Những hạn chế còn tồn tại

Một phần của tài liệu ĐỀ TÀI KINH TẾ THỊ TRƯỜNG VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA CÁC THÀNH PHẦN KINH TẾ ở VIỆT NAM HIỆN NAY (Trang 43 - 46)

2.3 .Khái quát sơ lược thành phần kinh tế ở Việt Nam

2.4. Vận dụng vào phát triển của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế nước ta

2.4.2.2 Những hạn chế còn tồn tại

Tuy đạt nhiều thành tựu, song, nhìn chung, khu vực kinh tế tư nhân còn tồn tại, hạn chế. Cơ chế, chính sách khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, kinh tế tư nhân chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế, có quy mô nhỏ, chủ yếu vẫn là kinh tế hộ. Trình độ công nghệ, quản trị, năng lực tài chính, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh thấp. Cơ cấu ngành nghề còn bất hợp lý, thiếu liên kết với nhau và với các thành phần kinh tế khác. Năng lực hội nhập kinh tế quốc tế còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu tham gia các chuỗi giá trị sản xuất khu vực và toàn cầu. Vi phạm pháp luật và cạnh tranh không lành mạnh còn khá phổ biến. Quyền tự do kinh doanh và quyền tài sản, tiếp cận các cơ hội kinh doanh, nguồn lực xã hội chưa thực sự bình đẳng so với các thành phần kinh tế khác... đa số các doanh nghiệp tư nhân (DNTN) là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Thậm chí, tỷ trọng của các doanh nghiệp siêu nhỏ đã tăng mạnh trong những năm gần đây. Do quy mô vốn nhỏ, năng lực tài chính yếu kém nên năng lực cạnh tranh của các DNTN thường thấp hơn các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nhiều DNTN còn kinh doanh theo hình thức ngắn hạn, chưa có tầm nhìn, chiến lược kinh doanh dài hạn; ý thức tự giác chấp hành pháp luật của Nhà nước còn hạn chế. Đội ngũ doanh nhân của khu vực tư nhân chưa thực sự lớn mạnh, còn thiếu kinh nghiệm trên thương trường quốc tế và chưa được đào tạo sâu về quản lý sản xuất, kinh doanh. Một bộ phận doanh nhân còn hạn chế về kiến thức, sự am hiểu pháp luật và năng lực kinh doanh, kinh nghiệm quản lý, khả năng cạnh tranh và hội nhập. Một số doanh nhân còn thiếu trách nhiệm với xã hội, vì lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, làm tăng thêm các tiêu cực xã hội, môi trường.

23 https://dangcongsan.vn/kinh-te-va-hoi-nhap/phat-trien-kinh-te-tu-nhan-thuc-trang-va-giai-phap-470505.html 42

Năng lực công nghiệp của khu vực KTTN trên thực tế là rất nhỏ và yếu, mới chỉ đang ở giai đoạn đầu của thời kỳ phát triển. Phần lớn sản xuất công nghiệp của các DNTN là gia công lắp ráp, chủ yếu sử dụng máy móc, thiết bị và nguyên liệu nhập khẩu. Các công đoạn sản xuất đưa lại giá trị gia tăng cao, như thiết kế, tạo kiểu dáng, ma-két-ting... đều được thực hiện bởi đối tác nước ngoài. Sự phân tầng trình độ công nghệ đang diễn ra trong từng ngành và trong nhiều doanh nghiệp; công nghệ lạc hậu, trung bình và tiên tiến cùng đan xen tồn tại; công nghệ tiên tiến, hiện đại chỉ tập trung vào một số ít DNTN, ở một số ít lĩnh vực. Chênh lệch về trình độ công nghệ bộc lộ rõ: các DNTN thấp hơn khu vực doanh nghiệp nhà nước và thua xa doanh nghiệp FDI. Do trình độ công nghệ thấp, các DNTN không có khả năng kết nối cũng như tham gia ngành công nghiệp hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn, nhất là không thể tận dụng được hiệu ứng lan tỏa từ các doanh nghiệp FDI đang tăng trưởng nhanh.

Các DNTN phần lớn vẫn hoạt động ở thị trường trong nước, chỉ rất ít DNTN lớn vươn được ra thị trường nước ngoài ở một mức độ khiêm tốn. Ngay cả ở thị trường trong nước, dưới sức ép cạnh tranh gay gắt các DNTN lớn cũng bắt đầu có xu hướng rút khỏi các ngành sản xuất công nghiệp, nhường lại sân chơi cho các doanh nghiệp nước ngoài. Sự rút lui này cũng diễn ra trong một số lĩnh vực dịch vụ như phân phối và bán lẻ được ưu tiên và có nhiều tiềm năng của nền kinh tế.

