tin. Vì vậy, để kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp, chủ sở hữu
phải gia tăng các hoạt động giám sát dẫn đến việc gia tăng chi phí đại diện và giảm bớt sự bất cân xứng thông tin bằng cách tăng cường mức độ công bố thông tin.
Trong nghiên cứu này, lý thuyết đại diện được sử dụng để giải thích ảnh hưởng của các yếu tố trình độ của chuyên môn của BGĐ, quy mô BGĐ, công ty kiểm toán đến mức độ công bố TTTC.
1.4.1.4. Lý thuyết chi phí chính trị (Political cost theory)
Chi phí chính trị là chi phí liên quan đến việc chính phủ thông qua các chính sách trong một số lĩnh vực để tăng nguồn thu và phân phối lại cho các bên khác trong xã hội. Các chính sách của nhà nước có thể tác động đến hành động của kế toán bao gồm chính sách về điều chỉnh thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, điều kiện để niêm yết trên TTCK, điều kiện về huỷ niêm yết bắt buộc, các ưu đãi về thuế khi niêm yết… Lý thuyết chi phí chính trị được phát triển bởi Watts và Zimmerman (1986)[124] để giải thích các hiện tượng trong kế toán như là những hành động của kế toán trong thực tế của DN dưới sự ban hành các chính sách vĩ mô của nhà nước. Lý thuyết này cho rằng để giảm thiểu chi phí chính trị tiềm tàng, những doanh nghiệp có định hướng phát triển lâu dài, bền vững sẽ CBTT nhiều hơn nhằm tăng sự tác động tích cực đến hình ảnh của họ và tránh được sự chú ý của công chúng và cơ quan quản lý (Birt và cộng sự, 2006[59], Deegan&Gordon, 1996 [73]). Theo Watts và Zimmerman (1986) [124], các chính trị gia có thể phân phối lại của cải của các công ty dưới quyền của họ bằng cách sử dụng các chính sách thuế, trợ cấp, các khoản đóng góp, bảo hiểm… Vì vậy, một số cách thức được các doanh nghiệp lựa chọn để giảm bớt áp lực mà họ gặp phải từ các chính sách này bằng cách tham gia vận động hành lang, hoạt động trách nhiệm xã hội trên phương tiện truyền thông và giảm lợi nhuận thực tế của doanh nghiệp bằng cách lựa chọn các chính sách kế toán để có thể đạt được mục đích. Lý thuyết này cũng thừa nhận rằng những doanh nghiệp chịu sự giám sát chặt chẽ từ cơ quan quản lý chẳng hạn những doanh nghiệp có vốn sở hữu của Nhà nước có xu hướng gia tăng công bố TTTC để tránh sự can thiệp của các quy định (Watts & Zimmerman, 1978 [124]) .
Vận dụng lý thuyết vào đề tài: trong nghiên cứu này lý thuyết chi phí chính trị được sử dụng giải thích ảnh hưởng của các yếu tố: sở hữu Nhà nước, tuổi của DN đến mức độ công bố TTTC.