Số lượng DNTN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp còn rất ít. Trong khi đó, nhiều chính sách “cởi trói” giúp nông nghiệp, nông thôn phát triển trong thời kỳ sau đổi mới đã tới giới hạn. Mô hình kinh tế hộ truyền thống tồn tại lâu nay ở nông thôn không còn phù hợp với điều kiện mới; yêu cầu tích tụ, tập trung ruộng đất đang được đặt ra cho việc triển khai những mô hình hiện đại như kinh tế trang trại quy mô lớn. Việc giải quyết lao động trong ngành nông nghiệp chưa đạt hiệu quả mong muốn có nguyên nhân chủ yếu là sự phát triển của lực lượng doanh nghiệp ở nông thôn không đủ mạnh nên chưa thúc đẩy chuyển dịch nhanh lao động nông nghiệp sang lao động phi nông nghiệp.

Trong những năm qua, môi trường kinh doanh ở nước ta đã được cải thiện nhiều, song vẫn chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực KTTN phát triển mạnh. Báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2017 của Ngân hàng Thế giới (WB) xếp Việt Nam đứng

thứ 82 trong tổng số 190 nền kinh tế (về môi trường kinh doanh), tốt hơn một số nước trong khu vực châu Á (như In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin, Ấn Độ) và cải thiện so với thứ hạng trong Báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2016 (Việt Nam đứng thứ 91). Tuy nhiên, thứ hạng đối với một số chỉ số của Việt Nam còn khá thấp, như khởi sự kinh doanh (đứng thứ 121), trả thuế (đứng thứ 167), và phá sản (đứng thứ 125).24

2.4.3 Những giải pháp thúc đẩy sự phát triển của sở hữu tư nhân và kinh tế tư nhân ở nước ta

2.4.3.1 Đưa ra chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp ở Việt Nam

Ở Việt Nam hiện nay, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được Nhà nước quan tâm. Sự thành đạt của một quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của các doanh nghiệp. Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu gay gắt như hiện nay, vai trò của Nhà nước đối với doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển, từ việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi bao gồm xây dựng và ban hành các luật về doanh nghiệp, tạo thuận lợi trong cấp giấy phép, tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh đến cung cấp thông tin, hỗ trợ công nghệ, hỗ trợ về tín dụng và đào tạo nguồn nhân lực quản lý cho doanh nghiệp.

Xuất phát từ lý do đó, sự hỗ trợ của Nhà nước là một vấn đề hết sức cần thiết đối với sự phát triển của các doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Các giải pháp nhà nước cần thực hiện:

Doanh nghiệp là chủ thể. Vì vậy, Nhà nước phải tập trung nỗ lực tạo đà, tạo thế cho doanh nghiệp, tạo môi trường pháp lý, quyết định thể chế, chính sách khuyến khích, trợ giúp; tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hết lòng phục vụ doanh nghiệp, chăm lo cho doanh nghiệp, bảo đảm mọi thể chế, chính sách đều hướng về doanh nghiệp mà phục vụ, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

24 Phát triển kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam | Hội đồng tư vấn | Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (mattran.org.vn)

Vốn là điều kiện tiên quyết, có ý nghĩa quyết định tới các bước tiếp theo của quá trình kinh doanh. Nhu cầu về vốn cho sản xuất kinh doanh là rất lớn. Tuy nhiên, việc vay vốn từ các ngân hàng hay các quỹ tín dụng đối với doanh nghiệp còn khó khăn. Vì vậy, sự hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp là hết sức cần thiết. Nhà nước cần xây dựng một hệ thống pháp luật minh bạch, hiệu quả và đảm bảo những thiết chế pháp luật đó được thi hành một cách hữu hiệu trong việc hỗ trợ doanh nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận với đất làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh là một việc làm hết sức cần thiết trong công tác quản lý nhà nước.

Cần phải có các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn, triển khai cụ thể từ phía Chính phủ, mà đặc biệt là hệ thống cung cấp thông tin cần tích cực hơn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nắm bắt thông tin một cách đầy đủ kịp thời giúp cho doanh nghiệp đưa ra được những chiến lược tối ưu.

Xuất phát từ những khó khăn mang tính chủ quan hay khách quan, khó khăn từ bên ngoài hoặc khó khăn từ chính doanh nghiệp, thì việc hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp từ các chính sách hỗ trợ đến việc đảm bảo các chính sách đó được thực hiện minh bạch, hiệu quả là một yêu cầu và nhu cầu mang tính tất yếu của nền kinh tế thị trường.

Một phần của tài liệu ĐỀ TÀI KINH TẾ THỊ TRƯỜNG VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA CÁC THÀNH PHẦN KINH TẾ ở VIỆT NAM HIỆN NAY (Trang 43 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(55 trang)